Cơ cấu chuyển dịch xuất nhập khẩu có bước chuyển ấn tượng

Thị trường nội địa được giữ vững, xuất nhập khẩu khả quan... đã đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên để chỉ tiêu tăng trưởng GDP khả quan hơn nữa, cần những giải pháp cụ thể từ nay đến cuối năm. Để rõ hơn về vấn đề này, bên lề Quốc hội, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội.

Trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) và thị trường nội địa vẫn có bước phát triển mạnh mẽ. Ông có nhận định gì về kết quả này?

Dịch Covid-19 đang tác động sâu rộng đến các hoạt động kinh tế, xã hội, tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, khi thế giới gần như bị đóng băng thì kinh tế Việt Nam vẫn khá ổn định và giữ được đà tăng trưởng. Có được điều này, trước hết chúng ta phải nhận thấy là nền kinh tế đang dựa vào thị trường nội địa, đây là thị trường lớn, để các hoạt động sản xuất kinh doanh duy trì nhịp ổn định. Với hiệu quả này, tới đây, kể cả khi kinh tế thế giới mở cửa thì thị trường nội địa vẫn hết sức quan trọng, tạo bệ đỡ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời là yếu tố cốt lõi trong sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch nếu chúng ta làm tốt thị trường nội địa sẽ tạo được nguồn khách trong nước rất lớn và sẽ giúp các lĩnh vực này vượt qua khó khăn và sớm phục hồi trở lại.

Về hoạt động XNK, chúng ta cũng nhìn thấy dù thế giới bị đứt gãy các dòng XNK, nhưng XK Việt Nam vẫn tăng, nhất là thị trường XK lớn như Mỹ, hay Trung Quốc. Kim ngạch XK thặng dư dương so với NK, lên đến 18 tỷ USD. Tuy nhiên, vẫn có chỉ báo khó khăn trong bối cảnh đất nước chúng ta đang phát triển, ngành công nghiệp chủ yếu là gia công, phụ thuộc nhiều nguồn nguyên liệu XK thặng dư cao nên cho thấy rõ hoạt động NK đang khó khăn. Điều này sẽ dẫn tới nguồn nguyên liệu, máy móc thiết bị bị thiếu hụt, nếu không tăng lên thì sẽ không thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Vì vậy, chúng ta phải tính toán, có chiến lược phù hợp trong bối cảnh hiện nay, đó là ngoài đảm bảo phòng chống dịch an toàn, hiệu quả phải tính có độ mở cửa của nền kinh tế, giao lưu thương mại quốc tế phù hợp để không làm đứt gãy hay đình trệ dòng đầu tư nước ngoài, trong đó, cần mở cửa cho các chuyên gia, lao động bậc cao tại sang làm việc tại các DN FDI.

Trong báo cáo 10 tháng về hoạt động kinh tế xã hội cho thấy cơ cấu chuyển dịch XNK đang có bước chuyển khá ấn tượng, nhất là doanh nghiệp nội địa. Điều này cho thấy điều gì, thưa ông?

Đại biểu Hoàng Văn Cường

Đại biểu Hoàng Văn Cường

Đây là kết quả đáng được ghi nhận. Chúng ta thấy rõ, dù nền kinh tế thế giới bị xáo trộn, tác động bởi dịch Covid-19, song DN FDI vẫn tiếp tục giữ đà phát triển và có xu hướng tăng lên điều này cũng thể hiện rõ nét về triển vọng đầu tư tại Việt Nam là rất tốt. Đáng mừng hơn nữa là DN trong nước cũng tiếp tục giữ vai trò chính tại thị trường nội địa; một số sản phẩm mới, như nông sản, chế biến, chuyển hướng đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn của nhiều trường xuất khẩu khó tính. Theo tôi, những chuyển biến này đang là tiền đề cho sự phát triển tương lai đối với hoạt động XNK của hàng hóa Việt Nam.

Sau hơn 2 tháng thực thi, Hiệp định EVFTA đã có những tác động tích cực đến hoạt động XNK. Thời gian tới, để khai thác hiệu quả hơn các cam kết từ Hiệp định này, chúng ta cần phải có biện pháp mạnh mẽ như thế nào?

Thực tế, có hiệu lực thì tương lai cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường EU tương đối rộng mở, nhưng khó khăn nhất đối với chúng ta là khâu kiểm soát quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Bởi, EU là thị trường vô cùng khó tính, yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt. Để giải bài toán này, Việt Nam phải đẩy nhanh việc tạo ra được chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị để duy trì hàng hóa đạt tiêu chuẩn. Trong đó, cần chú trọng đến các hàng hóa nông sản, chế biến phải đảm bảo về quản lý quy trình công nghệ, sản xuất, kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của EU. Mặt khác, chúng ta phải tập trung, quan tâm làm sao tạo liên kết các nhà sản xuất, thị trường để tạo sự kết nối giữa DN sản xuất trong nước với thị trường tiêu thụ ở nước ngoài.

Theo tôi, nếu Việt Nam sớm giải quyết các vấn đề trên, chúng ta có thể tự tin, lạc quan từng bước tiếp cận được thị trường EU.

Để chỉ tiêu tăng trưởng GDP lạc quan hơn nữa vào cuối năm, theo ông những vấn đề nào Chính phủ, các Bộ, ngành cần chú trọng?

Nếu theo xu hướng hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đã đi qua giai đoạn khó khăn trong quý II với tốc độ tăng trưởng thấp là 0,4%, thế nhưng sang quý III đã tăng 6,26%. Rõ ràng xu hướng đi lên của tăng trưởng kinh tế rất rõ và quý III chúng ta cũng thấy các tiền đề cho phát triển kinh tế đang gợi mở rất tốt. Một số ngành sản xuất công nghiệp, XNK tăng trưởng tích cực, số DN nhu cầu tuyển dụng đều tăng, kể cả DN FDI.

Tuy nhiên, khó khăn do thiên tai, bão lũ vừa qua cũng đã làm giảm tăng trưởng một phần đối với khu vực nông nghiệp, thương mại và giao thông vận tải đứt gãy. Nhưng tổn thất nặng nhất là ngân sách chi cho khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, để sớm ổn định đời sống cho nhân dân và đầu tư, khắc phục hạ tầng, công trình bị hư hỏng. Song đây không phải là vấn đề lớn, tác động sâu đến hoạt động, phát triển của nền kinh tế, nên chúng ta có thể kỳ vọng một sự tăng trưởng tốt hơn từ nay đến cuối năm.

Theo đó, để đạt mục tiêu phát triển theo kế hoạch đề ra, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh một số hoạt động đã triển khai hiệu quả thời gian qua: Thứ nhất, làm tốt thị trường trong nước để tạo trụ đỡ cho DN sản xuất, kinh doanh, kể cả với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; Thứ hai, chú trọng tích cực đến công tác xúc tiến XNK để hàng hóa XK tiềm năng, có vị trí ổn định tại thị trường nước ngoài tiếp tục theo đuổi; Thứ ba tính đến mở cửa nền kinh tế ở mức độ nào đó để không làm đứt gãy nguồn nguyên liệu, hay kể cả là nhân công; Thứ 4, thay đổi chính sách đầu tư công, cũng như có tính toán về chi ngân sách thường xuyên để có sự chuyển dịch kịp thời trong việc khắc phục hậu các công trình bị hư hại do thiên tai gây ra như ở miền Trung mới đây.

Xin cảm ơn ông!

Đình Dũng - Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-cau-chuyen-dich-xuat-nhap-khau-co-buoc-chuyen-an-tuong-146948.html