Có cả vui và buồn cho bóng bàn nữ Việt Nam
Bóng bàn nữ Việt Nam lại trải qua một mùa giải vô địch quốc gia mà không có đột biến. Ngôi vô địch đơn nữ vẫn không đổi chủ khi cái tên Mai Hoàng Mỹ Trang được xướng tên trên bục vinh danh.
Đó là chức vô địch thứ 12 của tay vợt thành phố Hồ Chí Minh này kể từ năm 2004, một kỷ lục khó phá trong làng bóng bàn nữ Việt Nam. Vui vì kỷ lục cá nhân của Mai Hoàng Mỹ Trang nhưng cũng buồn cho bóng bàn nữ Việt Nam…
Đường thênh thang ở sân chơi quốc nội
Từ hơn chục năm nay, đặc biệt từ khi tay vợt kỳ cựu Ngô Thu Thủy (Hà Nội) nghỉ thi đấu, sự cạnh tranh trong làng bóng bàn nữ Việt Nam hầu như không đáng kể. Đó đơn thuần chỉ là sân chơi của Mai Hoàng Mỹ Trang với những tay vợt khác ở đẳng cấp thấp hơn hoặc có phong độ “khi mờ khi tỏ”.
Cũng có lúc Mai Hoàng Mỹ Trang phải nhận thất bại ở nội dung đơn nữ nhưng số lần thất bại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại, đều là những trận thắng dễ dàng hoặc lội ngược dòng bằng bản lĩnh, sự điềm tĩnh trong xử lý những tình huống có thể kết thúc ván đấu hoặc trận đấu. Nhờ đó, tay vợt 32 tuổi này đã giành tới 12 chức vô địch đơn nữ quốc gia. Đó cũng là thành tích vô tiền khoáng hậu trong làng bóng bàn nữ Việt Nam.
Diễn biến ở trận chung kết đơn Giải Bóng bàn toàn quốc – Báo Nhân Dân 2020 vừa qua càng cho thấy sự vững vàng của cô gái người thành phố Hồ Chí Minh này. Bị Nguyễn Thị Nga (Hà Nội) dẫn 1-3 và bị dẫn 6-9 ở séc 5 nhưng rồi cô vẫn lội ngược dòng để thắng ở séc này.
Chính séc thắng ấy đã khiến đối thủ của cô mất phương hướng để rồi thua luôn 2 séc sau đó. Còn Mai Hoàng Mỹ Trang lên ngôi vô địch, chức vô địch không khiến giới chuyên môn bất ngờ.
Cũng phải kể thêm, Nguyễn Thị Nga được xem là đối trọng lớn nhất của Mai Hoàng Mỹ Trang trong vài năm gần đây. Nguyễn Thị Nga từng không ít lần thắng Mỹ Trang ở nội dung đồng đội.
Thậm chí, ở Giải Bóng bàn toàn quốc tranh giải Báo Nhân Dân năm 2018, Nguyễn Thị Nga từng vượt qua Mai Hoàng Mỹ Trang với tỉ số 4-1 ở bán kết đơn nữ, rồi sau đó lên ngôi vô địch nội dung này. Thế nhưng điểm khác của Nguyễn Thị Nga với Mai Hoàng Mỹ Trang lại ở sự ổn định.
Cũng vì thế mà tay vợt Hà Nội này mới chỉ có 1 lần vô địch đơn nữ quốc gia dù có tiềm năng để giành nhiều hơn. Đáng chú ý, tiềm năng ấy của Nguyễn Thị Nga đã được thể thao Hà Nội nói chung và bóng bàn Hà Nội nói riêng khai thác với cả các chuyến tập huấn nước ngoài.
Trong khi đó, Mai Hoàng Mỹ Trang hầu như chỉ tập luyện trong nước. Và chỉ cần như vậy cũng đủ để cô dễ dàng lên ngôi vô địch quốc gia.
Nốt trầm cho bóng bàn Việt Nam
Rõ ràng, việc ít đi tập huấn nước ngoài mà vẫn lên ngôi vô địch quốc gia liên tục đã cho thấy tài năng của Mai Hoàng Mỹ Trang. Và cũng cho thấy cả sự chênh lệch về trình độ giữa các tay vợt nữ Việt Nam khác với tay vợt nữ số 1 Việt Nam này.
Ngoài Nguyễn Thị Nga cũng từng có một Nguyễn Thị Việt Linh của Bộ Công an được kỳ vọng sẽ tạo nên cuộc đổi ngôi trong làng bóng bàn nữ Việt Nam. Nhưng rồi Nguyễn Thị Việt Linh không thể làm được việc này dù đã từng vượt qua Mai Hoàng Mỹ Trang ở chung kết đơn nữ quốc gia năm 2012. Đó chỉ là một trong số ít lần chiến thắng của cô gái nguời Lạng Sơn trước Mỹ Trang. Còn lại là vô số thất bại trước đàn chị.
Ở Giải Bóng bàn toàn quốc tranh giải Báo Nhân Dân 2020 vừa qua, cả Việt Linh và Nguyễn Thị Nga đều trở lại sau 1 mùa giải vắng bóng. Cả hai đều vào nhóm 4 tay vợt hàng đầu nội dung đơn nữ trong đó Nguyễn Thị Nga vào chung kết.
Tất cả thêm một lần cho thấy lực lượng của bóng bàn nữ Việt Nam vẫn chưa có biến động đáng kể về trình độ. Những nhân tố mới vẫn chỉ ở dạng tiềm năng và chưa biết sẽ lên ngôi vô địch vào lúc nào nếu những đàn chị như Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Việt Linh, Phan Hoàng Tường Giang còn thi đấu.
Trong 4 tay vợt này, thậm chí Phan Hoàng Tường Giang còn đang đi làm ở ĐH Quốc gia Hà Nội và việc tập luyện không đến mức “tập sáng, tập chiều” như các đàn em. Chỉ đến khi chuẩn bị cho Giải vô địch quốc gia, cô gái này mới chuyên tâm tập luyện. Nhưng như vậy cũng đủ để cô vào bán kết đơn nữ mùa giải năm nay.
Việc này càng cho thấy sự chênh lệch thấy rõ giữa các tay vợt thuộc nhóm 4 tay vợt hàng đầu Việt Nam với phần còn lại. Còn riêng Mai Hoàng Mỹ Trang vẫn ở một đẳng cấp khác, đặc biệt về bản lĩnh với các tay vợt còn lại.
Nhưng vô đối trong nước là vậy, Mai Hoàng Mỹ Trang lại hầu không để lại dấu ấn ở đấu trường quốc tế, nhất là SEA Games. Không kể các tay vợt Singapore, Thái Lan, các tay vợt Malaysia cũng không ít lần khiến Mai Hoàng Mỹ Trang nhận thất bại. Cô mới chỉ giành 1 HCĐ đơn nữ ở SEA Games năm 2015 và chưa chắc đã cải thiện được thành tích này trước sự vươn lên mạnh mẽ của các tay vợt Thái Lan, sự trên tay của các tay vợt Singapore.
Cũng vì tương quan chênh lệch giữa các tay vợt Việt Nam, điển hình là Mai Hoàng Mỹ Trang, với các đồng nghiệp ở Đông Nam Á nên nhiều năm gần đây, Tổng cục TDTT cũng như Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam đều không giao chỉ tiêu giành HCV SEA Games cho bóng bàn nữ Việt Nam.
Cũng không ai dám chắc đến khi nào các tay vợt nữ Việt Nam có thể tự tin đặt chỉ tiêu vào chung kết đơn nữ SEA Games. Một Mai Hoàng Mỹ Trang với 12 chức vô địch quốc gia cũng không phải là điều gì ghê gớm khi bước ra sân chơi SEA Games.
Vì vậy, chỉ có thể trông vào sự đột phá của hệ thống đào tạo trẻ bóng bàn Việt Nam nhằm tạo ra nhiều tay vợt đủ sức cạnh tranh ngôi vô địch quốc gia và tranh chấp huy chương ở sân chơi SEA Games. Còn cứ như hiện nay thì “sao mai” có nhiều nhưng có thành “sao sáng” hay không vẫn là dấu hỏi.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/guong-mat-the-thao/co-ca-vui-va-buon-cho-bong-ban-nu-viet-nam-604755/