Có cần phân 'luồng đỏ' hàng đã qua chiếu xạ?

Khi một lô hàng xuất khẩu đã qua chiếu xạ, chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của chuyên gia nước nhập khẩu và các đơn vị liên quan trong nước, thì có cần thiết phải đưa vào diện 'luồng đỏ'để kiểm soát khi thông quan hay không?

Không cần thiết đưa vào diện “luồng đỏ” đối với hàng hóa xuất khẩu đã qua chiếu xạ, được kiểm soát nghiêm ngặt. Trong ảnh là nông dân Tiền Giang thu hoạch chôm chôm. Ảnh: Trung Chánh

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), gần đây đã ký Văn bản số 7957/BNN-CBTTNS phúc đáp Công văn số 10503/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính về chiếu xạ nông sản.

Trong văn bản này, Bộ NN&PTNN giải thích: “Tất cả lô hàng quả tươi xuất khẩu sang các thị trường trên (Mỹ, Úc, New Zealand… - PV) đều phải chiếu xạ và xếp lên container để xuất khẩu. Toàn bộ quy trình đều được giám sát bởi chuyên gia kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu đối với từng lô hàng, đặc biệt là khâu xử lý lô hàng tại các cơ sở chiếu xạ cho đến khi xếp hàng lên container và niêm phong. Vì vậy, lô hàng sau khi đã niêm phong lại mở ra kiểm tra thì không tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu và sẽ bị thông báo vi phạm khi hàng cập cảng của nước nhập khẩu”.

Sự trao đổi qua lại giữa hai bộ xuất phát từ việc xuất khẩu nông, thủy sản gần đây gặp phải một số khó khăn khi thực hiện theo quy định mới tại Nghị định số 59 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08 năm 2015 và Thông tư số 39 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38 năm 2015 quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan… đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo quy định mới, nếu doanh nghiệp mở tờ khai hàng hóa tại cơ quan hải quan địa phương (nơi chế biến) và khi đưa tới cửa khẩu nằm ở địa phương khác (TPHCM hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu) lô hàng bị xếp vào luồng đỏ, do không được phép làm kiểm hóa hộ như trước đây, thì sau khi chiếu xạ doanh nghiệp phải đưa hàng trở lại địa phương để làm thủ tục khai báo cơ quan hải quan, sau đó lại đưa hàng đến các tỉnh có cửa khẩu để xuất hàng.

Rõ ràng quy định mới này gây khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp, vì cho dù có phải chở hàng về địa phương để làm thủ tục lại thì hải quan cũng không thể phá niêm phong để mở container ra kiểm tra, bởi nếu làm như vậy quy trình chiếu xạ trước đó trở nên vô giá trị.

Trong khi đó, trao đổi với TBKTSG, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này cho rằng việc đưa sản phẩm là hàng hóa xuất khẩu đã qua chiếu xạ vào “luồng đỏ” là không cần thiết. Bởi, việc thực hiện chiếu xạ được kiểm soát rất nghiêm ngặt bởi chuyên gia nước nhập khẩu lẫn các cơ quan trong nước.

Quy trình kiểm soát rất nghiêm ngặt

Việc chiếu xạ phải qua một quy trình vô cùng nghiêm ngặt. Bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, cho biết đối với hàng xuất khẩu là trái cây đi Mỹ, quá trình chiếu xạ được giám sát bởi chuyên gia của Mỹ, đại diện các cơ quan liên quan của Việt Nam như kiểm dịch. “Thậm chí, nếu hàng xuất khẩu đi bằng đường hàng không thì trung tâm chiếu xạ sẽ nhờ hỗ trợ của bên an ninh hàng không đến tận nhà máy giám sát quá trình thực hiện. Khi sản phẩm đã được chiếu xạ, chất lên container và được chuyên gia của nước nhập khẩu bấm “seal” niêm phong lại, thì an ninh hàng không sẽ áp tải xe lạnh chở hàng ra tận sân bay”, bà Hiền nói.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, đơn vị trực tiếp xuất khẩu trái cây, cũng xác nhận như vậy. Chẳng hạn như chiếu xạ trái cây đi Mỹ, khi hàng ở tỉnh đưa lên tới nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn (TPHCM), chuyên gia của Cơ quan Dịch vụ kiểm tra sức khỏe động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ tiến hành kiểm tra tại chỗ hàng hóa của doanh nghiệp, nếu đạt yêu cầu sẽ cho phép đưa vào chiếu xạ. “Khi mình chiếu xạ xong, chất hàng lên container, chuyên gia của Mỹ sẽ trực tiếp bấm “seal” của họ”, ông Tùng cho biết.

Ba luồng khi thông quan

Theo quy trình, lô hàng sau khi được chiếu xạ và niêm phong, sẽ tiến hành vận chuyển đến cảng để thông quan xuất khẩu, có thể bằng đường hàng không hoặc bằng tàu biển. Tuy nhiên, trong quá trình thông quan, lô hàng có thể bị hải quan xếp vào “luồng xanh, luồng vàng hoặc luồng đỏ”. Nếu hàng vào “luồng đỏ” là bắt buộc phải kiểm.

Nhưng tiêu chí nào để phân luồng xanh, vàng, đỏ? Trả lời câu hỏi này của TBKTSG, ông Tùng cho rằng, việc phân luồng được lựa chọn ngẫu nhiên. “Họ xét ngẫu nhiên, để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu”, ông nói.

Giám đốc của một đơn vị chuyên làm dịch vụ logistics cũng xác nhận, việc phân luồng hiện được thực hiện ngẫu nhiên. Khi lô hàng được phân vào “luồng xanh” thì miễn kiểm. Nếu lô hàng vào “luồng vàng” thì bị kiểm tra về mặt giấy tờ, khi đó hải quan yêu cầu cập nhật lên hệ thống (hiện nay khai trên mạng) tất cả chứng từ, giấy tờ liên quan đến lô hàng để hải quan kiểm tra. “Thông thường, khi cập nhật đầy đủ lên hệ thống thì hải quan sẽ cho qua”, vị này cho biết.

Tuy nhiên, nếu như lô hàng bị đưa vào “luồng đỏ”, bên cạnh yêu cầu cập nhật lên hệ thống toàn bộ giấy tờ, chứng từ liên quan thì khi lô hàng ra đến cảng, hải quan yêu cầu cắt seal niêm phong, mở thùng container ra và coi từng kiện hàng thông qua máy soi an ninh.

Cần xem lại

Khi lô hàng ra đến hải quan, tức mọi thủ tục, chứng từ đã hoàn tất. Nhưng, nếu cắt niêm phong (bị luồng đỏ), có nghĩa số niêm phong trên chứng từ đã báo cáo, đã đánh số trước đó coi như không còn giá trị và lô hàng sẽ bị hủy vì trái quy định của nước nhập khẩu (không được cắt niêm phong khi đã được chuyên gia nước nhập khẩu bấm seal).

Ông Tùng của Vina T&T Group cho rằng, về nguyên tắc khi lô hàng đã được chuyên gia nước nhập khẩu niêm phong nhưng hải quan yêu cầu cắt “seal” để kiểm tra vì bị “luồng đỏ”, doanh nghiệp phải giải trình với chuyên gia nước nhập khẩu. “Nếu gặp người khó khăn, không chịu cấp niêm phong mới, thì nguy cơ hủy hàng rất cao”, ông nhấn mạnh và cho biết khi đó doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn.

Theo ông Tùng, việc chiếu xạ hàng hóa trước khi xuất khẩu đã trải qua quy trình rất nghiêm ngặt, có sự kiểm soát chặt chẽ của cả đại diện cơ quan nước nhập khẩu và cơ quan Việt Nam, thì nên đưa vào luồng xanh, hoặc nên áp dụng lại quy định cho làm kiểm hóa hộ như trước đây để tránh rắc rối không đáng có cho doanh nghiệp.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281256/co-can-phan-luong-do-hang-da-qua-chieu-xa-.html