Cơ cấu lại nợ: Cẩn trọng với khối nợ xấu được 'che đậy lại'

Theo các chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước đang xem xét mở rộng phạm vi nợ được áp dụng cơ chế quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN là việc làm cần thiết nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Hệ thống ngân hàng chủ động cơ cấu nợ, giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn vì dịch Covid-19

Hệ thống ngân hàng chủ động cơ cấu nợ, giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn vì dịch Covid-19

Tuy nhiên, các ngân hàng cần cẩn trọng với khối nợ xấu được “che đậy lại” dưới “lớp vỏ” cơ cấu lại nợ, nhằm tránh gặp rủi ro trong vấn đề kiểm soát nợ xấu có thể xảy ra trong tương lai.

Kéo dài thời hạn trả nợ

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 (Thông tư 01). Theo đó, tại dự thảo, NHNN đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 theo hướng mở rộng phạm vi nợ được áp dụng cơ chế quy định tại Thông tư 01.

Cụ thể, dự thảo kéo dài thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản cho vay, cho thuê tài chính phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020, thay vì trước đó Thông tư 01 quy định là từ 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, dự thảo cho phép các TCTD được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với các khoản giải ngân từ ngày 23/1/2020 đến ngày 24/4/2020. Trước đó, Thông tư 01 chỉ quy định với các khoản nợ trước ngày 23/1/2020.

Đáng chú ý, dự thảo cho phép các TCTD không tính số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư 01 khi thực hiện phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ quy định tại Thông tư 01 nhưng khách hàng không trả được nợ theo thời hạn cơ cấu lại.

Bình luận về những điểm mới tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 01, ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, việc NHNN cho phép mở rộng đối tượng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cũng như không giới hạn số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) có thể tiếp tục vay vốn vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Đặc biệt, dự thảo đưa ra quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đến ngày 31/12/2020 là hợp lý. Khoảng thời gian này bao trùm được các tác động của dịch Covid-19 đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, cùng với đó nền kinh tế cũng đã bước vào giai đoạn bình thường mới từ tháng 5/2020” – ông Lực nói.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, thời gian qua do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến nhiều DN gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ vay ngân hàng. “Đáng lý những khoản nợ đến hạn phải trả mà DN chưa trả được sẽ bị chuyển thành nợ xấu, tuy nhiên, với những quy định tại Thông tư 01 đã cho phép các TCTD giữ nguyên nhóm nợ và tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 tiếp tục cho phép các TCTD kéo dài thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản cho vay, thì khoản nợ của DN được giữ nguyên nhóm nợ, không bị chuyển thành nợ xấu, do đó DN có thể tiếp tục vay vốn ngân hàng” – ông Hiếu phân tích.

“Bức tranh” nợ xấu có thể sẽ thiếu trung thực

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, những quy định tại Thông tư 01 cũng như tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 không chỉ tạo điều kiện hỗ trợ các DN có thể tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, về phía các TCTD cũng giúp giảm áp lực nợ xấu, giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro… “Ví dụ, một khoản nợ của DN đang ở nhóm 3 (tương ứng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro là 20%) đáng lý phải chuyển lên nhóm 4 (tương ứng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro là 50%), thì đã được giữ nguyên lại ở nhóm 3. Như vậy, với quy định về việc các TCTD được giữ nguyên nhóm nợ sẽ giúp cho các ngân hàng không bị tăng vọt chi phí trích lập dự phòng rủi ro” – ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, đây vừa là mặt tích cực, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các TCTD. Bởi lẽ, theo phân tích của ông Hiếu, khi DN mất khả năng trả nợ hoặc không có khả năng trả nợ đúng hạn mà vẫn được giữ nguyên nhóm nợ, không bị chuyển nhóm nợ, sẽ khiến các ngân hàng phần nào không nhận diện được chính xác khối nợ xấu, từ đó có thể dẫn đến không kiểm soát tốt các khoản nợ xấu, không kịp thời trích lập dự phòng rủi ro, tạo lợi nhuận ảo… “Việc giữ nguyên nhóm nợ đối với nhiều khoản nợ mà đáng lẽ ra đã phải nhảy 1, 2 nhóm nợ, đã phần nào làm cho “bức tranh” chất lượng tài sản của ngân hàng đó bị lệch đi và có phần không chính xác” – ông Hiếu nhấn mạnh.

Từ những vấn đề phân tích ở trên, ông Hiếu cho rằng, đối với vấn đề cơ cấu lại nợ, các TCTD cần có những báo cáo riêng để bộ phận quản lý nợ nắm được và theo dõi sát những khoản nợ đáng lý ra đã thành nợ xấu nhưng được bao bọc bởi “lớp vỏ” cơ cấu lại nợ, để tránh gặp rủi ro trong vấn đề kiểm soát nợ xấu có thể xảy ra trong tương lai.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu còn cho rằng, ngay cả đối với quy định các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ, thì các ngân hàng cũng nên dè dặt trong việc thực hiện quy định này. “Nếu ngân hàng nào có đủ lực vẫn nên phân loại nợ theo quy định thông thường, theo đó sẽ dành khoản trích lập dự phòng rủi ro tương ứng. Bởi, nguồn vốn dành cho trích lập dự phòng rủi ro giúp các ngân hàng tạo nên một quỹ giống như khoản “bảo hiểm” để có thể xử lý được rủi ro nợ xấu trong tương lai nếu xảy ra” – ông Hiếu khuyến nghị.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 13/7/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272.000 khách hàng với dư nợ hơn 210 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 435.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt hơn 1,17 triệu tỷ đồng cho hơn 247.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch.
Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 154.000 khách hàng với dư nợ hơn 3.884 tỷ đồng; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75.000 khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng; cho vay mới đối với gần 1,2 triệu khách hàng với dư nợ gần 44 nghìn tỷ đồng.

Diệu Thiện

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2020-07-24/co-cau-lai-no-can-trong-voi-khoi-no-xau-duoc-che-day-lai-89966.aspx