Có bao nhiêu cấp độ tự hành của xe tự lái?

VinFast vừa giới thiệu ba mẫu xe mới, gồm VF31, VF32, VF33, đều là xe tự lái (self-driving car) và được công bố có thể đạt cấp độ 2 và 3, thậm chí cấp độ 4 (chuẩn SAE). Vậy các cấp độ xe tự hành được hiểu như thế nào?

Mẫu ô tô điện VinFast VF33 được công bố có đủ trang bị đạt tới khả năng tự hành cấp độ 3, và một số tính năng của cấp độ 4.

SAE viết tắt của tên gọi Hiệp hội Kỹ sư ô tô (Society of Automotive Engineers) của Mỹ. Hiệp hội ra đời năm 1905, với các nhà sáng lập tên tuổi như Henry Ford (người sáng lập Ford) và nhà phát minh Thomas Edison. Hơn một thế kỷ qua, đây là tổ chức phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật, không chỉ cho ngành công nghiệp ô tô mà cả các ngành khác, trong đó có hàng không vũ trụ. Các bộ tiêu chuẩn của SAE cũng được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Tới nay, SAE phân công nghệ tự lái của ô tô thành 6 cấp, với chức năng khác nhau, gồm:

Tự lái cấp độ 0: Hoàn toàn không có khả năng tự xử lý tình huống

Ở cấp độ này, chiếc xe không có khả năng tự động với bất kì chức năng lái nào. Tài xế chịu trách nhiệm cho tất cả các thao tác vận hành.

Cấp độ 1: Hỗ trợ tài xế

Xe có khả năng tự động trong một số chức năng tại những thời điểm nhất định, phổ biến hiện nay là cảnh báo lệch làn, giữ duy trì làn đường, kiểm soát hành trình thích ứng hoặc phanh tự động, nhưng không kết hợp hai hoặc nhiều trong số các nhiệm vụ này. Tài xế vẫn cần làm mọi việc để kiểm soát xe. Hầu hết các loại ô tô cao cấp ra mắt trong vòng 1 năm trở lại đây đều hỗ trợ đầy đủ các chức năng của tự lái cấp độ 1.

Cấp độ 2: Tự động hóa một phần

Bằng cách kết hợp hai hoặc nhiều tính năng hỗ trợ người lái tiên tiến như tự động cảnh báo chệch làn, duy trì làn đường và phanh hoặc chuyển hướng và tăng tốc, xe có thể chủ động hơn trong xử lý một số tình huống. Mặc dù tài xế có thể vận hành mà không phải chú ý nhiều ở cấp độ này, nhưng vẫn luôn phải “cảnh giác” để tham gia và sẵn sàng can thiệp kiểm soát. Tới nay, nhiều xe ô tô đã hỗ trợ tự lái cấp độ 2, chủ yếu là xe sang cao cấp của Tesla, Mercedes-Benz, GM Volvo...

Cấp độ 3: Tự động hóa có điều kiện

Thường được gọi là chế độ “không cần nhìn đường”, cấp độ tự động thứ 3 theo chuẩn SAE cho phép người lái rảnh mắt làm những việc khác, như xem điện thoại di động hay máy tính bảng... Ở tốc độ dưới 60km/h, xe tự lái cấp độ 3 thường không yêu cầu sự can thiệp của con người. Nhiều nhà sản xuất luôn quy định rõ ràng những tình huống cần sự can thiệp của con người đối với xe tự lái cấp độ 3 mà họ bán ra thị trường.

Cấp độ 4: Tự động hóa ở mức cao

Ở cấp độ 4, xe có thể tự chuyển hướng, phanh hoặc tăng tốc, thậm chí tránh vật cản thông qua việc liên tục giám sát tình trạng đường. Do cho phép người lái có thể nghỉ, ngủ nếu muốn, cơ chế tự lái cấp độ 4 chỉ có thể được kích hoạt trên các cung đường ở tình trạng hoàn hảo, đảm bảo xe có thể giảm tốc và dừng đỗ an toàn khi cần.

Khoang lái tối giản của Honda e – xe điện với khả năng tự hành có thể đạt tới cấp độ 4.

So với cấp độ 3, cấp độ 4 không hoàn toàn là sự “lên đời”, mà tối ưu hơn cho điều kiện đường cao tốc, liên tỉnh, do đó, phản ứng kém hơn trong các tình huống giao thông phức tạp (như đô thị đông người). Hiện nay, Waymo (của Google) là dự án điển hình tập trung phát triển cơ chế tự lái cấp độ 4.

Cấp độ 5: Tự động hóa toàn diện

Đây là cấp độ cao nhất, thể hiện chiếc xe tự lái theo đúng nghĩa, có thể vận hành tự động trong mọi tình huống và điều kiện mà không cần con người can thiệp. Tài xế có thể thoải mái thư giãn, ngủ hoặc làm những việc mình thích khi chiếc xe lưu thông. Ở cấp độ này, ô tô thậm chí không còn một số trang bị như tay lái, chân ga, chân phanh. Trí tuệ nhân tạo đóng vai trò chính trong việc xử lý các tình huống dựa trên dữ liệu do hàng trăm cảm biến đưa về (khoảng 4 terrabyte mỗi giờ trong điều kiện đường lý tưởng).

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/oto-xemay/989399/co-bao-nhieu-cap-do-tu-hanh-cua-xe-tu-lai