CLIP: Ông Đinh La Thăng bị tuyên phạt 10 năm tù

TAND TP HCM kết luận bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) phải chịu trách nhiệm chính trong sai phạm ở Bộ Giao thông vận tải liên quan đến quy trình bán quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương

Sáng 22-12, sau nhiều ngày làm việc, TAND TP HCM tuyên án đối với bị cáo Đinh La Thăng, Đinh Ngọc Hệ cùng đồng phạm trong vụ án thất thoát hơn 725 tỉ đồng ở cao tốc TP HCM Trung Lương.

HĐXX cho rằng bị cáo Thăng phải chịu hình phạt nghiêm khắc, cao hơn những bị cáo còn lại. Những bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên ở cơ quan nhà nước phạm tội với vai trò đồng phạm thứ yếu, chịu tác động từ cấp trên.

Theo đó, HĐXX sơ thẩm phạt bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, viết tắt: Bộ GTVT) 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Cùng tội danh trên, tòa sơ thẩm đưa ra hình phạt 4 năm 6 tháng tù giam đối với bị cáo Nguyễn Hồng Trường (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT).

Cùng trong nhóm tội này, các bị cáo là nguyên lãnh đạo, cán bộ cơ quan nhà nước nhận mức án từ 2- 4 năm tù giam.

Với vai trò chủ mưu chiếm đoạt hơn 725 tỉ đồng, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng) lãnh án tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; 13 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi". Tổng hợp hình phạt bị cáo này chấp hành trong vụ án này là chung thân.

TAND TP HCM xử phạt những bị cáo còn lại (đồng phạm với bị cáo Hệ) từ 10 năm tù giam đến 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Về trách nhiệm dân sự, tòa sơ thẩm buộc bị cáo Đinh Ngọc Hệ bồi hoàn số tiền đã chiếm đoạt từ ngân sách nhà nước.

HĐXX nhận định về hành vi phạm tội của các bị cáo

HĐXX bắt đầu tuyên án

HĐXX bắt đầu tuyên án

Căn cứ hồ sơ cùng diễn biến tại tòa, cơ quan xét xử công nhận nội dung vụ án đúng như cáo trạng cơ quan công tố nêu trước đó. TAND TP HCM nhận định là người đứng đầu, nắm quyền quản lý tài sản (trong đó có quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương) tại Bộ GTVT, bị cáo Đinh La Thăng ký văn bản đề nghị tìm kiếm đối tác mua quyền thu phí cao tốc TP HCM – Trung Lương. Bị cáo nắm rõ mọi quy định về quản lý tài sản nhà nước nhưng vẫn giới thiệu doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, không đủ năng lực tài chính tham gia mua đấu giá quyền thu phí (Công ty Yên Khánh do bị cáo Đinh Ngọc Hệ thao túng).

Bị cáo Đinh La Thăng trước giờ tuyên án

Với trách nhiệm bộ trưởng, bị cáo Đinh La Thăng được cấp dưới báo cáo đầy đủ sự việc (thể hiện qua các văn bản bị cáo Nguyễn Hồng Trường gửi), HĐXX cho rằng bị cáo ký quyết định thành lập hội đồng bán đấu giá, tổ giúp việc thương trực; không chỉ đạo chấm dứt hợp đồng khi doanh nghiệp chậm nộp tiền thu phí về ngân sách như cam kết trong hợp đồng. Đó là những hành vi trái quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước giúp bị cáo Hệ thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 725 tỉ đồng. Do đó, bị cáo Đinh La Thăng chịu trách nhiệm chính trong sai phạm xảy ra ở Bộ GTVT.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ

Liên quan đến vụ án, bị cáo Nguyễn Hồng Trường nhận nhiệm vụ chủ trì tổ chức bán đấu giá quyền thu phí. Bị cáo biết rõ quyền thu phí cao tốc là TP HCM - Trung Lương là tài sản đặc thù, có giá trị lớn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo Trường biết bị cáo Đinh La Thăng và Đinh Ngọc Hệ có mối quan hệ thân thiết. Xuất phát từ sự nể nang, bị cáo Trường có nhiều hành vi trái luật, tạo điều kiện giúp Công ty Yên Khánh chiếm đoạt tài sản. Những bị cáo từng là thuộc cấp bị cáo Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường dù biết việc bán đấu giá quyền thu phí không đúng trình tự, cho phép doanh nghiệp kéo dài thời gian nộp tiền, thu phí trái quy định nhưng vẫn làm trái quy định.

Đối với hành vi của 5 bị cáo từng là thuộc cấp của hai bị cáo trên, HĐXX kết luận 5 bị cáo phạm tội với vai trò đồng phạm.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng) nảy sinh ý định chiếm đoạt ngay từ đầu, chỉ đạo cấp dưới thực hiện hàng loạt thủ đoạn gian dối ở Công ty Yên Khánh, như: làm giả hồ sơ tham gia đấu giá, chỉ đạo cấp dưới sử dụng công nghệ can thiệp vào hệ thống dữ liệu… nhằm che giấu sai phạm, trục lợi. Chủ tọa nhấn mạnh đó là những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt qua mặt cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GTVT.

Bài: Di Lâm - Ảnh: Hoàng Triều

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/dang-tuyen-an-bi-cao-dinh-la-thang-va-dong-pham-20201222105642629.htm