Cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại

Trong bối cảnh các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính có những diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần phải xây dựng một cơ chế pháp lý mới hiệu quả, thiết thực về hòa giải, đối thoại. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 16/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Một buổi hòa giải về tranh chấp dân sự tại Trung tâm hòa giải, đối thoại (TAND TP Hạ Long), tháng 3/2019.

Thời gian qua, số lượng các vụ việc tòa án các cấp phải thụ lý tăng lên rất nhanh với quy mô lớn và tính chất phức tạp. Trong khi đó, biên chế thẩm phán không thay đổi, đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có những giải pháp căn cơ thúc đẩy nhanh và hiệu quả việc giải quyết đơn của nhân dân, giảm áp lực cho tòa án. Từ thực tiễn đó, TAND Tối cao đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TP Hải Phòng, sau đó mở rộng ra 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ tháng 11/2018 đến tháng 9/2019) đã đem lại hiệu quả tích cực.

Tại Quảng Ninh, trong thời gian thực hiện thí điểm, các trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp tỉnh đã hòa giải, đối thoại thành 1.511/1.883 vụ việc giải quyết (đạt 80%). So với năm 2018 của hai cấp tòa án tỉnh, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tăng 4,8% (từ 80% lên 84,8%). Thời gian giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại trung tâm nhanh hơn, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và Nhà nước. Chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại trung tâm đạt kết quả cao, 100% quyết định không có kháng cáo, kháng nghị, tạo thuận lợi cho việc thi hành án; góp phần ngăn ngừa triệt để các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh giữa các bên.

Hiệu quả của công tác hòa giải, đối thoại đã làm giảm đáng kể số vụ việc mà tòa án phải trực tiếp giải quyết; tạo thuận lợi để các thẩm phán, thư ký tòa án tập trung nghiên cứu giải quyết các vụ việc phức tạp đã thụ lý, đảm bảo tỷ lệ, chất lượng xét xử; là công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động của tòa án.

Chuyên gia Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm trong hòa giải tại tòa án tại buổi tọa đàm do TAND Tối cao tổ chức tại Quảng Ninh, tháng 5/2019.

Theo thống kê, sau gần 10 tháng thí điểm, các trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án của 16 địa phương trên toàn quốc đã hòa giải thành 36.985/47.492 vụ việc được hòa giải, đối thoại (đạt 78,08%). Hiệu quả của việc thí điểm đổi mới hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa đã thêm khẳng định, minh chứng cho sự cần thiết cần có cơ chế pháp lý mới.

Xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, ý nghĩa, tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại tại tòa án, việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được xem là kịp thời, cần thiết.

Luật sư Đặng Thị Kim Dung, Đoàn Luật sư tỉnh, cho biết: Hòa giải là một bước quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp. Luật Hòa giải tại cơ sở hay Bộ luật Dân sự cũng đã có nội dung quy định liên quan đến hòa giải, thời điểm tiến hành hòa giải và trình tự công nhận kết quả hòa giải, tuy nhiên gần như chỉ mang tính chất chung chung, nên hiệu quả áp dụng chưa cao. Đặc biệt, trong hòa giải, hòa giải viên đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của phiên hòa giải, nhưng các văn bản pháp lý hiện nay chưa thực sự chú trọng đến các quy định về hòa giải viên, như: Trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý, chế độ đãi ngộ tương xứng,... Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được ban hành đã bù đắp được những lỗ hổng đó.

Luật gồm 4 chương, 42 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Việc hòa giải, đối thoại tại tòa án được tiến hành dựa trên nguyên tắc các bên tự nguyện tham gia hòa giải, đối thoại; tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên; không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ...

Đặc biệt, Luật quy định các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật. Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình. Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép...

Trần Thanh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202007/co-che-phap-ly-moi-ve-hoa-giai-doi-thoai-2491542/