Cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư: Đừng chỉ như 'rắc thính nhiều mùi'

Cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm khi thảo luận dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

ĐHQH Đinh Văn Nhã (Phú Yên) phát biểu về cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư khi thảo luận Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư

ĐHQH Đinh Văn Nhã (Phú Yên) phát biểu về cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư khi thảo luận Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư

Quy định chung chung sẽ khó khả thi

Chính phủ báo cáo Quốc hội 2 cơ chế đảm bảo cân đối ngoại tệ và cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Về cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ, theo dự thảo Luật, đối với từng dự án cụ thể thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ (không áp dụng tràn lan cho tất cả), trong trường hợp thị trường không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp dự án, Chính phủ sẽ xem xét quyết định (bằng Nghị quyết) việc cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ trên cơ sở cân đối nguồn lực trong từng thời kỳ. Hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam.

Với cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư, Dự thảo Luật thiết kế theo hướng quy định cơ chế áp dụng các biện pháp chia sẻ rủi ro về doanh thu trong khuôn khổ hợp đồng bao gồm điều chỉnh mức giá, phí hoặc thời hạn hợp đồng.

Theo đó, Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.

Ngày 19/11, tại phiên thảo luận hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư(PPP), nhiều ĐB cho ý kiến về cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư.

Dẫn câu chuyện chậm trễ bố trí vốn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho giải phóng mặt bằng của Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với số tiền gần 4.200 tỷ đồng, ĐB Đinh Văn Nhã (Phú Yên) nói: Dự án đã đưa vào sử dụng, nhưng vốn hỗ trợ theo cam kết của Chính phủ đến nay vẫn là con số 0.

“5 năm qua công ty đã phải vay tín dụng để bù đắp số lãi phát sinh hơn 800 tỷ đồng do công ty phải trả. Liệu số tiền trả lãi vay này Chính phủ có chia sẻ không?”, ông Nhã đặt câu hỏi.

Một ví dụ khác được ông Nhã nhắc đến là chuyện khi kết hợp đồng với Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, triển khai dự án BOT đối với 4 hầm đường bộ đèo Cả, đèo Cổ Mã, đèo Cù Mông, đèo Hải Vân, Nhà nước đã đơn phương điều chỉnh quy hoạch cắt giảm 2/7 trạm thu phí theo cam kết, trong đó có trạm thu phí La Sơn - Túy Loan trên tuyến đường xây dựng bằng vốn ngân sách Nhà nước. Việc điều chỉnh quy hoạch cộng với việc bố trí vốn ngân sách theo cam kết của Chính phủ còn thiếu khoảng gần 1.200 tỷ đồng đã làm hụt thu doanh thu của dự án so với phương án tài chính ban đầu hơn 2.000 tỷ đồng, dễ dẫn đến phải điều chỉnh hợp đồng.

“Việc này đã gần 2 năm nhưng vẫn nằm trong quá trình nghiên cứu của các cơ quan Nhà nước. Không biết khoản giảm bù doanh thu này đến khi nào Chính phủ sẽ sửa lại hợp đồng và sẽ thanh toán”, ông Nhã nói.

“Các ưu đãi trong dự thảo Luật PPP lần này được nhiều nhà đầu tư đánh giá rất cao nhưng theo họ vẫn chỉ như "rắc thính nhiều mùi" giống như các ưu đãi đầu tư của nhiều các dự án luật khác. Vì quy định còn chung chung như vậy sẽ không có tính khả thi khi luật này có hiệu lực, còn phải chờ sửa đổi cụ thể hóa ở nhiều luật chuyên ngành sẽ ban hành sau và không biết chờ đến khi nào”, ĐB Nhã nói.

Cũng liên quan đến chia sẻ rủi ro, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề: Những dự án quy mô lớn, trọng điểm, Nhà nước sẽ chia sẻ 50% rủi ro. Vậy Nhà nước sẽ chia sẻ bằng hình thức nào, nguồn tiền lấy ở đâu? Khi tác động đến nợ công thì sẽ xử lý như thế nào?

Đồng quan điểm, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) dẫn ví dụ ở Hàn Quốc cũng áp dụng cơ chế bảo lãnh rủi ro cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện tổng số tiền Chính phủ Hàn Quốc phải chi trả bảo lãnh cho các doanh nghiệp là con số không nhỏ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu làm rõ trước Quốc hội

Chia sẻ rủi ro là điểm nhấn thu hút nhà đầu tư

Giải trình sau khi tiếp thu các ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chia sẻ rủi ro là một vấn đề rất lớn vừa làm mới, vừa là khó nhưng được đa số các đại biểu đánh giá cao và nhiều sự đồng thuận.

Tại dự thảo Luật PPP, Nhà nước cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Nhà nước không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư cho biết, đây là một trong những nội dung được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong dự thảo Luật.

Về bản chất, dự án PPP là dự án được triển khai nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công (mục đích công) thông qua đầu tư tư (vốn tư) và/hoặc quản lý tư. Nhà nước muốn kêu gọi nguồn lực tài chính, tận dụng được trí thức, năng lực quản lý từ các thành phần kinh tế để bù đắp thiếu hụt về ngân sách thì Nhà nước cũng cần có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo đảm tính khả thi của dự án thông qua các công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh, mà không thể đẩy toàn bộ trách nhiệm, rủi ro của việc thực hiện dự án mục đích công này cho tư nhân như đối với dự án do tư nhân đầu tư kinh doanh thông thường.

“Đây không phải cơ chế bảo lãnh, đây là cơ chế chia sẻ rủi ro. Mục tiêu của nhà đầu tư là kinh doanh để kiếm lợi nhuận chứ không phải là chờ thua lỗ để nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc này chúng ta cũng không áp dụng tràn lan và cũng chỉ áp dụng số ít dự án đặc biệt quan trọng, và khi mà chúng ta không thể điều chỉnh thời hạn”, Bộ trưởng Dũng phân tích.

T.Bình - An Na

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/co-che-chia-se-rui-ro-voi-nha-dau-tu-dung-chi-nhu-rac-thinh-nhieu-mui-d442518.html