Cơ bản kiểm soát tình hình nhập khẩu phế liệu

Sau một thời gian căng thẳng khi phế liệu ồ ạt NK, trong đó có cả những hành vi lợi dụng để đưa chất thải, hàng cấm vào Việt Nam, đến nay tình hình NK phế liệu đã dần ổn định, lượng phế liệu tồn đọng đang giảm dần tại cảng biển. Điều đó cho thấy những chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc tích cực, chủ động của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã mang lại kết quả.

Phế liệu NK tại cảng Hải Phòng. Ảnh: N.Linh.

Phế liệu NK tại cảng Hải Phòng. Ảnh: N.Linh.

Kịp thời kiểm soát tình hình

Trở lại thời điểm năm 2018, tình hình phế liệu NK gia tăng đột biến trong do tác động từ chính sách thương mại của Trung Quốc cũng như sự lợi dụng cơ chế chính sách để gian lận của một số DN. Qua theo dõi, số lượng phế liệu NK năm 2017 tăng gấp hơn 2 lần so với khối lượng phế liệu NK trong năm 2016. Trong đó, khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy và xỉ hạt nhỏ là những loại phế liệu có khối lượng tăng từ 200% đến 400% so với tổng khối lượng NK năm 2016. Đặc biệt trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu NK tăng đột biến gần 200% so với cả năm 2017.

Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường kiểm soát trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao cũng như tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ một số chính sách quan trọng, cấp bách (Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018, các công văn số 13151/BTC-TCHQ, 12736/BTC-TCHQ, 12735/BTC-TCHQ, 12957/BTC-TCHQ) nhằm mục tiêu không để Việt Nam trở thành “bãi rác” của thế giới.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát mạnh, đúng trọng điểm, đảm bảo đúng quy định pháp luật (trong đó chú trọng ngăn chặn tối đa ngay từ khi hàng chưa vào đến lãnh thổ Việt Nam kết hợp với các biện pháp tăng cường kiểm tra trong, sau thông quan, điều tra khởi tố các vụ việc trọng điểm), thời gian qua việc nhập lậu phế thải, phế liệu và hàng hóa có đặc trưng phế liệu không đủ điều kiện về bảo vệ môi trường đã được ngăn chặn hiệu quả; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các DN làm ăn chân chính NK nguyên liệu đủ điều kiện làm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Trước sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan Hải quan, nhiều DN có dấu hiệu trốn tránh, không làm thủ tục hải quan dẫn đến việc đến cuối năm 2018 có khoảng 19.000 container vẫn đang được lưu giữ tại các cảng biển, trong đó hơn 9.000 container đã tồn đọng trên 90 ngày. Tổng cục Hải quan tích cực tham mưu cho Bộ Tài chính phối hợp với các bộ liên quan để giải quyết lượng hàng tồn đọng, giải phóng không gian cho cảng.

Cho đến nay, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phế liệu lưu giữ tại một số cảng biển Việt Nam đang giảm dần. Nếu như tại thời điểm cuối tháng 2/2019 số container khai báo trên E-manifest là phế liệu hiện lưu giữ tại cảng biển khoảng 21.600 cont (giảm 2.600 cont so với tháng trước), trong đó số lượng lưu giữ tại cảng dưới 30 ngày khoảng 6.200 cont; số lượng tồn đọng (lưu giữ trên 90 ngày) khoảng 9.600 cont (giảm hơn 200 cont so với tháng trước), thì cuối tháng 3/2019, số cont tồn đọng khai báo trên E-manifest là phế liệu hiện lưu giữ tại cảng biển khoảng 17.200 cont (giảm khoảng 4.400 cont so với tháng trước); số lượng tồn đọng (lưu giữ trên 90 ngày) là 9.500 cont.

Tính đến cuối tháng 4/2019, số cont khai báo trên E-manifest là phế liệu hiện lưu giữ tại cảng biển là khoảng 14.500 cont (giảm khoảng 2.700 cont so với tháng trước), trong đó số lượng tồn đọng (lưu giữ trên 90 ngày) khoảng 8.900 cont (giảm 600 cont so với tháng trước. Như vậy, sau khi các bộ, ngành, cơ quan Hải quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc thì hàng hóa tồn đọng hiện nay có xu hướng giảm.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đủ điều kiện

Đến nay, nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho DN đủ điều kiện NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, đồng thời, ngăn chặn các hành vi gian lận, lợi dụng NK phế liệu để đưa chất thải vào Việt Nam, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 2188/TCHQ-GSQL ngày 16/4/2019 hướng dẫn cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thống nhất. Trong đó, hướng dẫn các đơn vị áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa khi hàng hóa vẫn còn trên tàu đối với chất thải, phế liệu không đáp ứng điều kiện NK không cho dỡ hàng xuất cảng hoặc đưa vào lãnh thổ Việt Nam; căn cứ vào kết quả kiểm tra, giám định của đơn vị giám định độc lập được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định tổ chức giám định chất lượng phế liệu NK để thực hiện việc thông quan các lô hàng phế liệu NK theo quy định của pháp luật; người khai hải quan được lựa chọn địa điểm kiểm tra phế liệu NK và làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập hoặc cơ quan Hải quan nơi có nhà máy sử dụng phế liệu NK.

Ngoài ra, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đang phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố xây dựng Quy chế phối hợp kiểm soát phế liệu NK để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc cụ thể hóa, cá thể hóa trách nhiệm của các bộ, ngành, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, kiểm soát phế liệu. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh thành phố xây dựng phương án xử lý hàng hóa tồn đọng khai báo trên manifest là phế liệu tại cảng biển.

N.Linh

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/co-ban-kiem-soat-tinh-hinh-nhap-khau-phe-lieu-105693.html