Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM không ảnh hưởng xấu đến địa phương khác

Chiều 28-11, các đại biểu Quốc hội: Nguyễn Thiện Nhân, Tô Thị Bích Châu, Nguyễn Minh Hoàng và Dương Ngọc Hải đã tiếp xúc cử tri quận 7 (TPHCM), sau kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, cho biết, khu vực ứng cử của mình là khu vực số 9 (địa bàn huyện Hóc Môn, Củ Chi) và cam kết gắn trách nhiệm với cử tri ở địa bàn ứng cử, đồng thời đề nghị được luân phiên đến các quận, huyện khác. Đây là lần đầu tiên đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc cử tri quận 7.

Trong buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ phấn khởi khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Các cử tri tin tưởng cơ chế, chính sách này sẽ tạo điều kiện giúp TPHCM tiếp tục phát huy vai trò “đầu tàu” của cả nước về kinh tế, khoa học, công nghệ, thương mại… Các cử tri cũng nêu nhiều băn khoăn, lo lắng về các vấn đề: bạo hành trẻ em, lãng phí “đất vàng”, nhà cao tầng mọc lên trong khi đường sá không làm kịp dẫn tới kẹt xe…

Cử tri Lê Thị Liên Minh (phường Tân Quy), lo ngại tình trạng bạo hành trẻ em xảy ra dồn dập, nhiều học sinh phổ thông trung học thì dùng bạo lực “nói chuyện” với nhau, còn không ít sinh viên cao đẳng - đại học lại dính vào cá độ bóng đá, tệ nạn ma túy. Bà Minh nêu nghi vấn về chất lượng, môi trường giáo dục như vậy thì làm sao các gia đình có thể an tâm gửi con em tới trường.

Cử tri Nguyễn Xuân Mừng (khu dân cư Phú Mỹ) nêu tình hình thu các loại thuế, phí hiện nay đã khá cao, mà còn tính tăng các loại phí nữa sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động của doanh nghiệp. Riêng trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội, cần rà soát xem bao giờ trạm thu phí này “hoàn thành sứ mệnh”, hết thời hạn thu phí và thông báo cho người dân được biết cụ thể.

Về việc sử dụng tài nguyên, đất đai, cử tri Nguyễn Xuân Mừng cho rằng, nếu TPHCM vì cả nước, ngược lại, cả nước cũng phải vì TPHCM. Cụ thể, hiện nay nhiều khu “đất vàng” ở TPHCM bỏ không, dùng cho thuê làm dịch vụ hoặc đem bán.

Ông Nguyễn Xuân Mừng kiến nghị, nếu các cơ quan trung ương, quân đội, công an không có nhu cầu sử dụng đất công nữa thì cần giao lại cho TP sử dụng, phát triển như quy hoạch.

Các cử tri cũng đề nghị cần có biện pháp mạnh để phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng, thu hồi hiệu quả tài sản trong các vụ án tham nhũng; yêu cầu các chủ đầu tư khu dân cư phải có phương án về hạ tầng, giao thông thì mới được xây dựng khu dân cư, nhà cao tầng, chứ không xây ào ào nhà để bán trong khi không làm đường sá dẫn tới kẹt xe như hiện nay.

Thay mặt tổ đại biểu Quốc hội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận các ý kiến cử tri và trao đổi lại cụ thể. Chia sẻ băn khoăn của cử tri “cơ chế đặc thù có ảnh hưởng xấu tới các tỉnh, thành khác không”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Không ảnh hưởng xấu. Nếu ảnh hưởng xấu thì Quốc hội đã không thông qua”.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM có dân số chiếm 9% dân số cả nước, đóng góp ngân sách 27% cả nước. Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển TPHCM mạnh hơn thời gian qua và TP cam kết tiếp tục đóng góp cho cả nước.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, cứ 7 - 8 năm, dân số TPHCM lại tăng thêm 1 triệu người, trong đó có nhiều người từ các tỉnh, thành khác đến TP. TPHCM chưa có biện pháp hạn chế dòng di chuyển này, bởi đó là quyền tự do đi lại, tự do cư trú của người dân theo hiến định.

Việc hỗ trợ thu nhập tăng thêm cho đội ngũ công chức, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, cũng không tạo bất lợi cho công chức ở các tỉnh, thành khác. Bởi năng suất phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước TP gấp 1,5 lần cả nước. TP tính tới trả lương theo năng suất, hiệu quả làm việc, hỗ trợ để công chức yên tâm công tác, làm việc hiệu quả hơn.

Trong phòng, chống tham nhũng, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP đã chỉ đạo, hình thành cơ chế phối hợp để tiếp nhận, theo dõi, xử lý thông tin về tham nhũng từ 4 nguồn tiếp xúc cử tri, báo chí, MTTQ giám sát và đơn từ của người dân gửi đến.

Hiện nay, việc tiếp nhận thông tin về tham nhũng có 4 kênh này, nhưng chưa có cơ chế phối hợp để xem việc xử lý đến đâu, có trùng lắp hay có bỏ sót không và TPHCM là nơi đầu tiên trong cả nước có cơ chế này.

MẠNH HÒA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/co-che-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-tphcm-khong-anh-huong-xau-den-dia-phuong-khac-485103.html