CLIP: Lăng mộ đá 300 năm giữa lòng TP Thanh Hóa

Khu lăng mộ Quận Mãn được đích thân Quận công Lê Trung Nghĩa cho xây dựng trên chính quê hương ông cách đây gần 300 năm, hiện lăng mộ đá còn lưu giữ nhiều tượng đá được điêu khắc tinh xảo

Lăng Quận Mãn trong cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (người địa phương quen gọi là núi Nhồi, phường An Hoạch (nay là phường An Hưng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích Quốc gia năm 1992.

Toàn cảnh khu mộ đá thờ Quận công Lê Trung Nghĩa

Toàn cảnh khu mộ đá thờ Quận công Lê Trung Nghĩa

Khu lăng mộ đá này có giá trị rất lớn về mặt lịch sử và nghệ thuật điêu khắc đá, bởi hầu hết các tượng người, linh vật, văn bia đều được làm bằng đá xanh nổi tiếng của núi Nhồi. Lăng được đích thân Quận Công Lê Trung Nghĩa (không rõ năm sinh, mất năm 1786) cho xây dựng trên chính quê hương ông dưới thời Lê Trung Hưng.

Theo sử sách, Lê Trung Nghĩa người làng Tu, thôn Nhuệ thuộc xã An Hoạch, tổng Quảng Chiếu, huyện Đông Sơn (nay là phường An Hưng, TP Thanh Hóa). Vì nhà nghèo nên ông phải bỏ quê ra đi tránh việc nấu chè kho khao làng theo tục lệ. Sau khi rời làng, ông đi lính, được chọn làm quân cấm vệ và đã tình nguyện tịnh thân để phục vụ trong cung, thăng đến chức Đô đốc Tổng trấn tước Quận Công, mọi người quen gọi là Quận Mãn.

Tháng 11 năm 1786, vua Lê Chiêu Thống và chúa Trịnh Bồng xảy ra xung khắc. Lê Chiêu Thống sai tướng Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An kéo quân ra hộ giá. Chúa Trịnh Bồng cử Trấn thủ Thanh Hoa Lê Trung Nghĩa làm tham lĩnh và Đốc đồng Phan Huy Ích làm đốc thị kéo quân chặn đánh Nguyễn Hữu Chỉnh ở địa phận huyện Tĩnh Gia nhưng thất bại. Lê Trung Nghĩa bị giết.

Theo người trông coi, trước đây lăng mộ có nhà thờ, song do chiến tranh tàn phá, nên lăng hiện chỉ còn lại nền móng cùng một số hiện vật bằng đá với hai dãy tượng voi và ngựa, 10 tượng quan văn võ

Toàn bộ mặt sân của lăng được lát đá, hai bên là hai hàng tượng đá đứng chầu, mỗi bên có năm vị quan văn, năm vị quan võ, một đôi ngựa và một đôi voi

Ở chính giữa khu lăng mộ, tại vị trí cao nhất có hai chiếc ngai bằng đá, chiếc lớn đặt trên một bệ đá hình vuông, mỗi chiều khoảng 2 m, dày khoảng 0,4 m

Nhìn từ ngai vàng xuống là những bức tượng quan văn, quan võ đứng chầu hai bên khu lăng mộ

Những vị quan này đều được điêu khắc bằng đá xanh rất tinh xảo

Từ ngai vàng hướng ra ngoài, sau hàng tượng quan là tới tượng ngựa và voi

Tiếp đến là cặp rồng đá ngay bậc thềm

Ngoài cùng lối vào có một đôi linh vật đứng chầu trông rất uy nghi

Trong quần thể lăng có 4 tấm bia đá, mỗi tấm cao khoảng 2 m, rộng 1,2 m, dày 0,15 m được xếp vào loại bia đá đẹp nhất nhì ở xứ Thanh

Văn bia được khắc chữ Hán, ghi chép tiểu sử Quận Mãn và tên các làng cúng tế, địa giới, điện tích đất xưa kia của 9 làng và nơi đặt khu lăng mộ.

Do không được trùng tu và bảo vệ, nhiều hiện vật ở lăng Quận Mãn đã xuống cấp. Ngay trong khuôn viên lăng mộ có một tượng rùa đá nặng hàng tấn đã bị đập phá, hư hỏng nhiều bộ phận

Clip toàn cảnh khu tượng đá 300 năm giữa lòng TP Thanh Hóa

Tin-ảnh: Tuấn Minh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/clip-lang-mo-da-300-nam-giua-long-tp-thanh-hoa-20230120214039104.htm