Có chăng những điệp viên hai mang trong cơ quan an ninh Nga?

Theo trang tin Tiếng Chuông (Nga), Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) đã phát hiện một đường dây phản quốc bí mật ngay trong nội bộ, và giữ vai trò trung tâm trong vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

FBI truy nã cựu quan chức FSB Dmitry Dokuchaev - Ảnh: CNN

FBI truy nã cựu quan chức FSB Dmitry Dokuchaev - Ảnh: CNN

Tiếng Chuông cho biết vào ngày 12.12, tin tặc Nga Konstantin Kozlovsky từ trong tù ở Nga đã tải lên facebook một bản nhận tội là thành viên của nhóm tin tặc Giấu Mặt gồm 9 tên từng chiếm đoạt 17 triệu USD của các ngân hàng Nga kể từ năm 2013.

Tin tặc Kozlovsky bị FSB bắt vào tháng 8.2016 và hiện bị giam tại nhà tù Matrosskaya Tishina.

Đường dây phản quốc bí mật trong FSB gồm những ai?

Trong bản nhận tội trước tòa án Moscow ngày 15.8 mà Tiếng Chuông xác nhận là chữ viết của Kozlovsky, hắn cũng khai ra hai cựu quan chức FSB đứng sau vụ tin tặc tấn công vào các máy chủ của nữ ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (DNC).

Trong một lá thư viết ngày 1.11.2016, Kozlovsky cũng khẳng định hắn hợp tác với FSB từ năm 2008, khi hắn mới 16 tuổi. Cuộc hợp tác này kéo dài gần 19 năm và gần đây là tấn công máy chủ điện toán của DNC.

Kozlovsky đã xác định chỉ huy của anh ta là Ilya. Đây được cho là biệt danh của Dmitry Dokuchaev, một chuyên viên an ninh mạng từng là tin tặc trước khi gia nhập FSB. Hắn xác nhận Dokuchaev tuyển dụng hắn, và hắn “làm tất cả những gì ông ấy bảo”.

Dokuchaev có biệt danh là Forb, từng dính líu với nhóm tin tặc Cậu Trứng (Shaltai Boltai) từng công bố nội dung e-mail của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và của các quan chức khác ở Điện Kremlin.

Tại Mỹ, Dokuchaev bị cáo buộc xâm nhập vào 500 triệu tài khoản e-mail Yahoo hồi năm 2014. Hiện Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xếp hắn vào danh sách đối tượng bị truy nã gắt gao nhất.

Điện Kremlin đã cáo buộc Dokuchaev là “điệp viên hai mang” làm việc với tình báo Mỹ, nên là một tên phản quốc. Hắn bị bắt cuối năm 2016.

Theo Tiếng Chuông, ngoài Dokuchaev, một cựu quan chức FSB là cựu chỉ huy an ninh mạng Sergei Mikhailov cũng bị Nga bắt ngày 5.12.2016.

Mikhailov có thể sớm bị buộc tội phản quốc, vì cung cấp cho tình báo Mỹ thông tin về Vladimir Fomenko và công ty cho thuê máy chủ King Servers của ông ta. Các tin tặc Nga đã thông qua máy chủ của công ty này để tấn công Mỹ.

Theo hãng tin Interfax (Nga), Mikhailkov cùng Dokuchaev đều bị cáo buộc “vi phạm lời thề trung thành với tổ quốc, cộng tác với CIA”.

Kozlovsky cũng khai ra tên của Ruslan Stoyannov, cựu chỉ huy tổ điều tra tội phạm qua mạng ở công ty phần mềm Kaspersky Lab (Nga).

Stoyanov bị FSB bắt hồi cuối năm ngoái, đang bị giam ở Nga vì tội phản quốc, vì “xì” thông tin về các tin tặc Nga cho chính phủ Mỹ. Hắn cũng đã công bố một bức thư viết từ trong tù, tố cáo chính phủ Nga có một thỏa thuận tấn công mạng với nhóm tin tặc Nga có tên Ác quỉ.

Hồi tháng 9, chính phủ Mỹ ra lệnh tất cả các cơ quan liên bang không sử dụng phần mềm Kaspersky Lab, vì công ty này dính líu mạng lưới tình báo Nga.

Kaspersky đã phủ nhận mối quan hệ với Điện Kremlin, nhưng các chuyên gia nói không thể có chuyện một công ty lớn như Kaspersky lại có thể làm ăn ở Nga mà không có sự hợp tác với chính phủ Nga “theo cách này cách khác”.

Kịch bản đổ tội cho tin tặc của FSB?

Theo các chuyên gia, có nhiều lý do để nghi ngờ bản nhận tội của Kozlovsky, dù nó có thể là chứng cứ cần thiết để kết nối Điện Kremlin với nhóm tin tặc. Bởi lẽ những người bị Kozlovsky vạch mặt đều đang bị Nga xem là bọn phản quốc.

Vài chuyên gia cho rằng lời nhận tội của Kozlovsky chĩa vào các kẻ thù của Điện Kremlin, và cho ông Putin một cơ hội bào chữa, rằng vụ tin tặc là “do những phần tử xấu đặt hàng”.

Giáo sư Mark Galeotti,một nhà nghiên cứu tội phạm Nga ở Viện quan hệ đối ngoại Prague (CH Czech) nói với Newsweek: “Lời nhận tội chĩa vào một nhóm nhỏ đã ở tù. Nó cho phép ông Putin giả bộ bị sốc rằng có bọn tin tặc ở Nga ra tay. FSB thường dùng bọn tin tặc bên ngoài, cho chúng lựa chọn giữa việc ở tù hoặc hợp tác với FSB”.

Theo trang tin RBC (Nga), Dokuchaev gia nhập FSB sau khi bị cơ quan này dọa bỏ tù.

Ông Galliotti còn nói khó có chuyện thư nhận tội được tuồn ra khỏi nhà tù rồi dán vào facebook của Kozlovsky, trừ phi “ai đó ở cao hơn muốn người ta đọc được nó”.

Trong khi đó, vài chuyên gia nói có thể Kozlovsky có những lý do riêng để điểm mặt Dokuchayev và Stoyanov. Ông Andrei Soldatov, đồng tác giả cuốn sách Mạng lưới Đỏ và là một chuyên gia về an ninh mạng Nga, tin rằng Kozlovsky “sáng tác” ra câu chuyện “nhận lệnh từ FSB” nhằm tư lợi.

Ông Soldatov nói với Newsweek: “Tôi đã liên lạc với Kozlovsky suốt 4 tháng, và anh ta không cho tôi bất kỳ chứng cứ nào, cũng không trả lời các câu hỏi của tôi”.

Ông còn khẳng định nhóm tin tặc cũ Giấu Mặt của Kozlovsky đã bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 17 triệu USD của các cơ sở tài chính Nga, nhờ có một mã độc điện toán, từ năm 2013.

Ông Stoyanov, từng tham gia tổ điều tra tội phạm qua mạng ở Kaspersky, được cho là một trong những người giúp tống bọn tin tặc Giấu Mặt gồm 9 tên của Kozlovsky vào tù. Ông nói: “Hắn bị bỏ tù bởi những người không muốn bị trả thù, hoặc vì anh ta muốn có một thỏa thuận với FSB”.

Điểm lại chuyện tin tặc Nga tấn công

Ngoài việc tấn công vào máy chủ điện toán của bà Clinton và của DNC, nhiều doanh nghiệp quân sự lớn của Mỹ và nhiều tổ chức khác, Kozlovsky cũng thừa nhận đã ăn cắp một số tài liệu của tòa án ở một địa chỉ IP được cho là nằm trong khu vực Westminster, thành phố London (Anh).

Vào năm 2016, các quan chức an ninh Mỹ đã cáo buộc Nga giúp đỡ ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ, bằng cách lấy cắp và công bố hơn 20.000 thư điện tử nội bộ của DNC.

Theo Newsweek, nếu lời khai của Kozlovsky đúng, chúng có thể chứng minh chính phủ Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng sau vụ tấn công mạng vào DNC, dù Điện Kremlin khẳng định không hề dính líu.

Năm ngoái, công ty an ninh mạng CrowdStrike đã kết luận các e-mail của DNC bị tin tặc kết hợp với tình báo quân đội Nga (GRU) cùng FSB tấn công.

Vài e-mail bị xâm nhập đã bị Wikileaks công bố hồi tháng 8.2016, trước thềm kỳ họp của DNC. Sau này, CIA xác định các quan chức Nga cung cấp dữ liệu DNC bị trộm cho Wikileaks, theo lệnh của Tổng thống Putin.

Các e-mail của bà Clinton cũng là đối tượng của nhiều cuộc điều tra, về nghi án nhóm tranh cử của ông Trump cấu kết với Nga để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Con trai cả của ông Trump và con rể Jared Kushner đã thừa nhận có một cuộc gặp với một nữ luật sư Nga hồi tháng 6, và bà này hứa có thông tin để “bôi bẩn” bà Clinton. Sau này, hai ông nói nữ luật sư không đưa thông tin như đã hứa.

Vĩnh Thụy (theo Newsweek, Moscow Times)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/ho-so-c-122/co-chang-nhung-diep-vien-hai-mang-trong-co-quan-an-ninh-nga-78294.html