Có cần một OPEC+ trong điều kiện bất ổn địa chính trị hiện nay?

Nhiều nước OPEC+ đang nghi ngờ về vai trò của mình cũng như hiệu quả của các thỏa thuận trong tương lai của khối này.

Liệu sẽ phải thắt lưng buộc bụng trong bao lâu, tại sao Mỹ, Ả rập Saudi và Nga lại đóng vai trò định hướng cho khối này, các đối thủ cạnh tranh như châu Mỹ, các nước khu vực Địa Trung Hải sẽ ảnh hưởng thế nào nếu như họ không có ý định tham gia thỏa thuận OPEC+?

Những trăn trở này có thể gây khó dễ cho việc ra quyết định về gia hạn hạn chế khai thác cho nửa đầu 2021. Một mặt ngân sách các nước xuất khẩu dầu đang cạn dần do xuất khẩu giảm và kinh tế thế giới đi xuống, mặt khác không thể khai thác nhiều hơn để củng cố nền kinh tế vì thỏa thuận của khối. Việc OPEC+ tự hạn chế khai thác trong khi Mỹ và các nước ngoài OPEC+, dưới sự bảo trợ của Mỹ, cho phép mình nằm ngoài những hạn chế này gây nên sự mất cân bằng và bình đẳng trên thị trường. Các tuyên bố về thành công trong lĩnh vực sản xuất vacxin không thể kích được giá dầu tăng mạnh lên 5-10%.

Đầu tàu về tăng trưởng kinh tế như Trung Quốc liệu có cần OPEC+ với các thỏa thuận có tổ chức để tăng giá dầu? Luật Mỹ có cho phép những thỏa thuận cartel tương tự tồn tại? Với nền kinh tế phát triển cần nhiều năng lượng thì chắc không cần đến sự tồn tại của tổ chức như OPEC. Tuy nhiên, trong cạnh tranh kinh tế thì ngược lại. Sự tranh giành ảnh hưởng đến quyết đến định của tổ chức này, cái gọi là “lợi ích nhóm” sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong tương lai. Mỹ sẽ tìm cách đứng giữa hưởng lợi, giữa đảm bảo lợi ích cho “đồng minh” và việc thắt chặt khả năng phát triển của Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc sẽ tìm mọi cách khống chế giá năng lượng để làm bàn đạp cho sự phát triển kinh tế. Do các bất ổn chính trị trên chính trường nước Mỹ, khó có thể dự đoán tương lai.

Trong khi đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy trước khi rút lui khỏi chính trường Mỹ, Tổng thống D. Trump sẽ làm tất cả những gì có thể để ghi lại dấu ấn của mình, đồng thời gây bất lợi cho đối thủ chính trị của mình cho những năm tiếp theo. Các chuyến công du của ngoại trưởng Pompeo thời gian qua một mặt nhằm hướng đến hoạt động ngoại giao, thúc đẩy quá trình liên kết, bình thường hóa quan hệ tại Trung Đông với Israel, đàm phán với các nước trong chuỗi kinh tế mới để làm suy yếu/loại trừ Trung Quốc ra khỏi hệ thống kinh tế thế giới, mặt khác hướng đến các nước tiềm năng trở thành điểm nóng trong tương lai. Không loại trừ trong thời gian tới, Mỹ sẽ “thả nổi” vấn đề an toàn quân sự ở Trung Đông, Bắc Phi, Địa Trung Hải, các nước mạn tây LB Nga, Bắc Triều Tiên, Đài Loan... Hiện các điểm nóng đã và đang xuất hiện từ Iran đến Libya, từ Somali đến Belarus, từ Bắc Triều Tiên đến Đài Loan. Những điểm nóng này, nếu xảy ra trong 1-2 tháng tới, trước thời điểm công bố chính thức kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, có thể đẩy giá dầu lên trên 50 USD/thùng.

Các bấp bênh về địa chính trị, đại dịch vừa kéo vừa đẩy giá dầu, không mang gì tốt đẹp đến cho kinh tế thế giới. Các chính phủ sẽ phải tiếp tục in thêm tiền để nuôi nền kinh tế của mình, và vì vậy các bong bóng trên thị trường sẽ tiếp tục được thổi phồng hơn và mang lại nhiều rủi ro hơn cho nền kinh tế thế giới.

Viễn Đông

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/co-can-mot-opec-trong-dieu-kien-bat-on-dia-chinh-tri-hien-nay-586566.html