Clip: Ngư dân câu được cá tuyết chứa nguyên con rắn độc sống trong bụng

Bằng cách thần kỳ nào đó, con rắn độc lại có thể sống trong bụng của một con cá tuyết.

Trong một lần đi câu cá tại khu vực đảo Melville ở phía đông biển Timor, nước Úc, Andy Warton (44 tuổi) đã gặp phải một tình huống có 1 - 0 -2. Đó là khi đoàn thuyền đánh bắt được một con cá tuyết khá lớn và chắc mẩm sẽ được một bữa tiệc linh đình.

Một bất ngờ là khi kiểm tra con cá tuyết, các thủy thủ đoàn kinh ngạc khi phát hiện bên trong miệng của nó có một con rắn vẫn còn sống. Theo như anh Warton quan sát thì đây không phải là một con rắn bình thường mà nó là rắn hổ (tiger snake), một loài rắn kịch độc sở hữu chất độc thần kinh cực mạnh, có thể khiến nạn nhân nhanh chóng trải qua cảm giác đau đớn, khó thở, tê liệt và cuối cùng là tử vong.

Warton suy đoán có lẽ con rắn quá bất ngờ khi bị nuốt chửng nên không kịp hành động gì, hoặc cũng có thể con cá tuyết đã bị cắn và trúng độc nhưng mới ở giai đoạn đầu nên chưa có dấu hiệu gì cả.

Tất cả thành viên đã thống nhất giải cứu con rắn ra khỏi bụng con cá và giải phóng cho 2 con vật đó trở lại môi trường sống của chúng.

Rắn hổ phân bố chủ yếu ở bờ biển đông nam Úc, trải từ New South Wales đến Tasmania và khu vực phía nam xa xôi.

Nọc độc của rắn hổ chỉ xếp sau rắn nâu miền đông và rắn nâu miền tây của Úc. Thành phần độc tố trong nọc độc của rắn hổ bao gồm chất độc thần kinh cực mạnh, chất đông máu, haemolysin, và chất độc myotoxin.

Sở dĩ có tên gọi rắn hổ vì kẻ săn mồi máu lạnh này khi trưởng thành thường xuất hiện các vằn như da hổ, từ màu vàng nhạt đến đen dọc theo cơ thể. Phần bụng rắn có các màu từ vàng chanh đến da cam.

Công Hiếu (t.h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/clip-ngu-dan-cau-duoc-ca-tuyet-chua-nguyen-con-ran-doc-song-trong-bung-a485657.html