Cô cán bộ Đoàn với ước mơ về quê, tiếp tục nghề in khắc dấu của cha

19 tuổi, vừa đi làm để trang trải học phí, vừa là sinh viên giỏi, cán bộ Đoàn năng nổ, Hồng Khanh ước mơ mở trung tâm mái ấm tình thương và trở về Bến Tre nối nghiệp khắc dấu.

Zing.vn gặp gỡ Hồng Khanh giữa Sài Gòn vào một ngày đầu năm 2019, cô gái đầy năng lượng với nụ cười rạng rỡ luôn nở trên môi liên tục kể về những dự định, kế hoạch, lịch trình cho năm học mới. Nữ sinh năm Nhất ĐH Tài chính - Marketing không giấu được niềm vui khi nhận sự “đỡ đầu” của học bổng “SCG Sharing the Dream”, nơi giúp em về tài chính, đồng thời tiếp sức niềm tin và cổ vũ em theo đuổi những ước mơ phía trước.

Nếu chưa trò chuyện, không mấy ai tin rằng cô bé có đôi mắt cười này vừa trải qua những năm khó khăn của cuộc sống, nhưng cũng là thời gian giúp em định hình tính cách, thử thách bản thân, và xác định mục tiêu trong tương lai.

Hồng Khanh sinh ra và lớn lên ở Bến Tre. Tuổi thơ mà em miêu tả “yên bình, hạnh phúc, ấm áp có đủ cha và mẹ” chấm dứt vào cuối năm lớp 9. Cha mẹ em ly hôn.

Việc nhập học vào trường THPT Chuyên Bến Tre của Khanh bị ngừng lại. Em phải nhanh chóng dọn dẹp đồ đạc, tạm biệt cha, bạn bè, nhà nội để theo mẹ chuyển lên Sài Gòn, nơi hai mẹ con chia sẻ một căn gác với bà ngoại trong ngôi nhà của gia đình dì út.

“Cuộc sống của em thay đổi hoàn toàn. Từ một cô gái chỉ biết học, được bao bọc trong một gia đình hạnh phúc ở thành phố nhỏ, em bước vào cuộc sống mới ở thành phố lớn, đông đúc, ồn ào và náo nhiệt hơn”, Khanh kể.

Những ngày đầu của cô gái nhỏ ở Sài Gòn là chuỗi thời gian dài sống thiếu tự tin, không có nhiều bạn, luôn nhớ cha và vùng quê Bến Tre thân thương.

Cũng trong thời gian đó, để có thể trang trải cuộc sống, lo cho hai mẹ con chi phí ăn ở, đi lại, mẹ Khanh bươn trải làm đủ việc, từ nhân viên phục vụ nhà hàng, đến bán hủ tiếu. Cha của em ở Bến Tre có một cơ sở khắc con dấu, làm biển quảng cáo, lớn tuổi lại sống một mình, nhưng cũng cố gắng gửi cho con gái 2 triệu đồng/tháng để đóng học.

“Thương cha mẹ nhưng em không thể giúp được nhiều. Điều duy nhất em có thể làm là cố gắng học thật giỏi, giúp đỡ mẹ việc nhà, mùa hè hoặc Tết về quê thăm cha”, cô gái trẻ nhớ lại.

3 năm trung học, Khanh vừa đi học, vừa đi làm. Có khi em bưng bê ở tiệm cà phê, có khi làm gia sư. Hơn tất cả, em vẫn giữ được học lực giỏi.

Cũng chính trong khoảng thời gian hoang mang và rụt rè vì phải vội vàng hòa nhập vào cuộc sống mới ấy, Khanh nhận ra cuộc sống đã cho em thử thách để có thêm hiểu biết, kiến thức, cũng như các cơ hội khác nhau. Em lần đầu được tham gia vào công tác Đoàn trường.

Bên cạnh việc học, công tác Đoàn đã trở thành nơi Khanh thể hiện năng lực, sự hoạt bát, thỏa sức sáng tạo và cống hiến cho xã hội. Cũng từ đó, cô bé Khanh vui vẻ, năng động, yêu thích các hoạt động ngoại khóa đã trở lại. Những cố gắng của cô Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Trãi Hồng Khanh đã được đền đáp.

Em từng nhận được bằng khen của Trung ương Đoàn, Thành đoàn, Quận đoàn, và cả Sở GD&ĐT TP.HCM vì những nỗ lực trong việc học tập và sáng tạo trong hoạt động ngoại khóa.

Học hết lớp 12, Khanh thi đỗ ĐH Tài chính - Marketing, chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Phần tiền kiếm được sau những giờ làm thêm được em gom góp đủ để đóng học phí kỳ 1 ở trường đại học và mua xe máy để tiện đi lại.

“Em mong muốn hiểu biết về tài chính, kinh tế, điều hành công việc kinh doanh để có thể trở về Bến Tre, cùng điều hành cơ sở làm biển quảng cáo, khắc dấu của cha. Bên cạnh việc có thể nuôi dưỡng cha mẹ lúc tuổi xế chiều, em còn muốn vực dậy kinh tế gia đình, lưu giữ ngành nghề của cha. Mọi câu chuyện ngày xưa vốn dĩ phát sinh từ chữ ‘tiền’. Em không muốn đi vào vết xe đổ của người đi trước”, Khanh tâm sự về nguyên nhân lựa chọn ngành học.

Lên đại học, cô gái nhỏ tiếp tục làm nhân viên bán thời gian ở một cửa hàng thời trang công sở, đồng thời đi dạy kèm môn Toán để trang trải các chi phí, dành tiền đóng học phí cho các kỳ sau.

Tại nơi làm thêm, em không chỉ cố gắng bán được doanh số cao, mà còn học hỏi cách thức vận hành cửa hàng, việc bán hàng, cách làm kinh doanh, cách giao tiếp với khách, thực hành ngoại ngữ. Em hướng tới việc sau khi tốt nghiệp, ít nhất đã trở thành phó hoặc trưởng ở chỗ làm hiện tại để tích lũy kinh nghiệm.

“Khi đã có đủ kiến thức thực tế, em sẽ trở về quê cùng cha phát triển cơ sở khắc dấu. Mong rằng cha sẽ chờ được đứa con gái này”, thiếu nữ 19 tuổi tâm sự.

Khanh cũng kể thêm, đã lâu em chưa được về quê Bến Tre. Việc học, đi làm thêm, chăm sóc mẹ khiến lời hứa về thăm cha của Khanh không thực hiện được liên tục. Buồn và biết mình có lỗi nhiều với gia đình, nhưng cô gái nhỏ biết em phải cố gắng và hy sinh nhiều thứ.

Bên cạnh mong muốn hỗ trợ cha tạo dựng lại cơ sở in ấn, khắc dấu của gia đình, Hồng Khanh còn có ấp ủ ước mơ xây dựng cơ sở từ thiện, nuôi dưỡng những người lang thang cơ nhỡ, không nhà cửa.

Từ lớp 11, khi đang là Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Trãi, em đã thường xuyên tổ chức và kết nối các bạn tổ thực chương trình từ thiện như: Vé số gây quỹ, nuôi heo đất, thu gom ve chai… để giúp đỡ những gia đình chính sách và quyên góp cho các mái ấm tình thương.

Cuối lớp 12, em và một nhóm bạn thân từng thành lập nhóm từ thiện “Những tấm lòng đẹp” để giúp đỡ trực tiếp những người già khó khăn trên địa bàn quận 4. Sau đó, em lại tiếp tục tham gia CLB Cán bộ Đoàn trường học quận 4 (trực thuộc quận Đoàn quận 4) để tiếp tục được phục vụ cộng đồng và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Sau thời gian ngắn, Khanh đã trở thành phó chủ nhiệm câu lạc bộ này, em dự định sẽ tổ chức thêm các hoạt động an sinh xã hội, hướng tới những cuộc đời và số phận thiếu may mắn.

“Nhiều lần đi trên những cây cầu rất đẹp, hay đi dạo ở công viên, trung tâm vui chơi của thành phố, nơi mọi người tới dạo chơi hoặc nghỉ ngơi, em thường thấy những người già lang thang. Em từng nghĩ nếu chỉ cho tiền họ, em sẽ không giúp đỡ được ai lâu dài. Vậy thì em phải tạo ra một mái nhà, giúp họ có tay nghề hoặc kỹ năng. Từ đó, họ có cơ hội tự đi kiếm việc làm, thế mới là sự giúp đỡ bền vững. Như vậy, họ vừa không dựa dẫm vào lòng thương của xã hội, còn giúp cuộc sống chủ động và có tương lai hơn”, Khanh giải thích.

Nhưng ước mơ của cô gái 19 tuổi không dễ dàng thực hiện. Một lần, khi chia sẻ mong muốn này, Khanh nhận được cái lắc đầu tế nhị. “Vì nhiều lý do, thành phố chưa làm được” là lời giải thích em nhận được.

Biết rằng kế hoạch sẽ có nhiều khó khăn, kể từ sau lần chia sẻ đó, Hồng Khanh quyết giữ ước mơ cho riêng mình. Em chưa từng tâm sự thêm một lần nào nữa với ai, cho dù đó là những người bạn thân, cha mẹ, hay các anh chị hướng dẫn em trong hoạt động Đoàn.

Mọi việc thay đổi hoàn toàn khi Hồng Khanh quyết định nộp học bổng SCG Sharing the dream.

Khi được bạn bè giới thiệu, biết về quỹ học bổng của Tập đoàn SCG, em tìm hiểu và phát hiện đây là học bổng hỗ trợ giáo dục, trao cơ hội, tư vấn, giúp đỡ, đồng hành cùng các bạn sinh viên.

“Mình cũng tự hỏi: Liệu bản thân có xứng đáng với học bổng quý giá này? Mình chưa từng tự mãn cho rằng mình giỏi giang hay xứng đáng. Nhưng mình là cô gái sống có mục tiêu, hoài bão, và biết cố gắng để thực hiện 2 ước mơ mà mình hướng tới: cho gia đình và cho xã hội”.

Nhận thấy bản thân và Tập đoàn SCG có cùng điểm chung, đó là mong muốn mang lại nụ cười cho người khác, Hồng Khanh quyết định viết thư, làm hồ sơ xin tiếp sức từ học bổng SCG Sharing The Dream.

Trong buổi phỏng vấn, khi được hỏi “Kế hoạch giúp đỡ cho xã hội của em là gì?”, dường như có một sức mạnh và sự thúc đẩy thần kỳ, Hồng Khanh bắt đầu say sưa nói về ước mơ mở một trung tâm từ thiện.

Những day dứt về việc chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh, sự thông cảm và thấu hiểu với sự khó khăn của chính quyền khi giúp đỡ những người thiếu may mắn, kế hoạch xây dựng trung tâm từ thiện, hành trình giúp đỡ những người không nơi nương tựa được học nghề để họ có thể tự mưu sinh… đều được em trình bày với ban giám khảo.

May mắn mỉm cười, Hồng Khanh trở thành một trong 20 người được nhận học bổng. Em dành phần lớn học bổng để tích lũy, tiết kiệm cho việc thực hiện dự án nhà tình thương.

Nói về món học bổng này, Hồng Khanh khẳng định Tập đoàn SCG đã giúp em làm được 2 điều.

Một là hỗ trợ em về tài chính. Em sẽ cố gắng giữ kết quả học tốt để năm nào cũng nhận được học bổng này. Mẹ sẽ bớt những buổi bán hàng, cha cũng không cần quá vất vả làm việc để gửi tiền cho em.

Lòng tin, sự đồng hành, kết nối là những điều vô giá Khanh nhận được từ quỹ học bổng này.

Thứ hai, quan trọng hơn tất cả, học bổng này chính là một lời khẳng định: SCG tin tưởng và trân trọng ước mơ của Hồng Khanh, dù khó thực hiện và khác với mong muốn của phần lớn người trẻ khác.

“Vì mưu sinh, cả cha và mẹ đều rất vất vả. Mình thương đấng sinh thành nhưng cũng ít có cơ hội chia sẻ những kế hoạch, ý tưởng này. Ngoài ra, mình biết không phải ai cũng thấu hiểu và trân trọng những việc mà mình đã làm”.

Khi trao cho em học bổng này, SCG đã thay lời nói rằng có rất nhiều người đồng hành, giúp đỡ, cổ vũ Hồng Khanh thực hiện ước mơ, rằng mong muốn được trở về quê hương kế nghiệp cha của em là chính đáng, không hề lẻ loi trên bước đường phía trước, rằng ước mơ xây dựng một mái nhà cho những người vô gia cư và đáng trân quý. Đó mới là thứ có ý nghĩa lớn nhất, hơn cả ý nghĩa về mặt tiền bạc.

Lòng tin, sự đồng hành, kết nối là những điều vô giá Khanh nhận được từ quỹ học bổng này. Đầu tiên, ngay từ buổi phỏng vấn, khi em trình bày về việc xây dựng nhà tình thương, ánh mắt của các anh chị thuộc Tập đoàn SCG đã cho em biết em được lắng nghe, góp ý, chia sẻ. Chính những nhận xét, ủng hộ của SCG cho người trẻ càng khiến Khanh thêm nhiệt huyết và tâm huyết thực hiện ước mơ.

Cũng từ khi nhận được học bổng này, cô gái trẻ lại được mở rộng thêm một hiểu biết mới. Em được làm quen, trò chuyện, gặp gỡ với các anh chị thuộc tập đoàn SCG và 20 người bạn khác.

“Những buổi nói chuyện với mọi người cho mình cảm giác vui vẻ, và để mình biết rằng ngoài kia còn rất nhiều người có ước mơ, mục tiêu cuộc sống đáng quý. Mình phải biết trau dồi, cố gắng học hỏi, đồng thời biết trân trọng hơn những điều mình đang có, như gia đình, người thân, sức khỏe... Hơn tất cả, từ lòng tin của mọi người, nhất định mình phải thực hiện được ước mơ của mình”, Khanh quả quyết.

Kết thúc buổi trò chuyện với Zing.vn, Hồng Khanh vội vã trở về trường học. Em cho biết mình đang cố gắng trau dồi ngoại ngữ bên cạnh việc học tập kiến thức ở trường.

Biến những biến cố trong cuộc sống trở thành động lực, biến mọi cơ hội được trao tặng trở thành điểm tựa vững vàng, biến bản thân trở thành người mạnh mẽ và luôn giữ nụ cười trên môi, Hồng Khanh khiến những người gặp em có một niềm tin mãnh liệt: Cô gái nhỏ nhắn này sẽ làm được những điều thần kỳ.

Hà Anh - Giang Di Linh
Ảnh: Liêu Lãm Đồ họa: Ái Tân Luật

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/co-can-bo-doan-voi-uoc-mo-ve-que-tiep-tuc-nghe-in-khac-dau-cua-cha-post908745.html