Cơ chế nào cho hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Các bước chuẩn bị cuối cùng để hình thành Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đang được các cơ quan liên quan gấp rút hoàn thành. Những thắc mắc về việc Ủy ban sẽ hoạt động như một doanh nghiệp hay là cơ quan quản lý nhà nước, có được hưởng cơ chế tài chính đặc thù hay không sẽ sớm được làm rõ, ngay khi dự thảo Nghị định nêu trên được trình Chính phủ vào cuối quý I này.

Giao trách nhiệm “nặng nề”

Theo dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban đang được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH - ÐT) soạn thảo, Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. Ủy ban có nhiệm vụ thực hiện quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước theo quy định của pháp luật và phù hợp với các chương trình, kế hoạch tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đã được phê duyệt; chịu trách nhiệm bảo toàn, phát triển và nâng cao hiệu quả của tổng giá trị danh mục vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp giao Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Ðình Cung cho biết: Về cơ bản, các ý kiến đều đồng tình với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban được nêu trong Dự thảo. Riêng về quản lý nhà nước đối với Ủy ban, vẫn còn những ý kiến trái chiều. Ý kiến thứ nhất cho rằng, không cần quy định về quản lý nhà nước đối với Ủy ban. Lý do là việc giám sát và quản lý nhà nước đối với Ủy ban đã được quy định trong nhiều văn bản khác. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo Dự thảo, Bộ KH - ÐT nghiêng nhiều hơn về ý kiến thứ hai là cần quy định về giám sát và quản lý hoạt động của Ủy ban và nhất là quy định về mối quan hệ giữa Ủy ban với các Bộ. Như vậy mới có thể hỗ trợ Ủy ban thực hiện tốt nhiệm vụ, tránh rủi ro và góp phần nâng cao hiệu quả các nguồn lực quan trọng của nền kinh tế giao cho Ủy ban quản lý. Do đó, Dự thảo hiện quy định, Chính phủ thống nhất tổ chức thực hiện việc giám sát, đánh giá hoạt động của Ủy ban; các Bộ giám sát, quản lý nhà nước đối với hoạt động của Ủy ban theo phân công của Chính phủ và trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao quản lý. Ðể có cơ sở cho giám sát, đánh giá, cần có hệ thống chỉ tiêu, nhiệm vụ giao cho Ủy ban. “Tôi mong rằng, Chính phủ sẽ giao cho Ủy ban những nhiệm vụ thật “nặng nề” để trên cơ sở đó mới có sự giám sát và đánh giá đúng về hoạt động của Ủy ban. Chỉ khi nào công việc đủ phức tạp, khó khăn mới tạo ra áp lực để xuất hiện nhiều sáng kiến cũng như người tài đủ sức thực hiện những nhiệm vụ này”, ông Cung kiến nghị. Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Hiếu, thành viên Tổ công tác của Chính phủ về thành lập Ủy ban (Tổ công tác) cũng đồng tình với việc, trong Dự thảo Nghị định cần làm nổi bật hơn nữa nhiệm vụ giám sát của các cơ quan nhà nước đối với Ủy ban cũng như của Ủy ban đối với các doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu.

Không có cơ chế tài chính đặc thù

Một số ý kiến nhận định, Ủy ban là một tổ chức tài chính đặc biệt nên cần nguồn tài chính đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ được giao. Do đó, cần giao Ủy ban quản lý Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, đồng thời có thu nhập bổ sung phụ thuộc vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp giao Ủy ban quản lý. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Ủy ban là cơ quan nhà nước, vì vậy, kinh phí hoạt động sẽ được ngân sách nhà nước cấp như cơ quan nhà nước khác và không có cơ chế đặc thù. Cân nhắc hai luồng ý kiến này, Dự thảo Nghị định hiện không còn quy định Ủy ban có thu nhập bổ sung phụ thuộc vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngân sách nhà nước sẽ bảo đảm chi phí thực hiện chức năng, nhiệm vụ cho Ủy ban, bao gồm cả chi phí đầu tư phát triển, chi thường xuyên, và chi thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo, có bổ sung quy định Ủy ban được quản lý Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành, nhằm tạo nguồn lực để cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước theo quy định pháp luật. Trước vấn đề này, theo một số chuyên gia kinh tế, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp không chỉ được áp dụng riêng cho các doanh nghiệp sẽ chuyển về Ủy ban mà còn cho số lượng lớn doanh nghiệp khác trên khắp cả nước, do đó nếu chuyển về Ủy ban thì chưa chắc đã hợp lý và cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Về định hướng cho cơ chế hoạt động sắp tới, Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh cho biết: Song song với quá trình xây dựng bộ máy, Ủy ban tiến hành xây dựng một bộ tiêu chí về quản lý, quản trị doanh nghiệp cũng như đội ngũ cán bộ thông qua các quy định hiện hành. Ðể ngay sau khi có bộ máy, tiếp nhận doanh nghiệp từ các Bộ chuyển về sẽ kết nối với các doanh nghiệp bằng chính bộ tiêu chí trên. Ủy ban cũng đang nghiên cứu, tìm kiếm các công cụ công nghệ thông tin chất lượng, hiệu quả nhất để hỗ trợ việc quản lý doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào có bộ máy, con người đến đâu sẽ quản trị dần đến đó. Tinh thần xuyên suốt là Ủy ban sẽ vừa quản lý, vừa hỗ trợ hoạt động quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp, sẽ không làm thay doanh nghiệp, chỉ quản lý, quản trị doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu cao nhất là vốn nhà nước nằm trong các doanh nghiệp chuyển về Ủy ban sẽ có hiệu quả.

Theo báo cáo nhanh của Bộ Tài chính từ thống kê sơ bộ, ước tính tổng tài sản của 21 Công ty mẹ - Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sẽ được chuyển về Ủy ban là hơn 1,6 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu Nhà nước là gần 900 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp đang do năm Bộ quản lý dự kiến sẽ về Ủy ban quản lý, trong đó Bộ Công thương có sáu doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải có sáu doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có năm doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông có ba doanh nghiệp và Bộ Tài chính một doanh nghiệp.

THÁI LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/35912302-co-che-nao-cho-hoat-dong-cua-uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep.html