Cơ bản thống nhất chủ trương bỏ sổ hộ khẩu

Chiều 16-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Trong đó, các ý kiến cơ bản thống nhất thay thế hình thức quản lý dân cư thông qua sổ hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân.

Phát biểu tại nghị trường, đa số đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành luật. Bên cạnh đó, để dự thảo luật có tính khả thi, hiệu quả cao khi ban hành, các đại biểu Lê Quang Trí (Đoàn Tiền Giang), Ngàn Phương Loan (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp mã số định danh cá nhân. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp mã số định danh cá nhân và dự kiến đến tháng 12-2020 sẽ hoàn thành việc này trên toàn quốc. Trong khi đó, việc đầu tư, bố trí kinh phí cho hoạt động này còn hạn chế nên quá trình triển khai gặp không ít vướng mắc... Do đó, các đại biểu đề nghị cần có giải pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn, bảo đảm hoàn thành việc cấp mã số định danh cá nhân cho khoảng 78 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra.

Đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) và một số đại biểu cho rằng, khi chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú thông qua mã số định danh cá nhân, bỏ sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách, quy định về hộ gia đình cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân. Do đó, cần xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế các sổ này trong việc chứng minh quan hệ hộ gia đình, xác định quan hệ nhân thân, giải quyết thủ tục hành chính để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.

Các đại biểu cũng cho rằng, cần xem xét xây dựng lộ trình thực hiện công nhận giá trị sử dụng của sổ hộ khẩu song song với mã số định danh cá nhân trong thời gian nhất định.

Đại biểu Triệu Thị Huyền (Đoàn Yên Bái) cho rằng, đối với các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo luật mới quy định việc cấm đồng ý cho người khác đăng ký cư trú vào nơi ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký cư trú không sinh sống tại khu vực đó. Quy định này chưa điều chỉnh đối với người có hành vi gửi người thân trong gia đình của mình đăng ký cư trú và chỗ ở của người khác vì lợi ích nào đó.

“Đề nghị ban soạn thảo bổ sung nội dung về các hành vi bị nghiêm cấm bảo đảm tính chặt chẽ, đủ sức răn đe đối với các hành vi gian dối trong đăng ký cư trú”, đại biểu Triệu Thị Huyền nói.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trước mắt, khoảng 50 triệu người dân (từ 14 tuổi trở lên) cần được cấp ngay căn cước công dân mới, Bộ Công an bảo đảm trong hơn 1 năm (từ nay đến ngày 1-7-2021) sẽ hoàn thiện công tác này. Về mã số định danh cá nhân, hiện có khoảng 80 triệu người đã được thu thập thông tin và đưa vào hệ thống thông tin dữ liệu công dân.

Về 167 văn bản pháp luật có liên quan đến sổ hộ khẩu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, một số nội dung sẽ hết hiệu lực thi hành sau khi sửa đổi Luật Cư trú, đồng thời, một số nội dung khác sẽ được Bộ Công an đề xuất với Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh để tạo thuận lợi cho người dân.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đã có 16 đại biểu phát biểu ý kiến tại hội trường, cơ bản thống nhất về việc sửa đổi toàn diện Luật Cư trú. Đồng thời, các đại biểu cũng hoan nghênh việc thay thế quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu sang mã số định danh cá nhân. Sau phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ mười vào cuối năm nay.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/970248/co-ban-thong-nhat-chu-truong-bo-so-ho-khau