Cơ chế duyệt phim thông thoáng hơn

Kiểm duyệt phim vốn luôn là câu chuyện nhạy cảm với điện ảnh Việt. Nhưng những tháng cuối năm 2020 đã có những chuyển biến khiến đa phần các nhà sản xuất (NSX) hồ hởi.

Phim Ròm ra rạp thành công sau khi nhận góp ý chỉnh sửa. Ảnh: ĐPCC

Phim Ròm ra rạp thành công sau khi nhận góp ý chỉnh sửa. Ảnh: ĐPCC

Từ kiểm duyệt qua thẩm định

Bà Tường Vi, CJ HK Entertainment, chia sẻ: “Từ năm 2020, việc kiểm duyệt phim thoáng hơn nhiều so với trước kia. Đây là một tín hiệu rất vui cho các nhà làm phim”. Một bằng chứng tiêu biểu là trường hợp của bộ phim Thang máy. Theo đạo diễn Peter Mourougaya, phim được Cục Điện ảnh thẩm định và phân loại gắn mác NC18, hoàn toàn không bị cắt duyệt so với bản dựng của đạo diễn, giữ trọn vẹn 100% thời lượng phim. “Trước khi gửi bản dựng, phía NSX và đạo diễn lo lắng khi có một phân cảnh hơi máu me. Chúng tôi cũng tính toán, có thể phim sẽ bị cắt nhưng sẽ không quá nhiều. Tuy nhiên, cuối cùng ê kíp cũng bất ngờ vì quá trình duyệt lần này khá dễ dàng. Thông tin phim không bị cắt một phần sẽ mang đến cảm giác tích cực cho người xem khi họ được thưởng thức tác phẩm trọn vẹn từ nhà làm phim”, NSX Thanh Sơn chia sẻ thêm. Anh cũng tiết lộ, từ khi gửi kịch bản thẩm định, phim cũng không phải chỉnh sửa.

Trước đó, trường hợp của phim Ròm đã gây ra nhiều luồng dư luận. Đạo diễn Trần Thanh Huy nhìn nhận: “Hội đồng duyệt đã có hướng mở và yêu cầu nếu muốn ra rạp, phim phải chỉnh sửa. Mọi người luôn nghĩ phim của tôi sẽ khó được duyệt, thậm chí có thể bị cấm chiếu. Nhưng tôi luôn tự tin phim mình sẽ chỉnh sửa với tinh thần mới để ra rạp”.

Tại buổi họp báo “Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu Covid-19” vừa diễn ra tại TPHCM, trước câu hỏi trong bối cảnh các rạp phim đang rất cần thêm nhiều phim nội để chiếu phục vụ khán giả, việc kiểm duyệt có được nới rộng, thông thoáng hơn nhằm kích cầu phim Việt ra rạp, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: “Hiện có 2 hội đồng là Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện và Hội đồng Trung ương thẩm định phim ngắn (tài liệu, phim ngắn…) có chức năng cấp phép phổ biến phim. Sau khi thông qua hội đồng sẽ có giấy phép phổ biến phim. Mọi người thường dùng chữ kiểm duyệt khiến người làm phim không thoải mái lắm. Chính xác là Hội đồng thẩm định và phân loại phim”.

Thông tin việc hội đồng chỉ thẩm định và phân loại phim, NSX Thanh Sơn cho rằng đó là sự thay đổi tích cực cho ngành làm phim tại Việt Nam. Đây là cách tạo điều kiện cho các nhà làm phim có sân chơi đa dạng về thể loại, nội dung khi họ thoải mái thể hiện ý tưởng sáng tạo của họ. “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương nói trên và chắc chắn các NSX khác cũng rất vui mừng khi biết được thông tin này”.

Công bằng và cởi mở

Bà Thu Hà cho biết, có nhiều quan điểm trái chiều liên quan đến công tác thẩm định và phân loại phim, trong đó, một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm là dường như có sự phân biệt giữa việc thẩm định phim nước ngoài thì thoáng hơn, trong khi phim Việt lại khắt khe. “Các thành viên trong hội đồng khi thẩm định không hề phân biệt phim ngoại nhập hay phim nội, phim nhà nước hay phim do các cơ sở tư nhân thực hiện, mà chỉ căn cứ vào luật và bảng phân loại phim đã được Nhà nước cho phép sử dụng. Trên thực tế, tỷ lệ phim ngoại nhập không được phép phổ biến luôn cao hơn”, bà Hà khẳng định. Theo thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2020 có 19 phim nhập không được cấp phép phát hành. Con số này của năm 2018 và 2019 là 25 phim.

Trước đó, tại hội thảo lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi, rất nhiều ý kiến của các nhà làm phim, công ty sản xuất… đã hướng đến chủ đề này. Cởi mở về cơ chế duyệt phim; xóa bỏ rào cản về thuần phong mỹ tục để nhà làm phim có thể tự do sáng tạo; công khai giới thiệu các thành viên trong hội đồng thẩm định để cùng chia sẻ, tham vấn, đối thoại với các nhà làm phim về những vấn đề tồn đọng trong tác phẩm điện ảnh… là những khía cạnh được nêu ra. Một số cũng đưa ra đề nghị xem xét thành lập hội đồng duyệt phim chuyên biệt, không kiêm nhiệm như hiện nay, hoặc phân chia theo tỉnh thành phố lớn nhằm giảm tình trạng quá tải vào những mùa cao điểm.

Trên thực tế, không thể phủ nhận những thay đổi có tính tích cực trong công tác thẩm định và phân loại phim hiện nay. Chị Tường Vi cho rằng: “Với đà thẩm định và phân loại như hiện tại, tôi nghĩ Cục Điện ảnh đang điều chỉnh để cải thiện và phát triển chứ không làm khó nhà làm phim nữa”. Quan điểm của NSX Thanh Sơn nêu rõ, nên có cả sự chủ động từ chính những nhà làm phim. Anh cho rằng, việc Thang máy dễ dàng qua cửa kiểm duyệt bởi trong quá trình thực hiện, ê kíp cũng lường trước được những điều không nên làm, vì vậy mọi thứ diễn ra suôn sẻ.

Theo đạo diễn Thanh Huy: “Có nhiều tranh cãi có nên bỏ kiểm duyệt hay không. Quan điểm của tôi là không nên kìm hãm sự sáng tạo cá nhân của người nghệ sĩ vì vô tình điều đó sẽ kéo điện ảnh Việt Nam đi xuống. Mọi người nên nhớ, điện ảnh là câu chuyện hư cấu chứ không phải bộ phim tài liệu. Với người làm điện ảnh, câu chuyện tới từ sự tưởng tượng chứ không đến từ sự thật cuộc sống. Đó là hai thứ khác nhau hoàn toàn”. Vượt ra khỏi câu chuyện thẩm định, NSX Tường Vi đặt ra những vấn đề thiết thực: “Cái mình thực sự cần là các chính sách hỗ trợ, đào tạo nhân lực điện ảnh, các quỹ phát triển tài năng mới, quỹ sáng tác. Vì chỉ có đầu tư vào nhân tài thì may ra mới có cái căn cơ để mà đi lên, đi xa được. Ngoài ra, để điện ảnh Việt phát triển nhanh và mạnh hơn cần cải thiện thủ tục hành chính, vì hiện tại đây vẫn là một khâu rườm rà, tốn nhiều thời gian và rất nhiều khi làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài lẫn nhà làm phim trong nước”.

Những va chạm giữa các NSX và hội đồng duyệt phim, xét cho cùng là do các quy định còn khá mơ hồ, chung chung và ít nhiều gây khó khăn cho các bên trong quá trình thực hiện. Muốn có những bước chuyển, cần tiếng nói chung và sự thay đổi đến từ cả hai phía: nhà làm phim và nhà quản lý.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/co-che-duyet-phim-thong-thoang-hon-690539.html