Cơ cấu lại ngân sách theo hướng tăng thu nội địa

Mặc dù đưa ra số liệu cho thấy tình hình kinh tế xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 đạt được những kết quả khả quan so với trước, song Chính phủ cũng thừa nhận còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Những nhiệm vụ của năm 2018 khá nặng nề, trong đó có việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Những nội dung nói trên được thể hiện trong báo cáo “đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới” do Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14 diễn ra vào ngày 21-5.

Điểm danh những hạn chế

Theo ông Trương Hòa Bình, tại kỳ họp Quốc hội trước đó (kỳ họp thứ 4), Chính phủ đã báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng và ước thực hiện năm 2017. Trong những tháng cuối năm 2017, các ngành, các cấp tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Tổng hợp kết quả đạt được cả năm 2017 cho thấy, những nhận định, đánh giá đã báo cáo Quốc hội cơ bản phù hợp, trong đó có 7/13 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 6,81% (đã báo cáo 6,7%), kim ngạch xuất khẩu tăng 21,2% (đã báo cáo 14,4%) và xuất siêu 2,9 tỉ đô la Mỹ (đã báo cáo nhập siêu 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu).

Ông Bình cũng đã báo cáo Quốc hội về những kết quả đạt được những tháng đầu năm 2018. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất giảm 0,5 - 1%. Dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỉ đô la Mỹ.

“Tăng trưởng kinh tế quí 1-2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Điểm nổi bật là cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái: nông nghiệp được mùa, tăng 4,05% (cùng kỳ 2,08%); công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% (cùng kỳ 4,48%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 13,56%; dịch vụ tăng 6,7% (cùng kỳ 6,36%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 9,8%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 8,5% (cùng kỳ 7%). Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 52,7 điểm, đứng trong nhóm đầu ASEAN,” ônh Bình nói.

Trong quí 1, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,4% (cùng kỳ năm ngoái tăng 9,5%); trong đó vốn đầu tư tư nhân trong nước tăng 16,9%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 4 tháng ước đạt 5,1 tỷ đô la Mỹ, tăng 6,3%. Thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng tăng, có thời điểm vượt đỉnh 10 năm (1.170 điểm), hiện đang dao động trong khoảng 1.000 - 1.100 điểm; vốn hóa thị trường cổ phiếu và trái phiếu niêm yết đạt trên 96% GDP...

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, chúng ta vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô ổn định chưa thật vững chắc. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát do nhiều nguyên nhân. Giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 4 tháng mới đạt 16,4% dự toán. Cân đối ngân sách trung ương khó khăn, kỷ luật tài chính-ngân sách nhà nước có nơi chưa nghiêm. Chi phí vận tải, kiểm tra chuyên ngành còn cao. Một số công trình trọng điểm chậm tiến độ và đội vốn. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch có nơi còn bất cập. Thị trường bất động sản phát triển chưa bền vững. Việc quản lý, kiểm soát các hoạt động thanh toán qua mạng, chuyển tiền còn bất cập...

Giải pháp khắc phục

Để khắc phục những tồn tại, bất cập của nền kinh tế, ông Bình đã đại diện Chính phủ trình bày trước Quốc hội nhiều giải pháp. Cụ thể là tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% và thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7%.

Phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Kiểm soát quy mô tín dụng ở mức hợp lý gắn với nâng cao chất lượng; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Thêm nữa tìm cách giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5%, phấn đấu thu ngân sách nhà nước vượt 3% dự toán. Triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, hạn chế tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước; phấn đấu bội chi ngân sách nhà nước dưới 3,7% GDP. Phấn đấu giải ngân 100% dự toán chi đầu tư phát triển được giao, không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Sớm xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư công; tăng cường phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí.

Bên cạnh đó là thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Phát triển mạnh thị trường trong nước; xây dựng hệ thống phân phối đồng bộ và hiệu quả. Có giải pháp phù hợp không để tình trạng chi phối, lũng đoạn thị trường bán lẻ.

Xây dựng chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo nghề; phấn đấu đạt tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GDP trên 46%. Cải thiện các lĩnh vực xã hội, nâng dần giá trị và vị trí xếp hạng quốc tế về chỉ số phát triển con người (HDI).

Hoàn thành việc phê duyệt và đẩy mạnh thực hiện đề án cơ cấu lại đối với từng tổ chức tín dụng. Tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

“Cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Phấn đấu tỉ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP; trong đó tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân khoảng 41%. Thu hút có chọn lọc các dự án FDI công nghệ cao, thân thiện môi trường”, ông Bình nói.

Ngoài ra Chính phủ sẽ sớm kiện toàn tổ chức bộ máy của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tạo chuyển biến căn bản, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp, dự án thua lỗ. Phát triển mạnh kinh tế tư nhân; hoàn thiện, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Phấn đấu năm 2018 tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp đạt khoảng 3,05%, kim ngạch xuất khẩu vượt 40 tỉ đô la Mỹ, tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt khoảng 7,7%. Phấn đấu thu hút 15 - 16 triệu lượt khách quốc tế và tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ đạt khoảng 7,4%.

Phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động…

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/272841/co-cau-lai-ngan-sach-theo-huong-tang-thu-noi-dia.html