Clever Hans: Chú ngựa biết làm toán

Trong một khoảng sân lát đá bao quanh bởi những dãy nhà phía bắc Berlin cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, một nhà giáo đã nghỉ hưu và một học sinh hết sức đặc biệt của ông đã gây chấn động khắp nước Đức.

Đứng bên trái người giáo viên râu tóc đã bạc trong khung hình chính là “học sinh” độc nhất vô nhị nói trên - một con ngựa đua giống Nga.

Đứng bên trái người giáo viên râu tóc đã bạc trong khung hình chính là “học sinh” độc nhất vô nhị nói trên - một con ngựa đua giống Nga.

Trong hơn một thập kỷ, Wilhelm von Osten, người “giáo viên”, đã giúp chú ngựa được mệnh danh Clever Hans (Hans Thông thái) phát triển một số kỹ năng nhận thức đáng kinh ngạc. Mỗi khi ông von Osten đưa ra câu hỏi, Hans sẽ trả lời bằng cách gật đầu để trả lời “Có” hoặc “Không”, hoặc dậm chân để chỉ các con số. Clever Hans có thể chỉ đường bằng cách quay đầu, phân biệt bên trái và bên phải, xác định màu sắc, đọc đồng hồ, nhận biết và xác định lá bài và hiểu nhiều khái niệm khác nhau. Đặc biệt, chú ngựa Hans không chỉ đếm được mà còn có khả năng số học vượt xa các nguyên tắc cơ bản.

Ví dụ, khi von Osten hỏi “2/5 cộng 1/2 bằng mấy?”, Hans sẽ dậm móng xuống đất 9 lần sau đó tạm nghỉ và dậm tiếp 10 lần nữa để biểu thị câu trả lời là 9/10. Nếu hỏi căn bậc hai của 16, con ngựa sẽ dậm chân 4 lần, và dậm lần lượt 2,4,7,14,28 để biểu thị các ước số của 28.

Thậm chí, Hans còn có thể tư duy những câu hỏi được sắp xếp theo thứ tự phức tạp hơn. Ví dụ, nếu hỏi: “Tôi đang nghĩ đến một số. Tôi trừ số đó cho 9 thì còn 3. Vậy số tôi đang nghĩ là gì?”, nó sẽ dậm chân đúng 12 lần. Một lần khác, khi người huấn luyện hỏi “Nếu tôi đặt một dấu thập phân sau số 8 trong số 365287149, số ở hàng trăm là số nào?”, Hans sẽ nhanh chóng trả lời là số 5.

Clever Hans dậm chân để biểu diễn số.

Theo đó, trí thông minh của Hans được cho là không chỉ giới hạn ở mảng số học. Chú ngựa từng khiến đám đông kinh ngạc với màn đánh vần các từ và tên người bằng bước chân. Một lần dậm chân tương đương với chữ A, hai lần là B và cứ như vậy. Hans cũng thể hiện trí nhớ tuyệt vời với khả năng ghi nhớ cả cuốn lịch và dễ dàng trả lời những câu đố dạng như: “Ngày 8 tháng này là ngày thứ Ba, vậy ngày thứ Sáu tuần sau đó là ngày mấy?”.

Chú ngựa còn được tán dương về nhiều khả năng đáng kinh ngạc như: xác định hướng một cách linh hoạt, nhận diện âm thanh, mặt người trong ảnh, chỉ ra khoảng thời gian trong ngày, phân biệt mũ rơm và mũ nỉ, phân biệt các màu sắc khác nhau. Một số người còn ước tính, mức độ phát triển trí tuệ của Hans tương đương với một đứa trẻ 13-14 tuổi.

Và tất nhiên, Hans đã khơi dậy sự tò mò của nhiều chuyên gia tâm lý học, động vật học và các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác. Trong thế kỉ 18, số nghiên cứu về nhận thức và trí tuệ động vật là rất ít, và đa số mọi người đều cho rằng động vật không thể có khả năng trí tuệ của loài người. Bộ Giáo dục Đức đã chỉ định một ủy ban điều tra các tuyên bố khoa học của von Osten. “Ủy ban Hans” (Hans Commission) gồm có một thú y, một người quản lý rạp xiếc, một sĩ quan kỵ binh, một số giáo viên và giám đốc của vườn bách thú Berlin. Sau một loạt thử nghiệm, năm 1904, ủy ban đã kết luận rằng, sự thể hiện của Hans không bị chi phối bởi mánh khóe, thủ đoạn nào đằng sau. Hay nói cách khác, năng lực trí tuệ của Hans là có thật.

Clever Hans và ông chủ Wilhelm von Osten.

Ủy ban sau đó đã chuyển bản đánh giá cho Oskar Pfungst, một nhà tâm lý học trẻ thuộc phòng thí nghiệm của người lãnh đạo ủy ban. Pfungst đã thiết kế một loạt các thí nghiệm tỉ mỉ và bắt đầu thử nghiệm Hans. Để loại trừ khả năng von Osten bí mật đưa câu trả lời cho Hans, anh ta yêu cầu von Osten rời khỏi hiện trường và rất ngạc nhiên khi Hans vẫn có thể trả lời đúng ngay cả khi người đặt câu hỏi không phải von Osten. Loại trừ được khả năng lừa đảo, Pfungst bắt đầu kiểm tra xem con ngựa có thể đoán được được manh mối từ thái độ, tư thế, giọng điệu, … của người đặt câu hỏi hay không. Để xác nhận điều này, Pfungst đã giữ kín đáp án không cho người hỏi biết. Và ngay lập tức, độ chính xác trong câu trả lời của Hans đã giảm xuống.

Oskar Pfungst trình bày bài kiểm tra như sau:

“Ông von Osten thì thầm một con số vào tai ngựa để không ai trong số những người có mặt có thể nghe thấy. Ngay sau đó tôi cũng làm như vậy. Hans được yêu cầu cộng hai số nghe được từ chúng tôi. Vì mỗi người thử nghiệm chỉ biết được số riêng của mình, nên chỉ có Hans mới biết được tổng số. Trong 31 thử nghiệm mà hai người ra đề không biết số của người kia, con ngựa chỉ trả lời đúng 3 câu. Còn với 31 lần khi người ra đề đã biết trước đáp án, số câu trả lời đúng lên đến 29. Bởi ba câu trả lời đúng trong các trường người ra đề không biết đáp án rõ ràng là kết quả của sự tình cờ, kết luận chung của loạt thí nghiệm chính là Hans không thể giải quyết các vấn đề số học.”

Ngoài ra, Pfungst cũng nhận thấy rằng, khi người hỏi đứng cách xa Hans hơn khoảng cách bình thường là một phần tư đến nửa mét, con ngựa sẽ khó đưa câu trả lời đúng hơn. Với mỗi lần kiểm tra của Pfungst, Hans đều cho kết quả thảm hại.

Sau khi chứng minh được câu trả lời từ con ngựa là hoàn toàn phụ thuộc vào các kích thích bên ngoài từ người hỏi, Pfungst bắt đầu quan sát những người ra đề để tìm hiểu những manh mối mà con người có thể vô thức đưa ra cho con ngựa. Pfungst quan sát thấy một sự căng thẳng rõ rệt trong cơ mặt và cổ của người hỏi khi số lần dậm chân của con ngựa gần đến đáp án đúng. Biểu hiện này sẽ biến mất khi con ngựa dậm đúng số lần, và Hans sẽ dựa vào đó để tìm ra câu trả lời chính xác.

Nghiên cứu của Oskar Pfungst đã chứng minh rằng Clever Hans là một nhà quan sát tuyệt vời với khả năng đọc được những tín hiệu dù là nhỏ nhất trên khuôn mặt chủ nhân mình. Khả năng này đã vượt xa rất nhiều so với người bình thường, song trí tuệ của nó vẫn chưa thể nói là gần với trí tuệ con người.

Clever Hans biểu diễn trước đám đông vào năm 1904.

Kết luận của Pfungst hiện đã được công nhận là hiện tượng phổ biến trong nghiên cứu liên quan đến các đối tượng con người và động vật, được gọi là “Hiệu ứng Clever Hans”. Ngày nay, để tránh các yếu tố biết trước và định kiến ảnh hưởng kết quả thí nghiệm, nhiều thí nghiệm trong các lĩnh vực nhận thức, tâm lý học nhận thức và tâm lý học xã hội thường được thực hiện theo hình thức “double-blind” (giấu mặt kép), trong đó cả nhà nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu không được biết một thông tin nào đó cho đến khi hoàn thành thí nghiệm. Hiệu ứng Clever Hans cũng được quan sát thấy ở những con chó đánh hơi ma túy, khi tín hiệu căng thẳng từ người có thể được truyền tới chó và dẫn đến phát hiện sai.

Mặc cho kết quả nghiên cứu của Pfungst, danh tiếng của Hans vẫn không ngừng vang xa. Chủ sở hữu của nó, von Osten, tổ chức các tour biểu diễn vòng quanh nước Đức để thu hút đám đông ở bất cứ nơi nào mình đến. Song ông không bao giờ thu một xu nào bởi ông thực sự tin tưởng vào trí thông minh vô song của Hans.

Sau khi Wilhelm von Osten qua đời vào năm 1909, Hans trải qua vài lần đổi chủ trước khi phục vụ cho quân đội Đức vào giai đoạn đầu của Thế chiến I năm 1914. Sau đó không ai biết rõ số phận của con ngựa, nhưng một số người tin rằng Hans đã chết trong khi thực hiện nhiệm vụ vào năm 1916.

Theo Phạm Nhật/Khoa học & Phát triển

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/clever-hans-chu-ngua-biet-lam-toan/20200621083140341