Cơ chế mới gỡ khó dự án nạo vét đường thủy

Chính phủ vừa ban hành nghị định về quản lý nạo vét vùng nước hàng hải, đường thủy, với cơ chế hoàn toàn mới...

Một dự án xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy tại phía Bắc đến nay đã tạm dừng hoạt động

Vậy tới đây, các dự án xã hội hóa đầu tư nạo vét luồng hàng hải, đường thủy sẽ triển khai thế nào sau khoảng 2 năm tạm dừng?

Địa phương quản lý dự án đường thủy

Theo Nghị định 159 của Chính phủ (quy định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa, có hiệu lực từ 11/1/2019), nạo vét vùng nước hàng hải, đường thủy được chia thành hai loại: Sử dụng nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa (XHH). Trong đó, đáng chú ý là các quy định liên quan đến việc quản lý các dự án xã hội hóa.

Một điểm mới khác của nghị định, nếu trước đây nhà đầu tư tự lập nghiên cứu và đề xuất thực hiện dự án nạo vét vùng nước hàng hải, đường thủy thì sắp tới chỉ thực hiện các dự án trong danh mục được Bộ GTVT công bố hàng năm, thông qua đấu thầu rộng rãi. Danh mục các dự án hàng hải do Cục Hàng hải Việt Nam lập, còn đối với đường thủy quốc gia, do được phân cấp cho các tỉnh, thành phố nên các Sở GTVT là đơn vị lập nghiên cứu khả thi, hồ sơ mời thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Sau đó, UBND cấp tỉnh thẩm định nghiên cứu khả thi, lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng thực hiện dự án với nhà đầu tư.

Theo Cục Hàng hải và Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam, hiện tất cả các dự án XHH đầu tư đều đang tạm dừng để chờ cơ chế mới. Đối với loại dự án trên, nội dung nghị định vẫn giao thẩm quyền, trách nhiệm cho Cục Hàng hải VN trong việc tổ chức quản lý dự án nạo vét vùng nước hàng hải; Còn đối với dự án nạo vét luồng đường thủy quốc gia trách nhiệm thuộc UBND cấp tỉnh thay vì Cục ĐTNĐ Việt Nam như trước đây.

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết: “Do nghị định đã phân cấp cho UBND cấp tỉnh nên việc tổ chức thực hiện, quản lý dự án XHH nạo vét luồng đường thủy quốc gia đều thuộc thẩm quyền địa phương. Sau khi dự án hoàn thành, Cục ĐTNĐ Việt Nam tiếp nhận từ địa phương để tổ chức quản lý phục vụ giao thông đường thủy”.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định, trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư, Bộ GTVT, UBND cấp tỉnh bố trí ngân sách Nhà nước thực hiện dự án XHH nạo vét hàng hải, đường thủy cần thiết, tuân thủ theo quy định đối với dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách.

Ông Dương Ngọc Đức, Phó tổng giám đốc TCT Bảo đảm ATHH Miền Bắc cho rằng, những quy định mới chặt chẽ hơn, theo hướng của pháp luật đầu tư xây dựng cơ bản và đấu thầu. Những quy định này cũng khắt khe hơn về môi trường, đánh giá tác động môi trường.

Xử lý thế nào vơídự án đang tạm dừng?

Sau khi nghị định được ban hành, đại diện doanh nghiệp từng triển khai dự án XHH nạo vét hàng hàng, đường thủy bày tỏ vui mừng vì lần đầu có nghị định điều chỉnh. Nghị định cũng quy định rõ ràng thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý và nhà đầu tư chỉ được lựa chọn thông qua đấu thầu, thay vì cơ chế xin - cho và mỗi địa phương một kiểu thủ tục dự án như trước đây.

Tuy vậy, các nhà đầu tư cũng bày tỏ băn khoăn đối với các dự án XHH nạo vét đang tạm dừng theo yêu cầu của cơ quan quản lý. “Hầu hết các dự án bị tạm dừng từ một vài năm nay đều theo yêu cầu của cơ quan quản lý, ký kết hợp đồng nên vẫn đang trong tình trạng dở dang. Ngoài nghị định, chúng tôi đang chờ cơ quan trực tiếp quản lý, ký kết hợp đồng thông tin về phương án giải quyết”, ông Nguyễn Bá Tùng, giám đốc một dự án nạo vét luồng đường thủy trên sông Hồng đã tạm dừng hơn 2 năm cho biết.

Bộ GTVT yêu cầu khẩn trươngxây dựng thông tư hướng dẫn

Ngày 12/12, tại cuộc họp triển khai Nghị định 159, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công chỉ đạo Vụ Kết cấu hạ tầng chủ trì, phối hợp với Cục Hàng hải, ĐTNĐ Việt Nam tổ chức rà soát tất cả các dự án XHH nạo vét đang tạm dừng và phương án giải quyết. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định và có kế hoạch công bố dự án để kêu gọi XHH đầu tư.

Cũng như ông Tùng, đại diện một số nhà đầu tư có dự án đang tạm dừng khác đều cho biết, dự án bị tạm dừng khi mới chỉ thực hiện được một phần khối lượng hoặc khi đang trong thời thời gian thực hiện theo hợp đồng. Đề cập vấn đề trên, Phó cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Nguyễn Đức Hải cho biết, sắp tới Cục sẽ làm việc với các địa phương có dự án XHH đang tạm dừng để rà soát, đề xuất giải pháp đối với từng dự án cụ thể.

“Trường hợp dự án tiếp tục triển khai, sẽ bàn giao cho địa phương để thực hiện quản lý theo thẩm quyền được quy định tại nghị định”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ GTVT xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định đối với quy định liên quan đến dự án đường thủy.

Tương tự, trong lĩnh vực hàng hải, ông Nguyễn Đình Việt, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, hiện chỉ có 1 dự án XHH nạo vét vùng nước hàng hải đang triển khai, còn hàng chục dự án khác đang thi công nhưng tạm dừng hoặc ở giai đoạn chấp thuận hồ sơ. Do đó, Cục Hàng hải đề nghị Bộ GTVT tiếp tục gia hạn một số dự án, chấm dứt đối với một số dự án. Tuy nhiên, có trường hợp dự án không đồng ý chấm dứt vì chưa hết thời hạn hợp đồng dự án.

“Đối với các dự án XHH đã được chấp thuận nhà đầu tư hoặc chấp thuận hồ sơ, nghị định quy định Bộ GTVT, UBND cấp tỉnh rà soát lại các điều kiện về quy hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, an toàn, phòng, chống sạt, lở của tuyến luồng... để quyết định việc chấp thuận tiếp tục triển khai dự án theo quy định tại nghị định”, ông Việt cho biết.

Hồng Xiêm

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/co-che-moi-go-kho-du-an-nao-vet-duong-thuy-d282027.html