Cơ chế, chính sách tài chính - động lực để thực hiện 'mục tiêu kép' 2020

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Bộ Tài chính trong 6 tháng đầu năm 2020 được thực hiện chủ động, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, đảm bảo chất lượng, góp phần thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính – NSNN, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Những chính sách tài chính kịp thời đã trở thành động lực quan trọng cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Ảnh: Lã Dịu

Những chính sách tài chính kịp thời đã trở thành động lực quan trọng cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Ảnh: Lã Dịu

Chủ động các giải pháp hỗ trợ

Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đề xuất về chính sách thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế. Hầu hết chính sách đều được xây dựng theo thủ tục rút gọn để kịp thời áp dụng vào thực tế.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã theo dõi sát diễn biến tình hình thực tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế (tại các quốc gia đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) cũng như khuyến nghị của các tổ chức quốc tế (WB, IMF,...), khả năng của ngân sách để trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh, thuế thu nhập doanh nghiệp) và tiền thuê đất cho hầu hết các đối tượng gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh. Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Tổng cục Thuế hướng dẫn cục thuế các địa phương về việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 41 đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Đến nay, cơ quan Thuế đã tiếp nhận trên 133 nghìn giấy đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất với số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn là gần 37,1 nghìn tỷ đồng. Dự kiến, số lượng đề nghị gia hạn và số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 khóa XIV thông qua việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ (số thuế dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 15.840 tỷ đồng mỗi năm). Cùng với đó, Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ miễn lệ phí môn bài đối với nhiều đối tượng như hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập mới trong năm đầu; cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống; miễn thuế nhập khẩu kịp thời đối với nguyên liệu sản xuất và một số mặt hàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh; giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020.

Đảm bảo kế hoạch xây dựng thể chế

Trong 6 tháng đầu năm, thực hiện các mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 Nghị quyết tại kỳ họp thứ 9 gồm Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét 5 Nghị quyết, trong đó 2 Nghị quyết quan trọng đã được thông qua; trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Quyết định.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã thường xuyên rà soát, hệ thống hóa danh mục văn bản pháp luật; cập nhật thông tin về văn bản mới ban hành, đăng tải đầy đủ, kịp thời trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, chính sách chế độ mới; hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho doanh nghiệp, người dân.

Một số chính sách khá quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được ra đời trong 6 tháng qua. Đó là Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 sửa đổi Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đã giảm thuế 24 nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển các ngành nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô (số thuế dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 6.000 tỷ đồng-PV). Đó là Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế và người phụ thuộc để giảm nghĩa vụ thuế cho cá nhân với số thuế dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 10.800 tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó là tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 nhằm hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp khoảng 7.500 tỷ đồng mỗi năm.

Liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn, 6 tháng qua, chỉ có 3 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, các tập đoàn, tổng công ty thực hiện thoái vốn 688 tỷ đồng, thu về 1.362 tỷ đồng. Nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, đảm bảo chặt chẽ, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn.

Tiếp tục tạo thuận lợi

Việc khôi phục dần các hoạt động trên cơ sở nới lỏng giãn cách xã hội cũng đang là lực đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển và đây cũng chính là thời điểm bước vào giai đoạn mới của thực hiện nhiệm vụ kép vừa tiếp tục chống dịch vừa thực hiện phục hồi kinh tế xã hội.

Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp thể chế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời nắm bắt các cơ hội phát triển trong nửa cuối năm 2020. Trong đó, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thời gian qua nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, thủy sản,…

Căn cứ Nghị quyết số 84, Bộ Tài chính đang xây dựng Nghị quyết để trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; tiếp tục rà soát, cắt giảm các khoản phí, lệ phí để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Song song với đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh; tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý,... để doanh nghiệp, người dân được tạo thuận lợi hơn nữa.

Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xây dựng và ban hành 19 Thông tư điều chỉnh mức thu phí, lệ phí đang được quy định tại 29 Thông tư thu phí, lệ phí hiện hành, qua đó giảm nhiều khoản phí, lệ phí với mức giảm cao như: giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm từ 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế dự án đầu tư xây dựng; giảm 50% mức thu 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán; giảm 30% mức phí khai thác dữ liệu khí tượng thủy văn;... Tổng số phí, lệ phí được giảm dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng trong thời gian từ khi áp dụng tới hết năm 2020.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/co-che-chinh-sach-tai-chinh-dong-luc-de-thuc-hien-muc-tieu-kep-2020-129506.html