Clip tên lửa đẩy khổng lồ của SpaceX hạ cánh thành công xuống bệ phóng sau chuyến bay thử nghiệm
Sau khi phóng, cả tên lửa đẩy Super Heavy và tàu vũ trụ Starship đều lần lượt quay trở lại mặt đất và hạ cánh thành công xuống bệ phóng, thử nghiệm hướng tới phát triển phương tiện phóng sử dụng nhiều lần, phục vụ sứ mệnh đưa con người và hàng hóa lên Mặt Trăng, sau đó là Sao Hỏa với chi phí thấp.
Siêu tên lửa đẩy Super Heavy cao 71 m của Công ty công nghệ không gian SpaceX của tỉ phú Mỹ Elon Musk mang theo tàu vũ trụ không người lái Starship dài 50 m, đã cất cánh lúc 7h25’, ngày 13/10, giờ địa phương (19h25’ cùng ngày giờ Việt Nam), từ căn cứ Starbase gần Boca Chica, bang Texas, Mỹ.
Sau khi tách khỏi tàu vũ trụ, tên lửa đẩy đã rơi tự do trở lại mặt đất.
Khi chuẩn bị tiếp đất, các động cơ của tên lửa được tái khởi động để kiểm soát tốc độ rơi, nhẹ nhàng hạ cánh xuống bệ phóng và được 2 cánh tay rô bốt khổng lồ, một cơ cấu của bệ phóng, đón giữ.
Đây là lần thử nghiệm thứ 5 và đã có một kết quả hạ cánh tên lửa hoàn hảo vốn là một nỗ lực liên tục của SpaceX hướng đến một phương tiện phóng sử dụng nhiều lần, phục vụ sứ mệnh đưa con người và vật tư hàng hóa lên Mặt Trăng, sau đó là Sao Hỏa với chi phí thấp.
Với tàu vũ trụ Starship, sau khi tách khỏi tên lửa đẩy, đã kích hoạt 6 động cơ và thực hiện chuyến bay độc lập trong khoảng 1 giờ, trước khi thực hành động tác hạ cánh theo cách tương tự xuống một bệ nổi trên Ấn Độ Dương.
Để tên lửa và tàu vũ trụ có thể nạp lại nhiên liệu và tái sử dụng nhiều lần, SpaceX cần phải bảo đảm chúng được thu hồi sau mỗi lần phóng. Điều này đòi hỏi chúng cần vượt qua hai thử thách trong quá trình hạ cánh là tái nhập bầu khí quyển và tiếp đất thành công.
Những lần thử nghiệm trước đó, khởi đầu từ năm 2019 với những mức độ phức tạp khác nhau, quá trình hạ cánh, tên lửa đẩy hoặc phát nổ trên không trung, rơi xuống mặt đất hay phát nổ ngay sau khi hạ cánh xuống bệ phóng.
Với kết quả lần thử nghiệm mới nhất, SpaceX đang tiến gần hơn tới kế hoạch sử dụng phương tiện phóng Starship để đưa các phi hành gia của NASA trở lại bề mặt Mặt Trăng sớm nhất là vào năm 2026, như một phần của sứ mệnh Artemis III, sứ mệnh có người lái đầu tiên đổ bộ xuống Mặt Trăng kể từ sau sứ mệnh Apollo 17, tháng 12/1972.
Vụ phóng thử nghiệm đầu tiên tích hợp tên lửa đẩy và tàu vũ trụ của SpaceX diễn ra vào tháng 4/2023.
Vụ phóng này chỉ nhằm mục đích đưa phương tiện phóng cao tổng cộng 121 m, đường kính 9m, rời khỏi bệ phóng. Thử nghiệm đã thành công trước khi phương tiện phát nổ sau vài phút bay qua Vịnh Mexico.
Việc hạ cánh các tên lửa đẩy sau chuyến bay là một kì tích mà SpaceX đã khá thành thạo với tên lửa đẩy nhỏ hơn là Falcon 9.
Với quá trình 330 lần phóng thử nghiệm, các tên lửa đẩy Falcon 9 đã thực hiện các cú hạ cánh nhẹ nhàng xuống các bệ phóng trên biển hoặc trên mặt đất, cho phép các phương tiện đó phục hồi, nạp nhiên liệu và bay trở lại.
Tuy nhiên, Starship là một hệ thống mạnh mẽ và phức tạp hơn nhiều. Trong đó tên lửa đẩy Super Heavy với 33 động cơ, có lực đẩy mạnh hơn gấp khoảng 10 lần Falcon 9 khi cất cánh.
Chuyến bay thành công có thể thúc đẩy SpaceX giải quyết các dự án tiếp theo đầy thách thức, bao gồm việc tiếp nhiên liệu cho tàu vũ trụ Starship khi nó đang ở trên quỹ đạo. Một động tác bổ sung như vậy sẽ là cần thiết để cung cấp cho phương tiện khổng lồ đủ nhiên liệu để thực hiện hành trình lên Mặt Trăng.