Cơ chế tài chính cho NCKH trong trường đại học: Khiêm tốn, chưa hợp lý

Đầu tư tài chính từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) trong ngành Giáo dục khá khiêm tốn và chưa hợp lý. Nhận định này được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và KHCN đưa ra trong thời gian qua. Trao đổi về nhận định trên, TS Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho rằng, cần có những thay đổi về cơ chế, chính sách giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) trong trường ĐH.

Nghiên cứu khoa học đòi hỏi rất lớn từ nguồn nhân lực và cơ sở vật chất trong các trường đại học. Ảnh: NT

Nghiên cứu khoa học đòi hỏi rất lớn từ nguồn nhân lực và cơ sở vật chất trong các trường đại học. Ảnh: NT

Đầu tư khiêm tốn

TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội - cho biết kinh phí chi cho hoạt động KHCN của một trường ĐH gồm rất nhiều hoạt động, bao gồm chi NCKH sinh viên, nghiên cứu cho cán bộ, lương bộ máy nghiên cứu theo nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của các phòng thí nghiệm, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, chi xúc tiến KHCN, hợp tác KHCN. Đối với Trường ĐH Mở Hà Nội, lãnh đạo nhà trường và các bộ phận tham mưu phải họp bàn nhiều phiên mới tìm được ra các cơ chế tài chính “tạm ổn” cho hoạt động KHCN để lĩnh vực này của trường tăng trưởng ổn định trong thời gian qua.

Theo số liệu của World Bank năm 2016, đầu tư tài chính cho hoạt động KHCN trong cả nước bình quân cả giai đoạn 2011 - 2015 vào khoảng 1,7% ngân sách Nhà nước. Trong đó đầu tư tài chính từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động KHCN trong ngành Giáo dục khá khiêm tốn và chưa hợp lý, cụ thể bằng 35% so với đầu tư cho hoạt động KHCN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 86% so với với đầu tư cho hoạt động KHCN của Bộ Công Thương, 44,9% so với Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam và 18,3% so với Bộ KH&CN.

Để phát triển các trường ĐH, nơi tạo ra phần lớn nguồn nhân lực KHCN, cần đầu tư có trọng điểm, tránh dàn trải, hình thức trong lĩnh vực KHCN. Có như vậy, chúng ta mới có thể bắt kịp được các nước trong khu vực về giáo dục ĐH.

TS Trương Tiến Tùng

Đáng chú ý, ngân sách KHCN đầu tư cho ngành Giáo dục trong những năm qua có xu thế giảm; trong khi số lượng các nhà khoa học trong ngành ngày càng tăng, số lượng các sản phẩm KHCN của các trường ĐH đóng góp cho tiềm lực KHCN quốc gia là lớn. Cụ thể, số lượng các dòng sản phẩm NCKH của các trường ĐH được thương mại hóa chiếm hơn 65% so với tổng số dòng sản phẩm thu được từ hoạt động NCKH trên cả nước; số công trình công bố hàng năm của cả nước là gần 10.000 bài/năm (năm 2018), trong đó các cơ sở giáo dục ĐH đóng góp tới 70%.

Ảnh minh họa/ INT

Còn nhiều vướng mắc

Có thể nói, NCKH tại các trường ĐH ngày càng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, nhưng nhìn chung vẫn còn khoảng cách khá xa so với các trường ĐH uy tín trên thế giới. Nguyên nhân được TS Trương Tiến Tùng chỉ ra là: Số lượng giảng viên tham gia (và được tham gia) NCKH không nhiều. Một tỷ lệ nhỏ trong số đó chưa thật nhiệt tình, say mê nghiên cứu, vì thế, nhiều công trình nghiên cứu vẫn còn nghèo về chất lượng, hàm lượng khoa học thấp. Quy mô đào tạo phát triển nhanh, giờ giảng nhiều, giảng viên chưa dành thời gian cho hoạt động NCKH; có tình trạng đối phó trong NCKH.

Hoạt động NCKH của các trường ĐH vẫn phụ thuộc nhiều vào ngân sách Nhà nước. Một số trường thiếu chủ động trong triển khai các chính sách mới về KHCN và chưa kịp thời điều chỉnh quy chế KHCN của nhà trường. Tỷ trọng kinh phí cho hoạt động NCKH còn thấp trong hoạt động tự chủ tài chính. Nhiều trường khó khăn trong đa dạng hóa nguồn kinh phí NCKH và cơ chế cấp vốn đối ứng cho các NCKH hợp tác quốc tế, quốc gia. Một số trường chưa có kế hoạch đầu tư nâng cao năng lực cho các nhà khoa học, nguồn nhân lực khoa học đang trong quá trình đào tạo, chuẩn hóa chuyên môn, nên việc tham gia đăng ký thực hiện nhiệm vụ KHCN, công bố quốc tế còn hạn chế.

Cơ chế tự chủ và trách nhiệm giải trình về mặt tài chính còn nhiều bất cập. Các chính sách của Nhà nước như Nghị định 43/2006/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV, Nghị quyết 77/2014/NQ-CP, Nghị định 16/2015/NĐ-CP chưa đủ linh động để giúp các trường có khả năng chủ động điều chỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn quản lý. Việc triển khai các chính sách KHCN còn nhiều vướng mắc... Chưa có công cụ, tiêu chí, thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động NCKH cũng như của từng cán bộ NCKH…

Thay đổi chính sách hoạt động KHCN

Đưa giải pháp, kiến nghị về cơ chế, chính sách, TS Trương Tiến Tùng cho rằng, để các cơ sở giáo dục ĐH có thể thực hiện hiệu quả Nghị định 99/NĐ-CP, Chính phủ cần ban hành các chính sách để các trường xây dựng, thành lập Quỹ Phát triển KHCN tại các cơ sở giáo dục ĐH; đồng thời ban hành các chính sách cụ thể để cụ thể hóa các quy định trong Nghị định 95/2014/NĐ-CP nhằm thúc đẩy hợp tác giữa trường ĐH và doanh nghiệp. Thực hiện Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo mô hình đối tác công tư, qua đó thay đổi chính sách hoạt động KHCN cho các nhà khoa học trong trường ĐH, theo đó các nhà khoa học có thể huy động vốn, sử dụng nguồn lực trang thiết bị đầu tư cho phát triển sản phẩm, phối hợp thương mại hóa sản phẩm.

Cùng với đó, thay đổi mô hình đầu tư cho hoạt động KHCN (tăng cường năng lực nghiên cứu và đầu tư phát triển KHCN) cho các trường ĐH; trong đó không phân biệt giữa công lập và ngoài công lập, mà hướng tới sản phẩm đầu ra do hoạt động KHCN của các trường đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí của Nhà nước đặt ra, bằng mô hình xây dựng cơ sở vật chất dùng chung (phù hợp với Luật Ngân sách 2015). Xem xét điều chỉnh Thông tư liên tịch 55/TTLT-BTC-BKHCN, Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC và Quyết định 5830/QĐ-BGDĐT theo hướng đơn giản hóa các thủ tục thanh toán tài chính, khuyến khích các nhà khoa học tham gia NCKH.

TS Trương Tiến Tùng cũng nhắc đến việc thay đổi phương thức tổ chức các nhiệm vụ KHCN cấp Bộ trong các trường ĐH. Triển khai dự án đầu tư trọng điểm xây dựng một số tổ chức KHCN trọng điểm trong các trường ĐH. Triển khai dự án đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu cho hệ thống các phòng thí nghiệm thực hành, thực nghiệm tại các trường ĐH tương ứng với các ngành/chuyên ngành đào tạo...

Với các trường, bên cạnh đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học trên cơ sở một quy hoạch hợp lý, tạo điều kiện cho giảng viên tham gia NCKH có nhiều cơ hội tiếp xúc, tham gia những hoạt động khoa học, NCKH, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý khoa học theo phương châm “nghiêm túc nhưng không gò bó, thông thoáng nhưng không buông lỏng”. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ thống nhất giữa cơ chế quản lý khoa học và cơ chế quản lý đào tạo, cố gắng từng bước tạo thế cân bằng giữa hoạt động NCKH và hoạt động đào tạo. Có cơ chế để quy đổi giờ NCKH thành giờ giảng với một tỷ lệ nhất định, để giảng viên có thể yên tâm hơn khi nghiên cứu mà không lo không đủ giờ giảng theo định mức.

“Các trường cũng cần thực hiện quyền tự chủ trong hoạt động NCKH; cân đối đầu tư kinh phí thích đáng cho hoạt động này. Phân cấp cho các đơn vị trong trường mở rộng nguồn thu và khoán chi; hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ; quy định trách nhiệm giải trình về tài chính giữa các cấp trong trường; tổ chức hoạt động kiểm soát nội bộ và công khai tài chính; đào tạo nâng cao năng lực quản lý tài chính cho các đơn vị trong trường. Có cơ chế đầu tư hiệu quả nhằm hiện đại hóa thư viện, các cơ sở thực hành, phòng thực nghiệm... Tạo điều kiện tối đa cho giảng viên, sinh viên cập nhật kiến thức, nâng cao hiệu quả việc tìm kiếm tham khảo tài liệu, thử nghiệm, ứng dụng kiến thức được đào tạo”, TS Trương Tiến Tùng góp ý.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/co-che-tai-chinh-cho-nckh-trong-truong-dai-hoc-khiem-ton-chua-hop-ly-4059961-b.html