CNOOC cần tăng gấp đôi các dự án mua bán và khai thác khí đốt để đạt mục tiêu chuyển đổi năng lượng

Theo Reuters 12/3/2021, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC- công ty sản xuất dầu khí lớn thứ ba của Trung Quốc), đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng tới năm 2035 với mục tiêu tăng cường khai thác khí tự nhiên ngoài đại dương và coi đó là một phương thức để đáp ứng mục tiêu cắt giảm khí thải và chuyển đổi năng lượng.

Trung Quốc coi khí tự nhiên như là một nguồn năng lượng quan trọng cho mục tiêu “xoay trục”, chuyển đổi từ sử dụng than sang khí đốt.

Biểu đồ về mức độ tiêu thụ khí ga, khí thải các-bon và sản xuất điện của TQ:

Biểu đồ về mức độ tiêu thụ khí ga, khí thải các-bon và sản xuất điện của TQ:

Biểu đồ 1. Mức độ tiêu thụ than và khí ga, khí thải các-bon.

Biểu đồ 2. Sản xuất điện từ các nguồn năng lượng khác nhau:

- Xanh lá cây: Điện được sản xuất từ các nguồn khác.

-Tím: Điện hạt nhân;

-Xám: Thủy điện

-Hồng: Điện từ dầu

-Xanh da trời: Điện than.

-Đỏ: Điện từ khí ga.

Nguồn: Báo cáo thống kê của BP về năng lượng toàn cầu năm 2020.

CNOOC đã đề ra kế hoạch tới năm 2035, đưa sản lượng khí đốt chiếm ½ tổng sản lượng của công ty, tăng 21% so với mức hiện nay. Tháng 2/2021, Giám đốc Điều hành CNOOC Từ Khả Cường đã đề ra một chiến lược khí đốt đa mũi nhọn, bao gồm việc đẩy mạnh thăm dò ngoài khơi, phát triển những nguồn khí đốt ven bờ và tích cực tìm kiếm những “tài sản hàng đầu trên thế giới”. Năm 2019, CNOOC sản xuất 20 tỷ mét khối khí, bằng 6% tổng tiêu thụ khí của Trung Quốc, trong đó 11 tỷ mét khối là sản xuất nội địa và phần còn lại là từ các hoạt động ở Bắc Mỹ, Úc và châu Âu.

Theo chuyên gia phân tích của công ty năng lượng Rystad, CNOOC sẽ cần tăng gấp đôi sản lượng khí, lên tới 45 tỷ mét khối khí vào năm 2035 để đáp ứng mục tiêu đề ra, và khi đó, CNOOC sẽ đứng ngang hàng với các công ty sản xuất khí hàng đầu thế giới hiện nay như Petrobras (Brazil), Equinor (Na Uy).

Tuy nhiên, CNOOC cũng đối mặt với nhiều thách thức, khi chưa bao giờ tự mình điều hành một dự án khí ở biển khơi, và phải đa dạng hóa các dự án để đạt mục tiêu đề ra; trong đó, một cách dễ nhất là mua các tài sản liên quan đến khí hóa lỏng (LNG). Trong phát biểu với Reuters, đại diện CNOOC cho biết trong ngắn hạn sẽ tập trung vào phát triển các hoạt động tìm kiếm ở vùng nước sâu như mỏ Lăng Thủy 17-2 (sẽ có sản lượng đầu tiên trong tháng 6), và các mỏ nước nông như Bột Trung 19-6 và Bột Trung 13-2 ở Vịnh Bột Hải. Đại diện CNOOC bày tỏ hy vọng với việc nắm bắt tốt hơn các thông tin địa chất và kỹ thuật khoan tiên tiến, CNOOC có thể đẩy nhanh việc xây dựng “khu vực khí khổng lồ” ở biển khơi với hàng ngàn tỷ mét khối khí.

Các nhà phân tích quốc tế cho rằng để khai thác có lợi nhuận các mỏ khí kể trên thì nói dễ hơn là làm. Việc khai thác mỏ Lăng Thủy 17-2, nằm ở độ sâu 1.500 dưới mặt biển, dự án đầu tiên hoàn toàn do CNOOC sở hữu và vận hành, là một thử thách quan trọng đối với năng lực của CNOOC trong thời gian tới. CNOOC cũng cần cân bằng giữa việc dùng vốn xây dựng những cơ sở hạ tầng lớn để khai thác những mỏ ngoài khơi, như cơ sở sản xuất nổi Deepsea-1 cao 120 m, nặng 53.000 tấn ở dự án Lăng Thủy, và việc đầu tư vào những dự án rẻ hơn ở nước ngoài. Nếu chỉ dựa vào khai thác các mỏ đang có hiện nay, CNOOC chỉ có thể tăng sản lượng lên 27 tỷ mét khối vào năm 2035. Các dự án khí tại Úc, Mozambique và Bắc Cực của Nga có thể nằm trong danh sách mua bán của CNOOC./.

Thanh Bình

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/cnooc-can-tang-gap-doi-cac-du-an-mua-ban-va-khai-thac-khi-dot-de-dat-muc-tieu-chuyen-doi-nang-luong-604179.html