Có cần phải quy định, giáo án là hồ sơ bắt buộc của giáo viên?

Thời đại 4.0, nếu chúng ta cứ loay hoay với những gì xưa cũ, nuối tiếc quá khứ, ngại thay đổi trong tư duy quản lý, chính chúng ta đang tự gây áp lực cho mình.

LTS: Nhà một nhà giáo đang trực tiếp tham gia vào công tác giảng dạy, thầy Sơn Quang Huyến mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cho phép giáo viên sử dụng giáo án điện tử.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Một thực tế đang xảy ra ở trường học, các giáo viên năm trước dạy ở khối lớp nào, năm sau được tiếp tục phân dạy khối lớp đó.

Cách làm này có ưu điểm, giáo viên đã “thuộc” giáo án, chương trình, nội dung. Mặt khác, qua các tiết dạy trước, giáo viên đã rút được kinh nghiệm, nên khi giảng bài sẽ tự tin hơn so với lần đầu làm quen với bài giảng mới.

Chúng ta bắt gặp không ít giáo viên chỉ dạy một khối lớp từ ngày ra trường đến khi nghỉ hưu.

Bên cạnh ưu điểm đó, việc phân công chuyên môn chỉ nằm ở một khối lớp cũng có những nhược điểm; đầu tiên phải nói đến đó là làm giáo viên càng ngày càng “dốt”.

Chỉ dạy một khối lớp, giáo viên không có được “sợi chỉ đỏ” kiến thức bộ môn toàn khối, vì thế thiếu tính “liên thông” giữa các khối kiến thức.

Có cần phải quy định, giáo án là hồ sơ bắt buộc của giáo viên? (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Có cần phải quy định, giáo án là hồ sơ bắt buộc của giáo viên? (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Theo Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT ngày 18/1/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo và hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định; trong đó giáo án vẫn là hồ sơ bắt buộc giáo viên phải có.

Giáo viên có dạy theo giáo án không?

Trả lời câu này, phần lớn giáo viên đều nói không?

Nếu giáo viên cứ dạy theo giáo án, chỉ có giáo viên đọc chép, hoặc chỉ dạy một lớp trong khối, còn lại đều phải “gia giảm” cho từng lớp, từng đối tượng học sinh.

Sau một hai năm, gần như giáo viên “thuộc giáo án”. Thế nhưng, năm nào cũng phải in lại một bộ giáo án, mục đích chỉ để cho tổ, ban giám hiệu kiểm tra.

Nếu không bắt buộc phải in lại giáo án với giáo viên dạy hai năm liên tục trên một khối lớp sẽ tiết kiệm được một nguồn lực không nhỏ của xã hội và của chính giáo viên.

Tệ hơn, một số nơi, giữa thời đại công nghệ 4.0, vẫn bắt giáo viên soạn giáo án… viết tay (Ban giám hiệu yếu vi tính, ngại thay đổi, tư duy cũ, thường có quy định này).

Giáo án điện tử, sổ sách điện tử, tại sao không?

Từ thực tế cuộc sống dạy học của giáo viên, tôi đề nghị Bộ nên cho phép giáo viên sử dụng giáo án điện tử.

Bởi, phần lớn giáo viên đều đã có cơ sở hạ tầng là máy tính xách tay, máy tính để bàn kết nối mạng, có liên lạc bằng thư điện tử, tham gia các mạng xã hội (địa phương tôi 100%) giáo viên có. Sổ sách, giáo án là hồ sơ chuyên môn, có quyền sử dụng văn bản điện tử.

Tỷ lệ dạy hai năm liên tục trên một khối lớp rất cao.

Tỷ lệ phủ Wifi ở các trường học lớn, số giáo viên sử dụng 4G rất nhiều.

Kiểm tra giáo án trên máy tính còn dễ hơn nhiều, kiểm tra bất cứ đâu, bất cứ khi nào miễn có … điện.

Tiết kiệm nguồn lực cho xã hội, tiết kiệm giấy, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.

Chưa tăng lương cho giáo viên được, nhưng giảm áp lực cho họ liền, tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện.

Thời đại 4.0, nếu chúng ta cứ loay hoay với những gì xưa cũ, nuối tiếc quá khứ, ngại thay đổi trong tư duy quản lý, chính chúng ta đang tự gây áp lực cho mình.

Ngày 22/1/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết học kỳ 1 và triển khai nhiệm vụ học kỳ 2 năm học 2018-2019.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều ý kiến xoay quanh việc dùng phần mềm xây dựng giáo án cho giáo viên các cấp.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị lãnh đạo phòng giáo dục và lãnh đạo các trường không nên hà khắc với giáo viên của mình về việc xây dựng giáo án điện tử.

Ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ: “Một năm ý tưởng không có gì mới mà còn bắt giáo viên chép lại toàn bộ giáo án thì thực sự căng thẳng cho các thầy cô giáo.

Chúng ta nên nhẹ nhàng trong việc này để giảm bớt áp lực cho các thầy cô giáo”.

Cho phép giáo viên sử dụng giáo án, sổ sách điện tử, là hành động cấp thiết của trái tim, của đổi mới trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay; góp phần thành công cho năm học mới thiết thực nhất, năm giảm áp lực cho giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

//laodongtre.laodong.vn/dao-tao/khuyen-khich-giao-vien-dung-phan-mem-xay-dung-giao-an-653796.ldo

Sơn Quang Huyến

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/co-can-phai-quy-dinh-giao-an-la-ho-so-bat-buoc-cua-giao-vien-post195078.gd