'Có bao nhiêu cán bộ bị xử lý vì 'tham nhũng vặt'?

'Làm sao để không dám tham nhũng vặt? Thời gian qua, việc xử lý hành vi này chưa đủ sức răn đe. Đếm ra có bao nhiêu cán bộ bị xử lý về hành vi này?'

Chiều 12/9, trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực.

Ủy ban Tư pháp cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng đang từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, trong thời gian tới, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, “tham nhũng vặt” vẫn chưa bị đẩy lùi.

Đáng lưu ý, khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn, “lợi ích nhóm”, “sân sau” thì loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra. (ảnh: Quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra. (ảnh: Quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, Chính phủ cần nhận diện rõ tình trạng “tham nhũng vặt” tập trung ở những ngành, lĩnh vực nào để có giải pháp phòng, chống phù hợp.

“Cần xác định rõ trách nhiệm của các Bộ trưởng, trưởng ngành trong việc để xảy ra tình trạng “tham nhũng vặt” thuộc lĩnh vực mình phụ trách” – bà Nga nói.

Cho ý kiến vào báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, chưa bao giờ các vấn đề liên quan đến tham nhũng vặt được quan tâm, nhận diện, đặc biệt chú trọng giải quyết, được nâng lên một bước như trong thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10 quy định, nhận diện rõ ràng thế nào là nhũng nhiễu, vòi vĩnh, trong đó đưa ra trách nhiệm của người đứng đầu trong đơn vị, cơ quan nếu xảy để ra hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Sau đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến để triển khai tới 63 tỉnh, thành. Hiện nay, các tỉnh thành cũng đã lên kế hoạch triển khai Chỉ thị số 10.

“Những vụ việc tham nhũng lớn hay tập trung ở một nhóm người, một số quan chức, hay một nhóm người ở một số ngành nghề có lợi ích. Nhưng tham nhũng vặt ảnh hưởng tới tất cả các ngành, các lĩnh vực, mọi người dân có thể giám sát, nhận thấy tác động của nó hàng ngày, hàng giờ khi thực hiện các thủ tục hành chính” – bà Hải nói.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải (Ảnh: Quochoi.vn)

Nói về giải pháp làm sao không thể tham nhũng vặt, Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, các hệ thống văn bản pháp luật cần phải chặt chẽ. Đặc biệt là các văn bản hướng dẫn nội quy, quy định của các cơ quan, đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu rà soát để không xuất hiện lỗ hổng, biểu hiện xin-cho, quyền anh-quyền tôi, cấp nọ, cấp kia gây nhiều tiêu cực, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân.

“Làm sao để không dám tham nhũng vặt. Thời gian qua, việc xử lý hành vi này chưa đủ sức răn đe. Đếm ra có bao nhiêu cán bộ bị xử lý về hành vi tham nhũng vặt...? Số này chưa có nhiều. Có phải vì vậy mà tình trạng tham nhũng vặt vẫn còn tràn lan" - bà Hải nói và nhấn mạnh với quyết tâm của các cơ quan tư pháp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giám sát của người dân, hành lang pháp lý đầy đủ thì tham nhũng vặt trong thời gian tới sẽ được đẩy lùi, làm cho người dân tin tưởng vào công cuộc phòng chống tham nhũng./.

Kim Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/co-bao-nhieu-can-bo-bi-xu-ly-vi-tham-nhung-vat-955031.vov