Cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn

Các chính sách cải cách của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay đều hướng tới cơ cấu nền kinh phát triển một cách thực chất hơn.

Chia sẻ với DĐDN, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những nỗ lực của Chính phủ đã bắt đầu phát huy. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những chính sách của Chính phủ ngày càng trở nên thiết thực và đáp ứng yêu cầu phát triển.

- Năm 2019, bức tranh kinh tế được đánh giá là có nhiều thành tựu. Vậy, Bộ trưởng ấn tượng với những thành tựu nào?

- Năm 2019, bức tranh kinh tế được đánh giá là có nhiều thành tựu. Vậy, Bộ trưởng ấn tượng với những thành tựu nào?

Duy trì nền tảng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh; kiểm soát lạm phát ở mức thấp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khá cao (mức cao do Quốc hội giao), thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao của khu vực và thế giới; củng cố và mở rộng các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn trong bối cảnh khó khăn các ngành, lĩnh vực chủ yếu vẫn phát triển ổn định, tích cực; sản xuất công nghiệp tăng mạnh, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế; nông nghiệp phát triển ổn định, trong đó xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc; khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá cao.

Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tập trung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, hỗ trợ tiếp cận thị trường và các nguồn lực, phát huy tinh thần khởi nghiệp, phát triển mạnh mẽ các mô hình đổi mới, sáng tạo, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm sau cao hơn năm trước.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia

Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển các lĩnh vực xã hội. Việc thực hiện thành công 2 mục tiêu vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chăm lo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội... góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

Vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được khẳng định và nâng cao, ngày càng giành được sự ủng hộ, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích của đất nước.

- Còn những thách thức, hạn chế của nền kinh tế theo quan sát của Bộ trưởng là gì?

Mô hình tăng trưởng hiện nay chưa là động lực để tạo phát triển bứt phá, đưa kinh tế nước nhà tiến nhanh, tiến kịp các quốc gia trên trường quốc tế và khu vực. Cơ cấu lại và phát triển các ngành, lĩnh vực tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nhưng đi sâu vào thì vẫn còn có những yếu tố thiếu bền vững. Kết quả thực hiện các đột phá chiến lược mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn hạn chế, không theo kịp yêu cầu phát triển, tác động trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của đất nước giai đoạn 2016-2020.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia... sẽ giúp cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục phát huy hiệu quả.

Những hạn chế, yếu kém về mặt văn hóa và con người đang cản trở sự phát triển đất nước như: tình trạng tha hóa đạo đức, tệ nạn xã hội, những vi phạm trong một số lĩnh vực xã hội đã và đang đặt ra những thách thức rất lớn, cần phải được quan tâm, ưu tiên giải quyết trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và bảo đảm tính nghiêm minh trong quá trình thực thi.

Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp; tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, sạt lở bờ sông, ven biển ngày càng xảy ra nghiêm trọng, quản lý môi trường tại các đô thị lớn, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông còn tồn tại, hạn chế.

- Quốc hội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng năm 2020 đạt khoảng 6,8%. Vậy đâu là động lực cho năm 2020, thưa Bộ trưởng?

Với độ mở kinh tế lớn, các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đến kinh tế trong nước nhanh và mạnh hơn. Tuy nhiên, với những biện pháp đề ra tập trung vào các nhiệm vụ, như quyết liệt đổi mới và cải cách hiệu quả hơn nữa để khơi thông thể chế, nguồn lực cho phát triển; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập; Tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh; Tập trung giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hoàn thành các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò đầu tàu của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn... sẽ giúp cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực.

Bên cạnh đó, với nền tảng vĩ mô ổn định, với môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và sự nỗ lực không ngừng của các cơ quan để cải cách, đổi mới, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, là điều kiện thuận lợi khuyến khích các thành phần kinh tế gia tăng đầu tư, sản xuất, tạo ra những năng lực mới tăng thêm cho nền kinh tế.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguyễn Việt thực hiện

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/co-cau-lai-nen-kinh-te-thuc-chat-hon-165083.html