Cô bé 'kể chuyện'

Ngày 30/7/1967, gần 2.000 thợ mỏ, con em ngành Than lên đường vào chiến trường miền Nam tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, lấy tên chung là Binh đoàn Than. Mặc dù không phải là một phiên hiệu trong quân đội, nhưng cái tên Binh đoàn Than đã đi vào lịch sử…

Từng câu chữ trong cuốn sách Binh đoàn Than - Một thời ra trận của Hội Văn nghệ Dân gian Quảng Ninh phối hợp biên soạn, qua lối kể chuyện của Đinh Thu Trà, Liên đội trưởng Trường Tiểu học Yên Thanh (TP Uông Bí) trở nên thật sinh động, như rõ từng ánh mắt quyết tâm, từng dòng máu nóng nhiệt huyết, từng bước chân mạnh mẽ tiến về chiến trường miền Nam… của mỗi người chiến sĩ đặc biệt trong binh đoàn đặc biệt ấy.

Em Đinh Thu Trà bên góc bàn học quen thuộc của mình.

Em Đinh Thu Trà bên góc bàn học quen thuộc của mình.

Ở Trường Tiểu học Yên Thanh, Đinh Thu Trà được gọi là cô bé “kể chuyện”. Trà dạn sân khấu, có khiếu văn nghệ, đam mê biểu diễn, óc tổ chức tốt, khả năng học thuộc nhanh. Chính bởi vậy, ngay từ khi đi học Trà đã được cô giáo lựa chọn tham gia các hoạt động bề nổi. Càng lớn, khả năng hát, nói, kể, dẫn chuyện của Trà càng dày dạn, có chiều sâu, ứng xử tình thế tốt.

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Thư, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Thanh, cho biết: Trong trường hợp cần những tiết mục biểu diễn văn nghệ hay cần MC cho chương trình phát sinh đột xuất, thời gian chuẩn bị ngắn, Đinh Thu Trà luôn là người được lựa chọn. Chưa khi nào Trà ngần ngại khi được giao việc, tinh thần của em là hoàn thành cao nhất có thể và đa số đều cao hơn mong đợi của các thầy cô.

Có lẽ chính bởi vậy, Đinh Thu Trà là cái tên quen thuộc với nhiều sân chơi kể chuyện, MC lớn nhỏ. Ngoài việc thường xuyên dẫn chương trình hoạt động của lớp, của trường, Trà từng giành giải cao trong các cuộc thi kể chuyện theo sách cấp thành phố từ năm 2017 đến nay; cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ cấp tỉnh năm 2019, 2020; cuộc thi kể về cuốn sách tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2020…

Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Uông Bí Trần Nam Hải, cho biết: Nhiều lần làm khán giả của Trà, mới thấy cái hay của em chính là khả năng nhập tâm vào tiết mục, câu chuyện, sân khấu. Trên sân khấu, Trà biểu diễn hết mình, không bị tác động bởi bên ngoài. Điều này, ngoài năng khiếu và sự tự tin còn phải là đam mê, cảm xúc, tình yêu và khát vọng trong chính bản thân cô bé.

Đinh Thu Trà mơ ước sau này được nối nghề giáo viên của mẹ, chị Nguyễn Thị Huyền.

Động lực để Đinh Thu Trà có thể đạt được kết quả trên, một phần nhờ năng khiếu bẩm sinh, một phần được tham gia học hỏi từ các khóa học kỹ năng sống, nhưng điều quan trọng là Trà được hun đúc cảm xúc từ trong chính môi trường gia đình mình. Mẹ của Trà là cán bộ quản lý trường học, bố em là công nhân vùng than Vàng Danh, đặc thù công việc mỗi người mỗi khác, nhưng bố mẹ em luôn dành thời gian để chăm sóc gia đình. Chị gái Trà đang học cấp III, cũng dành tình yêu cho các hoạt động văn hóa văn nghệ và luôn là địa chỉ để cô em học hỏi kinh nghiệm bất cứ lúc nào.

Có lẽ cũng từ niềm đam mê kể chuyện, dẫn chuyện, đam mê được truyền đạt những gì mình thấy hay, thấy quý đến mọi người, trên hết đó là tình yêu của Trà dành cho mẹ, một nhà giáo, nên Đinh Thu Trà dành tình cảm đặc biệt cho nghề giáo viên. Trà tâm sự, em mơ ước sau này lớn lên sẽ theo nghề của mẹ, sẽ cố gắng hết mình để dạy bảo những lứa học sinh chăm ngoan, luôn làm điều tốt đẹp cho gia đình và xã hội như mẹ em làm bây giờ.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/co-be-ke-chuyen-2919357.html