Có bằng chứng bị bạo hành, phụ nữ Trung Quốc vẫn khó ly hôn

Tư tưởng trọng nam khinh nữ, sự tắc trách của cán bộ ngành hay luật lệ lỏng lẻo khiến nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình ở Trung Quốc đã khổ càng thêm khó.

Một người đàn ông đánh vợ, vừa kéo tóc cô lôi đi xung quanh vừa la hét. Thoạt nhìn, cảnh tượng do Liu Zengyan, người vợ trong video được ghi lại, đăng tải trên mạng không phải là hiếm thấy ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, những gì xảy ra tiếp theo trong video thật sự gây sốc. Liu nhảy từ tầng hai xuống đất. Cô bị gãy 9 chiếc xương, hiện đã hồi phục phần nào song vẫn phải sử dụng xe lăn. Sự việc xảy ra vào tháng 8 năm ngoái ở một huyện của tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông, Liu cho biết cô nhảy lầu không phải muốn tự tử mà để trốn chồng khi anh ta đe dọa giết cô.

Tuy nhiên, tòa án huyện không chấp thuận yêu cầu ly hôn của Liu. Tuyệt vọng, cô đăng đoạn phim được ghi lại bởi camera an ninh cửa hàng quần áo, nơi cô bị bạo hành, lên mạng xã hội WeChat.

Hoàn cảnh của cô thu hút sự chú ý và đồng cảm của dân mạng. Vụ việc cũng tạo ra các cuộc thảo luận sôi nổi về lý do bạo lực gia đình lại phổ biến ở Trung Quốc và việc nạn nhân ly hôn không hề dễ dàng.

 3 cô gái xuống đường biểu tình ở Bắc Kinh, Trung Quốc trong trang phục váy cưới để phản đối nạn bạo lực gia đình.

3 cô gái xuống đường biểu tình ở Bắc Kinh, Trung Quốc trong trang phục váy cưới để phản đối nạn bạo lực gia đình.

Luật hôn nhân ở Trung Quốc quy định rõ rằng bạo lực gia đình là lý do hợp lý để ly hôn. Nếu một cặp vợ chồng quyết định tự thỏa thuận ly hôn, mọi chuyện diễn ra đơn giản. Tuy nhiên, nếu họ kéo nhau ra tòa, thẩm phán hầu như luôn từ chối yêu cầu ly hôn đến từ phía người vợ, khiến nhiều phụ nữ gặp khó khăn.

Ở Trung Quốc, hôn nhân được coi là nền tảng của sự ổn định xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ ly hôn vẫn tăng đều. Năm 2003, khi lần đầu tiên chính phủ cho phép ly hôn theo sự thỏa thuận của cả hai, 1,3 triệu cặp vợ chồng đã chia tay nhau. Năm ngoái, số cặp vợ chồng "đường ai nấy đi" là 4,15 triệu.

Trước tình hình đó, vài tháng trước, chính phủ đất nước tỷ dân yêu cầu các cặp vợ chồng muốn hoàn tất thủ tục ly hôn sẽ phải trải qua quá trình kéo dài 30 ngày để suy xét lại quyết định của mình.

Quy định này khiến việc ly hôn ngày càng trở nên khó khăn. Đặc biệt, những phụ nữ bị bạo hành sẽ mắc kẹt lâu hơn với kẻ vũ phu.

Cuộc khảo sát do Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc thực hiện vào năm 2011 cho thấy 24,7% phụ nữ phải sống trong tình cảnh hôn nhân bạo lực, các nhà nữ quyền tin rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều.

Dưới áp lực từ các nhóm phụ nữ cũng như nhà hoạt động nữ quyền, Trung Quốc đã coi trọng vấn đề bạo hành gia đình trong những năm gần đây. Năm 2015, luật chống bạo lực gia đình đầu tiên được thông qua và có hiệu lực 1 năm sau đó.

Thách thức

4 năm trôi qua, những thách thức về vấn đề này vẫn còn không ít. Chính phủ nước này chưa có các hướng dẫn thực hiện toàn diện, dẫn đến việc định nghĩa bạo hành gia đình còn mơ hồ.

Một vấn đề lớn khác là sự thiếu nhận thức và năng lực của những người làm công tác tuyến đầu. Nếu không được đào tạo phù hợp, các sĩ quan cảnh sát, thẩm phán và nhân viên từ ủy ban khu phố hoặc Liên đoàn Phụ nữ có xu hướng coi bạo lực gia đình là vấn đề nhỏ, cần được giải quyết trong nội bộ gia đình.

Tư tưởng cổ hủ, lạc hậu ở nhiều vùng tại Trung Quốc là nguyên nhân khiến bạo lực gia đình còn tồn tại dai dẳng.

Năm 2010, sau nhiều lần bị ngược đãi, Li Yan (Tứ Xuyên, Trung Quốc) đã giết chồng mình và bị tuyên án tử hình một năm sau đó. Tuy nhiên, năm 2014, tòa án ở tỉnh Tứ Xuyên đã ra lệnh tái thẩm. Trước khi sự việc xảy ra, Li đã nhiều lần cầu cứu cảnh sát, ủy ban khu phố và Liên đoàn Phụ nữ nhưng đều không được hỗ trợ.

Trong trường hợp của Liu, cô cũng không nhận được sự thông cảm từ cảnh sát và bị tòa bác yêu cầu ly hôn. May mắn là cô đã đủ tỉnh táo để đăng đoạn video bằng chứng lên mạng, thu hút sự chú ý của truyền thông, tạo áp lực lên tòa án. Vài tuần sau hành động đó, vụ ly hôn của cô được chấp thuận.

Theo nhà bình luận xã hội Lijia Zhang, gốc rễ của vấn đề này nằm ở sự chênh lệch quyền lực giữa hai giới và quan niệm phong kiến đã ăn sâu vào văn hóa Trung Quốc. Hệ tư tưởng Nho giáo thống trị đất nước này trong nhiều thế kỷ coi phụ nữ là kẻ thấp kém. Nhiều đàn ông vẫn tin rằng vợ là tài sản của họ.

Ngoài ra, quan điểm cho rằng ly hôn tạo ra sự ô nhục hoặc thất bại là phong kiến và lỗi thời. Trung Quốc cần đào tạo những người làm việc trong hệ thống pháp luật để giải quyết tốt hơn các khiếu nại về bạo hành gia đình. Từ chối yêu cầu ly hôn của một người phụ nữ bị vùi dập là khuyến khích bạo lực gia đình.

Đặc biệt, người dân phải loại bỏ các tư tưởng phong kiến, trọng nam khinh nữ, nâng cao nhận thức về vấn đề này.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-bang-chung-bi-bao-hanh-phu-nu-trung-quoc-van-kho-ly-hon-post1134170.html