Cơ chế đã lạc hậu?

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, so với quý II, quý III.2022 (đến ngày 20.9), sản lượng nhập khẩu xăng giảm khoảng 40% và khoảng 35% đối với dầu diesel. Trong số 33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, chỉ có 19 đầu mối ghi nhận có hoạt động nhập khẩu, 14 đầu mối còn lại không ghi nhận hoạt động nhập khẩu.

Đây có thể là nguyên nhân thiếu hàng tại một số đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu và chiết khấu giảm do sản lượng nhập khẩu giảm và lượng tồn kho giảm tại các thương nhân đầu mối, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu diễn biến khó lường. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương cần nghiên cứu rà soát, đánh giá hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu, hệ thống trung gian để có giải pháp phù hợp và tiết kiệm chi phí - văn bản của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nêu.

Dù luận giải dưới góc độ nào thì việc để xảy ra những bất cập trên thị trường xăng dầu thời gian qua có trách nhiệm của Liên bộ Công thương - Tài chính. Vậy nhưng lý lẽ của Bộ Công thương là trước những bất cập về cơ chế tính chi phí xăng dầu, Bộ đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh nhưng bị chậm trễ.

Bộ Tài chính lại cho rằng, từ đầu năm, thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động, nguồn cung khan hiếm, giá xăng dầu liên tục tăng cao… Để góp phần ổn định thị trường xăng dầu trong nước, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công thương về việc điều chỉnh chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu. Cụ thể, xăng nền để phối trộn xăng E5RON92 là 640 đồng/lít; xăng RON95 là 1.280 đồng/lít; dầu diesel 0,05S là 730 đồng/lít; dầu hỏa là 1.740 đồng/lít; dầu mazut 180cst 3,5S là 1.290 đồng/kg. Thời gian thực hiện được Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu áp dụng từ kỳ công bố giá cơ sở xăng dầu ngày 11.11...

Thực tế cho thấy, lý do căn cốt dẫn đến tình trạng thị trường xăng dầu có những bất ổn thời gian qua là bởi công thức tính giá lạc hậu, điều hành thiếu linh hoạt, nguồn cung nhập khẩu giảm - dù nước ta chỉ nhập 20% xăng dầu thành phẩm, 80% còn lại do trong nước sản xuất. Phân tích về vấn đề này, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của xung đột giữa Nga và Ukraine, giá xăng dầu thế giới đã tăng lên mức cao; trong công thức tính giá, cơ quan nhà nước đã quy định rõ việc tính toán theo giá thế giới trong vòng 10 ngày nhưng những chi phí nằm trong công thức giá vẫn áp dụng và sử dụng những chi phí được xác lập từ năm 2014.

Bên cạnh đó là có các phụ phí vẫn chưa đầy đủ dẫn đến tính thiếu cho doanh nghiệp, trong khi để vận hành thị trường xăng dầu thông suốt, ngoài yếu tố thực hiện theo pháp luật, còn vấn đề quan trọng nữa là doanh nghiệp phải đủ chi phí kinh doanh, phải tính toán đến lợi nhuận, nếu lỗ kéo dài, đương nhiên doanh nghiệp sẽ phải rời bỏ thị trường, ảnh hưởng đến hệ thống cung ứng và gây bất ổn thị trường.

Ngoài những vấn đề trên, điểm đáng lưu ý nữa là thời gian giữa hai kỳ điều hành giá xăng dầu hiện nay khá dài, trong khi giá xăng dầu thế giới biến động liên tục, cần phải điều hành nhanh nhạy và linh hoạt hơn. Bởi vậy, nên chăng cần rút ngắn thời gian điều hành giá và thực hiện cả trong những ngày nghỉ, ngày lễ nhằm tránh tình trạng găm hàng, tạo khan hiếm hàng giả trên thị trường, đặc biệt tránh đứt gãy chuỗi cung ứng từ thương nhân đầu mối đến hệ thống bán lẻ.

Những bất ổn trên thị trường xăng dầu thời gian qua là có thật. Nguyên nhân cũng đã được nêu ra. Vấn đề còn lại thuộc về các cơ quan chức năng.

Từ 15h chiều 11.11, giá RON 95-III được điều chỉnh tăng lên mức 23.860 đồng/lít; E5 RON 92 là 22.710 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng tăng, trừ dầu diesel giảm 90 đồng về còn 24.980 đồng/lít. Dầu hỏa có mức giá mới là 24.740 đồng/lít; dầu mazut là 14.760 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong giá cơ sở cũng đã được cập nhật, với mức tăng 160-660 đồng một lít tùy loại. Theo Bộ Tài chính, việc tăng chi phí này làm tăng giá cơ sở xăng E5 RON 92 và dầu diesel dưới 50 đồng một lít; xăng RON 95 gần 150 đồng mỗi lít và dầu hỏa trên 720 đồng một lít.

Ninh Khương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/co-che-da-lac-hau--i307148/