'Cô ba Sài Gòn' và vấn đề vi phạm bản quyền

LTS: Dư luận đang dồn sự quan tâm vào bộ phim 'Cô Ba Sài Gòn' không chỉ bởi giá trị nội dung mà còn là vấn đề pháp lý liên quan đến hành vi livestream lên của một thanh niên 19 tuổi ở Bà Rịa Vũng Tàu. Vụ việc liêu có làm nên một 'mùa xuân' để báo hiệu một bình minh mới cho vấn đề tôn trọng bản quyền ở Việt Nam?

Kỳ I: NGÀNH CÔNG NGHIỆP SÁNG TẠO CỦA VIỆT NAM “ĐIÊU ĐỨNG” VÌ VI PHẠM BẢN QUYỀN

Bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh nói riêng và ngành công nghiệp sáng tạo nói chung ở Việt Nam những năm qua như một bức tranh màu tối. Tình trạng vi phạm tràn lan, phổ biến và đặc biệt là thái độ dửng dưng, xem vi phạm là bình thường của hầu hết đại bộ phận công luận. Sự kiện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam với giá trị định giá thương hiệu bằng 0 vừa qua là một nỗi đau của không ít các diễn viên, nghệ sĩ và cả người yêu điện ảnh Việt.

“Cô Ba Sài Gòn” như giọt nước tràn ly cho vấn đề vi phạm Sở hữu trí tuệ (Ảnh facebook của phim)

“Cô Ba Sài Gòn” như giọt nước tràn ly cho vấn đề vi phạm Sở hữu trí tuệ (Ảnh facebook của phim)

Trần ai vi phạm bản quyền

Khi mà internet chưa bùng nổ tại Việt Nam, ngành công nghiệp giải trí phải đối mặt với những thách thức lớn như sao in đĩa lậu, làm các tác phẩm phái sinh, cắt, ghép, trích đoạn và bán các loại hình thức nhạc chuông, nhạc chờ… hay tải lên mạng để bán quảng cáo. Năm 2010, Trung tâm Thúy Nga – đơn vị nổi tiếng với các ấn phẩm giải trí Paris by Night, đã phải lên tiếng sắp đóng cửa vì nạn DVD lậu. Các hình thức vi phạm bản quyền lại càng phổ biến hơn khi người ta dễ dàng sử dụng các tính năng của các mạng xã hội để thực hiện các hành vi sao chép, khai thác tác phẩm, phân phối hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng một cách “vô tư” bất chấp lời cảnh báo của chủ sở hữu. Hành vi livestream là một điển hình. Rất nhiều bộ phim điện ảnh khác của Việt Nam được tải trái phép lên mạng như “Cánh đồng bất tận”, “Để mai tính”, “Chàng trai năm ấy”… Chỉ tính riêng năm 2017 này, phim “Kong: Skull Island”, chỉ một ngày sau khi công chiếu tại Việt Nam, phim đã bị quay trộm và tung lên mạng khiến đại diện Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ đã phải sang Việt Nam làm việc với các cơ quan chức năng…

Ý thức thiếu tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ làm cho Việt Nam mất đi nhiều cơ hội đầu tư, nhiều dòng vốn ngoại, nhiều sân chơi mới nơi mà quyền sở hữu trí tuệ của họ được thực thi và tôn trọng.

Có thể thấy, với hàng trăm website công chiếu phim lậu, với Facebook, với Youtube… nền điện ảnh Việt Nam với thị trường nhỏ hẹp lại càng trở nên “điêu đứng” hơn. Biết bao sẻ chia, biết bao góp ý, nhưng dường như suốt gần chục năm qua kể từ khi Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009 có hiệu lực, vấn nạn này vẫn chưa bao giờ được giải quyết một cách thỏa đáng.

Hệ lụy trên diện rộng

Nếu như ngành công nghiệp sáng tạo ở các quốc gia tôn trọng bản quyền đã phát triển rực rỡ và đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế thông qua mua bán bản quyền, như Hàn Quốc, Mỹ... thì ở Việt Nam, ngành công nghiệp sáng tạo chưa được định nghĩa, chưa được khoanh vùng, và chưa phát triển trên nền tảng bất di bất dịch của nó là “quyền sở hữu trí tuệ”.

Các nhà đầu tư, kinh doanh sản phẩm trí tuệ, đặc biệt là các hãng phim, không thể tồn tại lâu dài vì để đầu tư cho ra mắt một bộ phim, phải hội tụ công sức của hàng trăm người, hàng năm trời, nhưng rồi giá trị thương mại lại vô cùng ngắn ngủi, chỉ vài tháng, vài năm. Và sự ra đi của hãng phim truyện Việt Nam cũng là một kết quả tất yếu cho sự đi xuống của nền điện ảnh nước nhà vì vấn đề quyền sở hữu trí tuệ không được chú trọng.

Giọt nước tràn ly

Cô Bà Sài Gòn có lẽ là một giọt nước tràn ly cho sự nhẫn nhịn và chịu đựng của những người làm phim Việt. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã mạnh dạn khởi xướng phong trào “Nói không với livestream trong rạp” và được giới nghệ sĩ, người sáng tạo ủng hộ mạnh mẽ. Cái giá của sự thiệt hại đối với hành vi vi phạm của nam thanh niên 19 tuổi NVT đối với nhà sản xuất Ngô Thanh Vân có thể là không lớn vì phía Ngô Thanh Vân đã xử lý vi phạm kịp thời và triệt để. Nhưng, cái giá của niềm tin, của công lý, thì quá đắt và có lẽ vì vậy mà Ngô Thanh Vân đã quyết định đấu tranh đến cùng cho hành vi livestream này.

Việt Nam sẽ không thể đi một con đường dài, nếu như ngành công nghiệp sáng tạo không được đầu tư phát triển. Những nỗ lực của Chính phủ trong việc ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế đa phương, song phương về sở hữu trí tuệ như Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP)… đã từng bước thiết lập luật chơi với quốc tế. Nhưng điều đó cần được thực thi nhằm tạo một tiền đề vững chắc cho ngành công nghiệp sáng tạo phát triển và đóng góp vào sự đi lên của kinh tế nước nhà.

Luật sư Đậu Thị Quyên - Giám đốc điều hành Trung tâm quản trị tài sản trí tuệ VN (VIPMAC)

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/co-ba-sai-gon-va-so-huu-tri-tue-ky-i-nganh-cong-nghiep-sang-tao-cua-viet-nam-dieu-dung-vi-vi-pham-ban-quyen-120730.html