Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất: Giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh sớm 'hồi sức'

Việc Bộ Tài chính hoàn thành dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 được xem là liều thuốc quý giá, giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh 'hồi sức' trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Đây là ý kiến của TS. Nguyễn Đình Chiến - Phó Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) với phóng viên TBTCVN.

PV: Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022, dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn hơn 125.000 tỷ đồng. Ông đánh giá thế nào về tác động của chính sách này đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong bối cảnh hiện nay?

TS. Nguyễn Đình Chiến: Như Bộ Tài chính đã có đánh giá, diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, khó lường và chưa dự báo được thời điểm kết thúc. Tác động của dịch bệnh đã gây khó khăn cho nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế; gây đình trệ trong sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, cũng như hộ kinh doanh. Do đó, cần thiết phải có các chính sách của Nhà nước góp phần giải quyết, tạo điều kiện về vốn, dòng tiền cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn, ổn định và khôi phục sản xuất kinh doanh.

TS. Nguyễn Đình Chiến

Cùng với đó, trong điều kiện dịch bệnh này, nhu cầu về chi ngân sách nhà nước cho hoạt động phòng, chống dịch, mua vắc-xin tiêm phòng cho người dân, thúc đẩy phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động... cũng gia tăng. Do đó, bên cạnh việc cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách cho các nguồn khác, việc đảm bảo nguồn thu ngân sách cho các hoạt động trên cũng rất cần thiết.

Trong điều kiện đó, cùng với chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT), ghi nhận vào chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ, việc xây dựng và thực thi chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 đã giải quyết được các nội dung nêu trên.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, chính sách này có ý nghĩa quan trọng đối với họ vì sẽ giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thêm nguồn tài chính lớn, như ước tính khoảng hơn 125.000 tỷ đồng thay vì nộp ngay cho Nhà nước để giải quyết các khó khăn, phục vụ sản xuất kinh doanh trong thời gian trước mắt, từ đó có thể ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh trong tương lai.

Đối với ngân sách nhà nước, chính sách gia hạn nộp thuế này sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2022 vì số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn sẽ được nộp đủ trước ngày 31/12/2022, đảm bảo nguồn thu ngân sách để thực hiện các nội dung chi quan trọng ở trên.

PV: So với các lần gia hạn thuế, tiền thuê đất năm 2020, 2021 thì dự thảo nghị định có những điểm mới đáng chú ý nào trong việc bãi bỏ một số quy định được cho là “rào cản”, thiếu khả thi trong quá trình áp dụng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Chiến: Dự thảo nghị định lần này đã có sự điều chỉnh những điểm bất cập và kế thừa những quy định có tính khả thi từ các nghị định về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất các năm 2020, 2021 để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong thực hiện các nội dung của nghị định. Đó là, số tiền thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn được thiết kế giãn cách về thời hạn thanh toán, không phải dồn một lần vào thời điểm cuối năm, nên phần nào tạo thuận lợi cho người nộp thuế khi được gia hạn và khi nộp các khoản này.

Đối tượng gia hạn lớn,
phạm vi rộng

Tại dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất đối tượng được gia hạn như sau: Tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với toàn bộ các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ. Bộ Tài chính đề xuất phạm vi của chính sách là gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước như Nghị định số 52/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, dự thảo nghị định quy định rất cụ thể các đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực được áp dụng; giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước được áp dụng cho nhiều loại thuế và nhiều khoản thu khác nhau, nộp một kỳ nhưng được áp dụng nhiều kỳ.

Trong đó, có thiết kế đầy đủ các danh mục để người nộp thuế đối chiếu và xác định. Trường hợp người nộp thuế có các khoản được gia hạn thuộc nhiều địa bàn, cơ quan thuế quản lý khác nhau, thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có trách nhiệm truyền thông tin gửi giấy đề nghị gia hạn này cho cơ quan thuế quản lý có liên quan; người nộp thuế không phải gửi tờ giấy đề nghị đến nhiều cơ quan thuế khác nhau. Đây cũng là những thuận lợi cho người nộp thuế để thực hiện các thủ tục liên quan.

PV: Dự thảo nghị định đã nêu rõ từng sắc thuế và thời gian được gia hạn, theo ông, để chính sách trên thực hiện mang lại hiệu quả và đúng đối tượng khi ban hành, cơ quan quản lý cần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ra sao?

TS. Nguyễn Đình Chiến: Trước hết, ngành Thuế cần thực hiện việc tuyên truyền rộng rãi nội dung của chính sách này trên các phương tiện truyền thông, các trang thông tin điện tử của ngành, các kênh thông tin của mạng xã hội, gửi email đến người nộp thuế... để thông tin kịp thời nhất đến người nộp thuế, giúp người nộp thuế biết, hiểu và thực hiện ngay các thủ tục cần thiết để được gia hạn các khoản nộp ngân sách theo quy định.

Tiếp theo, ngành Thuế cũng cần ban hành các văn bản hướng dẫn cơ quan thuế các cấp thống nhất thực hiện các nội dung của nghị định, để người nộp thuế được gia hạn ngay khi nghị định có hiệu lực.

Bên cạnh đó, ngành Thuế cần tăng cường hỗ trợ về chuyên môn để giúp người nộp thuế xác định đúng mình có thuộc đối tượng được gia hạn hay không, giảm thiểu các rủi ro pháp lý cho người nộp thuế trong quá trình thực hiện, cũng như thường xuyên nắm bắt các vướng mắc để đề xuất các biện pháp xử lý đúng quy định.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nhiều doanh nghiệp tái gia nhập thị trường

Thời điểm bình thường đã trở lại, cùng với đó là những gam màu sáng trong bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong quý I/2022. Nổi bật trong những thông tin tích cực là con số 60.178 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Đây là con số kỷ lục trong quý I/2022 kể từ nhiều năm trở lại đây, cao gấp 1,5 lần so với trung bình quý I giai đoạn 2017 - 2021, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Quý I hàng năm thường là thời điểm các doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh cho năm tài chính mới. Có thể thấy, quá trình phục hồi và phát triển của doanh nghiệp đang vào đà, niềm tin kinh doanh dần trở lại sau hai năm dịch Covid-19 càn quét.

Trong số trên, số doanh nghiệp thành lập mới là 34.590, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp quay lại hoạt động là 25.588, tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây đều là mức cao nhất trong quý I từ trước đến nay. Riêng số doanh nghiệp trở lại hoạt động cao hơn 2,1 lần mức trung bình trong quý I giai đoạn 2017 - 2021.

Tại hai địa phương lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, tình hình đăng ký doanh nghiệp cũng khởi sắc. TP. Hồ Chí Minh có 10.207 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất nước, nhưng Hà Nội vẫn ghi nhận mức tăng 6,6% trong đăng ký doanh nghiệp mới so cùng kỳ năm 2021, với 6.110 doanh nghiệp.

Đức Việt (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-han-thoi-han-nop-thue-va-tien-thue-dat-giup-doanh-nghiep-ho-kinh-doanh-som-hoi-suc-102874.html