Cơ cấu ngân sách đang ngày càng bền vững

Thời gian qua, công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Để tiếp tục duy trì những thành tựu này, việc tập trung thực hiện các giải pháp cơ cấu lại NSNN theo hướng bền vững, đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia là vô cùng quan trọng.

Tới đây, hệ thống chính sách thuế sẽ tiếp tục được cải cách đảm bảo tính cạnh tranh, hỗ trợ tăng trưởng với mức thuế suất hợp lý, cơ sở tính thuế rộng, phù hợp thông lệ quốc tế. Ảnh: N.Huế.

Quy mô thu NSNN liên tục mở rộng

Trong giai đoạn 2011 - 2017, Việt Nam thực hiện chính sách tài khóa mở rộng thông qua việc liên tục điều chỉnh chính sách thuế và thu ngân sách theo hướng miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế ở hầu hết các sắc thuế lớn như: Thuế Thu nhập DN (TNDN), thuế Thu nhập cá nhân (TNCN), thuế Giá trị gia tăng (GTGT), thuế XK, thuế NK, thuế sử dụng đất nông nghiệp… trên phạm vi rộng nhằm hỗ trợ DN và người dân, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, việc quản lý thu NSNN cũng được tăng cường trên cơ sở đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước; tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất - kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế.

Hệ thống pháp luật về quản lý NSNN đã liên tục được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện, phù hợp với bối cảnh và tình hình đất nước trong từng thời kỳ. Gần đây, Luật NSNN năm 2015 (có hiệu lực từ năm ngân sách 2017) đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nguồn lực NSNN. Hệ thống pháp luật về quản lý, phân bổ, sử dụng, kiểm soát chi NSNN tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tăng cường phân cấp, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.

Những biện pháp trên đã góp phần mở rộng quy mô thu NSNN. Tổng thu NSNN giai đoạn 2011 - 2015 đạt hơn 4,1 triệu tỷ đồng, gấp 2 lần giai đoạn 2006 - 2010. Năm 2016 - 2017, thu NSNN tiếp tục tăng khá, đạt lần lượt là 1,1 triệu tỷ đồng và 1,29 triệu tỷ đồng. Thu cân đối NSNN 7 tháng năm 2018 đạt 775 nghìn tỷ đồng, bằng 58,7% dự toán, tăng 13,4% so cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, do tác động của các chính sách ưu đãi về thuế nhằm hỗ trợ DN và sản xuất - kinh doanh trong giai đoạn 2011 - 2015, cùng với việc cắt giảm hàng rào thuế quan và giá dầu thô giảm sâu, tỷ trọng thu NSNN với GDP giảm còn 23,56% so với mức 26,34% của giai đoạn 2006 - 2010.

Bên cạnh đó, nhu cầu mở rộng chi cho đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội cùng với sự sụt giảm của tỷ lệ động viên vào NSNN đã làm cho bội chi và nợ công tăng cao, đe dọa đến an ninh tài chính quốc gia. Vì thế, trong mấy năm qua, các khoản thu được cơ cấu lại, tập trung mở rộng các nguồn thu nội địa và đẩy mạnh công tác quản lý thu thuế. Nhờ đó, trong 2 năm 2016 - 2017, tổng thu NSNN thực hiện đều vượt khá so với dự toán Quốc hội quyết định (năm 2016 vượt 87 nghìn tỷ đồng; năm 2017 vượt khoảng 75 nghìn tỷ đồng), bằng 34,1% kế hoạch 5 năm, trong đó thu từ thuế, phí, lệ phí đạt 20% GDP. Cụ thể: Năm 2016, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt khoảng 24,5% GDP, trong đó huy động từ thuế, phí, lệ phí ước đạt 20,4% GDP. Năm 2017, tỷ lệ động viên vào NSNN ước đạt 25,7% GDP, trong đó huy động từ thuế, phí, lệ phí ước đạt 20,2% GDP.

Nhìn một cách tổng thể, cơ cấu thu NSNN đã có sự dịch chuyển theo hướng bền vững hơn. Tỷ trọng thu nội địa (không kể dầu thô) tăng từ mức trung bình 57,85% trong giai đoạn 2006 - 2010 lên 67,7% trong giai đoạn 2011 - 2015; năm 2016 - 2017 đạt lần lượt là 80% và 82%. Tỷ trọng thu từ dầu thô trong tổng thu NSNN giảm trung bình từ 19,96% trong giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn 13,41% trong giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ trọng thu cân đối từ hoạt động xuất - nhập khẩu so với tổng thu NSNN giảm trung bình từ 20,06% trong giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn 17,7% trong giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ trọng thu viện trợ không hoàn lại giảm trung bình từ 2,12% trong giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn 1,37% trong giai đoạn 2011 - 2015. Trong 2 năm gần đây (2016 - 2017), cơ cấu thu ngân sách chuyển dịch tích cực, tỷ trọng thu nội địa đạt 80% (mục tiêu bình quân 84 - 85%), tỷ trọng thu dầu thô giảm còn 3 - 4%.

Giảm dần chi thường xuyên

Trong khi quy mô thu tăng liên tục thì tốc độ chi lại có xu hướng giảm mặc dù tỷ trọng chi NSNN so với GDP vẫn ở mức cao (giai đoạn 2016 - 2017 đạt bình quân 29,7% GDP, giai đoạn 2011 - 2015 ở mức 29,2% GDP, giai đoạn 2006 - 2010 ở mức 29% GDP). Có thể thống kê: Tốc độ chi NSNN bình quân giảm từ 19,9% trong giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn 14,8% trong giai đoạn 2011 - 2015 và còn khoảng 7% trong năm 2016 - 2017.

Tốc độ chi thường xuyên giảm qua các năm nhờ thực hiện cơ cấu lại các khoản chi NSNN và chính sách chi tiết kiệm, hiệu quả, chặt chẽ trong khi vẫn thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và đảm bảo nguồn lực thực hiện điều chỉnh tăng lương cơ sở và phụ cấp cho các đối tượng chính sách. Ngoài ra, nguồn lực NSNN đã chủ động, kịp thời tập trung hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khôi phục sản xuất sau thiên tai, hỗ trợ gạo để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân và hỗ trợ học sinh vùng khó khăn.

Bên cạnh đó, cơ cấu chi NSNN được điều chỉnh phù hợp hơn. Trong bối cảnh NSNN khó khăn và nguồn thu không bền vững, để thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, vấn đề quản lý và sử dụng nguồn lực công sao cho hiệu quả, tiết kiệm, kịp thời là thách thức lớn phải vượt qua. Năm 2017, chi NSNN đạt hơn 1.413 nghìn tỷ đồng, bằng 101,7% dự toán, tăng 9,3% so với thực hiện năm 2016. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN ở mức 27,5% trong năm 2017, cao hơn mức mục tiêu 25 - 26% trong giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời tỷ trọng chi thường xuyên cũng ở mức 64,6%, sát với mục tiêu 64% trong giai đoạn 2016 - 2020 (thấp hơn 2 - 3% so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015).

Đặc biệt, chi NSNN dần chuyển theo xu hướng phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương nhằm tạo sự chủ động trong điều hành ngân sách. Tỷ trọng chi ngân sách địa phương đã tăng tương ứng từ 44,7% (năm 2006) lên 55,3% (năm 2015). Trong khi đó, tỷ trọng chi ngân sách trung ương trong tổng chi NSNN giảm từ 55,3% (năm 2006) xuống 44,7% (năm 2015). Bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương bình quân hàng năm chiếm khoảng 14% tổng chi ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2006 - 2015.

Để tiếp tục củng cố nguồn thu -chi ngân sách, xây dựng một cơ cấu thu NSNN bền vững trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Ngành Tài chính phải bám sát mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra trong Nghị quyết số 07-NQ/TƯ về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững cũng như Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, bên cạnh việc Chính phủ tập trung cải cách đồng bộ hệ thống chính sách thuế, đảm bảo tính cạnh tranh, hỗ trợ tăng trưởng với mức thuế suất hợp lý, cơ sở tính thuế rộng, phù hợp với xu hướng cải cách thuế trong khu vực và trên thế giới; đảm bảo tính minh bạch, công khai và trung lập, các chính sách ưu đãi thuế phải được đơn giản hóa, đảm bảo việc thực hiện ưu đãi có chọn lọc và gắn với các định hướng phát triển ngành, lĩnh vực; đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế trước khi ban hành.

Cơ cấu thu NSNN cần được điều chỉnh hợp lý hơn, bổ sung các nguồn thu tiềm năng như thuế tài sản, các khoản thu liên quan đến tài nguyên, tài sản nhà nước để có thêm nguồn lực cho tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện cơ cấu lại NSNN; có cơ chế để xử lý các vấn đề liên quan đến xói mòn cơ sở thuế. Hiệu quả công tác quản lý thuế cần được nâng cao, chú trọng công tác xử lý các vấn đề liên quan đến chuyển giá, gian lận về thuế, nợ thuế; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tích hợp và nền tảng quản lý dựa trên rủi ro.

Mặt khác, việc cơ cấu lại chi NSNN được thực hiện theo một lộ trình tổng thể, từng bước giảm dần quy mô chi thường xuyên và phục hồi chi đầu tư phát triển, đảm bảo ngân sách thường xuyên luôn có thặng dư; kiểm soát chặt chẽ các rủi ro về nợ công và các nghĩa vụ nợ dự phòng; nâng cao kỷ luật tài khóa.

Những giải pháp này nếu được thực hiện đồng bộ, căn cơ sẽ tiếp tục giúp cho cơ cấu NSNN của Việt Nam đi theo đúng đường hướng đã đặt ra.

Trong điều kiện nguồn lực NSNN giới hạn, quy mô mỗi khoản chi cần được điều chỉnh có ưu tiên trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhiệm vụ của từng giai đoạn phát triển nhằm tránh việc phân bổ nguồn lực một cách dàn trải, lãng phí, nâng cao hiệu quả chi NSNN. Chi đầu tư phát triển với chi thường xuyên và chi trả nợ được cơ cấu hợp lý và quản lý thống nhất. Phân phối NSNN được gắn kết với các mục tiêu của chiến lược KT-XH trong từng thời kỳ, trong khuôn khổ kế hoạch tài chính trung và dài hạn của quốc gia, cũng như của từng ngành, từng lĩnh vực. Cơ cấu chi NSNN được đổi mới, đảm bảo tập trung cho những mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước nhằm duy trì và phát triển hạ tầng KT-XH, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách tiền lương, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng…

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/co-cau-ngan-sach-dang-ngay-cang-ben-vung.aspx