Cơ cấu đa dạng cây trồng, Hương Sơn nâng độ che phủ rừng gần 71%

Để đạt kết quả này, trong 4 năm qua (2016 - 2019), huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh đã làm tốt công tác khoán bảo vệ 69.128 ha rừng và trồng mới 4,3 triệu cây phân tán.

Hương Sơn chú trọng cơ cấu cây trồng đa dạng, phong phú, nâng độ che phủ rừng lên gần 71%

Hương Sơn là huyện miền núi có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn thứ 2 tỉnh với 84.593 ha (sau Hương Khê). Thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng, huyện Hương Sơn đã chú trọng, cơ cấu cây trồng đa dạng, phong phú, nâng độ che phủ rừng lên gần 71% (cả tỉnh là 52,22%).

Để phát triển, nâng độ che phủ rừng, các đơn vị chủ rừng và nhân dân địa phương đã tăng cường công tác tạo giống từ các loài cây bản địa và nhập ngoại, vừa đảm bảo tính thích nghi môi trường sống, vừa đem lại giá trị phòng hộ và hiệu quả kinh tế.

Các loại cây trồng lâm nghiệp như: Keo lai, mỡ, thông, lim xanh, cồng dẻ… được trồng mới với số lượng lớn nhằm nâng cao chất lượng rừng, tỷ lệ thành rừng đạt trên 96%.

Các loại cây trồng lâm nghiệp như: Keo lai, mỡ, thông, lim xanh, cồng dẻ… được trồng mới với số lượng lớn nhằm nâng cao chất lượng rừng, tỷ lệ thành rừng đạt trên 96%.

Đặc biệt, diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch sản xuất là rừng trồng được chủ rừng đầu tư phát triển trồng rừng nguyên liệu, rừng cây gỗ lớn đã góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Người dân có việc làm, thu nhập ổn định từ rừng đã giảm đáng kể áp lực đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt đối với diện tích rừng tự nhiên.

Không chỉ nâng cao độ che phủ rừng, trên địa bàn Hương Sơn còn có 1 đơn vị chủ rừng (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn) là đơn vị đầu tiên trong cả nước được Tổ chức chứng nhận GFA (một trong những tổ chức của Hội đồng Quản lý rừng thế giới) cấp chứng chỉ “Quản lý rừng theo hướng bảo tồn các dịch vụ hệ sinh thái tập trung vào việc duy trì trữ lượng cacbon rừng”.

Bá Tân

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/co-cau-da-dang-cay-trong-huong-son-nang-do-che-phu-rung-gan-71/182561.htm