Cơ chế hậu kiểm cần chặt chẽ hơn trong đăng ký kinh doanh

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 tổ chức chiều 3/3, đại diện một số bộ, ngành đã trả lời nhiều vấn đề nóng liên quan tới đăng ký đầu tư kinh doanh, tài chính và giao thông.

Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2. Ảnh: Hoàng Tùng/BNEWS/TTXVN

Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2. Ảnh: Hoàng Tùng/BNEWS/TTXVN

Liên quan tới việc mới đây một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn 144.000 tỷ đồng, tương đương 6,3 tỷ USD, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn kẽ hở trong hệ thống đăng ký doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc này như thế nào và có cần thiết phải sửa quy định để tránh các hệ lụy hay không? Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, cho biết vụ việc là bài học quý giá trong quản lý đăng ký kinh doanh, khi mà tới đây sẽ phải làm quen dần với việc có nhiều doanh nghiệp đăng ký số vốn lớn.

Do vậy, cơ chế hậu kiểm cũng cần chặt chẽ hơn, tránh trường hợp vô tình hoặc cố ý đăng ký kinh doanh chưa đúng với quy định; đồng thời cũng cần tăng cường hơn nữa ý thức trách nhiệm của người dân trong đăng ký kinh doanh.
Thông tin rõ về vụ việc, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp 144.000 tỷ đồng là đúng quy định nên không có lý do gì để cơ quan chức năng không cấp phép. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng đánh giá cao trách nhiệm từ phía cơ quan đăng ký kinh doanh trong quá trình hậu kiểm.
“Cơ quan đăng ký kinh doanh một mặt vừa tôn trọng đơn vị đăng ký vừa phối hợp với cơ quan liên quan để giám sát, theo dõi việc nộp đủ tiền đã cam kết trong 90 ngày. Cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi, giám sát doanh nghiệp. Nếu có việc sửa đổi hồ sơ hay đăng ký lại thì chúng tôi sẽ tiếp nhận và xử lý theo pháp luật”, ông Phương nói.
Liên quan tới việc Bộ Tài chính vừa đưa ra đề xuất mới về thay đổi mức chịu thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh, với mức chịu thuế mới 11 triệu đồng và mức giảm trừ gia cảnh lên 4,4 triệu đồng, nhiều ý kiến cho rằng lỗi thời, chưa khoa học, chưa theo kịp mức tăng thu nhập của người dân, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh phù hợp biến động giá cả, đồng thời cũng phải tuân thủ hoản 4 điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, Bộ Tài chính đã có văn bản số 2137 ngày 28/2 gửi xin ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và mức thu nhập cá nhân. Việc điều chỉnh này được căn cứ vào Luật số 26/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013.
Theo quy định, tất cả các cơ quan cũng như mọi cá nhân đều phải thực hiện nộp thuế. Khoản 4, Điều 1 Luật số 26/2012/QH13 quy định: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm), mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20% tại thời điểm luật có hiệu lực thi hành, hoặc thời điểm mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện quản lý thuế, Bộ Tài chính luôn chỉ đạo các đơn vị chức năng cập nhật chỉ số giá tiêu dùng theo số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp. Tính đến hết tháng 6/2019, chỉ số giá tiêu dùng tăng 18,17% và đến hết tháng 12/2019 đã tăng 23,2%.
Theo đúng quy định tại Khoản 4, Điều 1 Luật số 26/2012/QH13, Bộ Tài chính thấy cần thiết phải dự thảo, nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định là căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng và mức điều chỉnh phù hợp với biến động giá cả.
Về việc quản lý thuế đối với một số đối tượng có thu nhập cao như ca sỹ, người bán hàng qua mạng, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, việc quản lý thuế được quy định ở Luật Quản lý thuế, mà Luật này có hiệu lực từ 1/7/2020; trong đó đã có các điều khoản sửa đổi để làm cơ sở quản lý thuế theo hình thức kinh doanh qua mạng một cách chặt chẽ hơn, các cơ quan, ban, ngành có trách nhiệm phối hợp để quản lý.
Với các đối tượng là ca sỹ, từ trước đến nay, cơ quan thuế cũng đã và đang tiến hành quản lý và giám sát việc tiến hành kê khai thuế. Trước hết, trách nhiệm của người nộp thuế là phải kê khai thuế đầy đủ, trung thực và đúng quy định của pháp luật.
Đối với lĩnh vực giao thông, trước câu hỏi việc thí điểm taxi công nghệ sẽ dừng từ 1/4, sau thời điểm này các loại hình như Grab, Be, Fastgo... được coi là doanh nghiệp vận tải hay nhà cung ứng phần mềm vận tải?, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trước khi ra thông báo dừng thí điểm, Bộ Giao thông Vận tải đã có đánh giá tình hình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo khi có Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP (Nghị định 86) về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô thì sẽ dừng hoạt động thí điểm taxi công nghệ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, ngày 17/1, Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành thay thế Nghị định 86, theo đó các loại hình xe hợp đồng điện tử chấm dứt thí điểm. Loại hình xe nào phù hợp với quy định tại Nghị định 10 về hoạt động vận tải đường bộ sẽ được hoạt động. Một trong số quy định mới là taxi công nghệ khi kết thúc chuyến đi phải gửi hóa đơn điện tử cho hành khách và cơ quan thuế để kiểm soát.
"Loại hình nào cũng phải phù hợp với quy định pháp luật mới được hoạt động, không phân biệt theo tên gọi Grab hay tên nào khác", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói./.

Hoàng Tùng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/co-che-hau-kiem-can-chat-che-hon-trong-dang-ky-kinh-doanh/149325.html