Có 5 dấu hiệu này, bạn đang ngồi quá nhiều, không vận động bệnh tật sẽ sớm 'kéo đến'

Cuộc sống bận rộn và áp lực khiến con người ít quan tâm đầy đủ đến sức khỏe. Mặc dù chưa phải là bệnh tật phát sinh nhưng nếu xuất hiện những triệu chứng sau đây, bạn nên biết rằng cơ thể cần vận động tích cực hơn.

Chống đẩy một cái cũng không nổi

Chống đẩy là một loại vận động phổ biến và là một trong những hạng mục có tác dụng giúp nâng cao khả năng cân bằng cho cơ thể. Mặc dù, hầu như ai cũng biết cách chống đẩy nhưng không phải ai cũng thực hiện được.

Động tác chống đẩy có hiệu quả rèn luyện cho cánh tay, lưng, vai và cả các cơ tim, chỉ cần mỗi lần có thể thực hiện từ 5 đến 10 lần cũng chứng tỏ thân thể bạn khá lý tưởng. Ngoài ra, tùy độ tuổi và tình trạng sức khỏe mà có những tiêu chuẩn khác nhau, nhưng nếu bạn ngay cả một lần chống đẩy cũng không đủ sức thì báo động cơ thể cần vận động tích cực hơn.

Nhịp tim tăng nhanh phải cần thời gian rất dài mới hồi phục lại bình thường

Khi chúng ta hoạt động, tùy theo mức độ, cường độ của vận động đó mà nhịp tim sẽ ít nhiều tăng lên so với bình thường. Điều này cũng chứng tỏ các bộ phận trên cơ thể được bổ sung đầy đủ oxi, mỗi phút nhịp tim có thể đạt đến 130 - 160 lần.

Sau khi vận động dừng lại, nhịp tim sẽ giảm xuống và dần dần khôi phục tốc độ bình thường. Khi cơ thể khỏe mạnh, chỉ cần vài phút nghỉ ngơi thì nhịp tim sẽ ổn định, nhưng nếu bạn đã dừng hoạt động rất lâu mà nhịp tim vẫn đập nhanh thì cần chú ý, có thể chức năng tim phổi bị suy yếu.

Vòng eo trông thô một cách rõ rệt

Khi phát hiện vòng eo trở nên tăng kích thước rõ ràng và thô kệch thì chứng tỏ mỡ thừa đã tích lũy quá nhiều, dù có thể vóc dáng toàn thân của bạn chưa phải gọi là béo phì nhưng vẫn cần cảnh giác các nguy cơ bệnh tật như tiểu đường, bệnh tim, gan nhiễm mỡ, bệnh thận v.v…

Vì vậy, ngoài vấn đề thăm khám để tìm nguyên nhân của bệnh tật thì bạn nên sắp xếp lại lịch vận động tích cực hơn, một mặt có thể cải thiện lại thể trọng, mặt khác tăng cường sức đề kháng cho cơ thể tốt hơn.

Thở hổn hển bất thường sau khi leo cầu thang

Dù người bình thường khỏe mạnh thì sau khi leo cầu thang bộ cũng khó tránh thở dốc, tuy nhiên nếu tình trạng này nghiêm trọng đến mức thở hổn hển, thậm chí là cảm thấy khó thở thì chứng tỏ chức năng tim phổi và sức bền của hai chân đã rất kém, cần có chế độ rèn luyện thân thể hợp lý hơn.

Ban đầu cường độ luyện tập không cần quá lớn, mỗi ngày vận động khoảng 30 phút như chạy bộ chậm, đạp xe v.v… là tương đối thỏa đáng, mỗi tuần thực hiện 3 đến 4 lần. Trước khi tập cần phải “làm nóng” cơ thể và chú ý điều chỉnh cho phù hợp với sức khỏe của mình. Dần dần bạn có thể tăng cường độ lẫn tốc độ của các bài tập lên.

Lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi

Bất kể là những lúc rảnh rỗi không hề phải làm việc chân tay hay trí não mà bạn vẫn luôn thấy mệt mỏi, không có sức lực và vô cùng lười hoạt động thì đây chính là tín hiệu cảnh báo thể chất đã rất kém, đòi hỏi phải có chế độ vận động tích cực. Một người có luyện tập thân thể không những nâng cao sức khỏe mà còn giúp đầu óc tỉnh táo và tràn đầy năng lượng.

Thiên Khuê (Theo Familydoctor, QQ)

Nguồn Em Đẹp: https://emdep.vn/song-khoe/co-5-dau-hieu-nay-ban-dang-ngoi-qua-nhieu-khong-van-dong-benh-tat-se-som-keo-den-20200908180559647.htm