CLB Pháp chế doanh nghiệp tổ chức đại hội lần 4

Vào sáng 30.5 tới đây, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp sẽ tổ chức Đại hội lần thứ 4 nhiệm kỳ 2019-2024 với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long cùng hàng trăm tập thể và cá nhân hội viên CLB.

Ông Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm CLB Pháp chế doanh nghiệp - Ảnh: Lam Thanh

Ông Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm CLB Pháp chế doanh nghiệp - Ảnh: Lam Thanh

Đại hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội CLB lần thứ 3 nhiệm kỳ 2013-2018 và quyết định phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ tới. Cùng với đó, đại hội sẽ bầu Ban Chủ nhiệm, Ban kiểm tra và các chức danh lãnh đạo CLB của nhiệm kỳ 4, đồng thời khen thưởng những tập thể, cá nhân xuất sắc.

CLB thành lập nhằm đóng vai trò là nhà tư vấn pháp lý, trao đổi kiến thức pháp luật liên quan đến đến hoạt động của doanh nghiệp, là “cầu nối” giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp.

Theo báo cáo của CLB, về công tác chăm sóc hội viên, sẽ tập trung xây dựng gói dịch vụ miễn phí mà các doanh nghiệp được hưởng khi trở thành hội viên của CLB như: Tư vấn pháp luật miễn phí, vướng mác pháp lý thường gặp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin pháp lý miễn phí doanh nghiệp hội viên; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý, cán bộ pháp chế, chuyên môn của doanh nghiệp…

CLB cũng thường xuyên khảo sát những vướng mắc pháp lý của hội viên trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm pháp luật kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong năm 2014-2018, CLB đã tổ chức 27 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho các doanh nghiệp hội viên về các lĩnh vực như Luật Doanh nghiệp, pháp luật về hợp đồng, Luật lao động, Luật Đầu tư, Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước, pháp luật về thuế, hải quan…

Thông qua hoạt động của CLB, các lãnh đạo, cán bộ quản lý, pháp chế đã nhận thức rõ hơn về vai trò của pháp luật trong việc điều hành doanh nghiệp, từ đó quan tâm, lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, CLB cũng tham gia góp ý, xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp và ngành tư pháp cùng các luật có liên quan như Luật sửa đổi, bổ sung dnh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Theo ông Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm CLB Pháp chế doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước cần phải nắm bắt được những kiến nghị của doanh nghiệp, phải nghe doanh nghiệp nói lên những khiếm khuyết của văn bản quy phạm pháp luật, vì có nhiều doanh nghiệp họ nắm rất chắc pháp luật.

Ông Lãm cho hay, hiện nay, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chức năng hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng có nhiều nơi, cán bộ, công chức trực tiếp làm việc với doanh nghiệp chưa thực hiện đây đủ ý kiến của Thủ tướng, vẫn gây phiền hà cho các doanh nghiệp. “Do đó, chúng tôi nhiều lần phải hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp, gặp gỡ các bên, thậm chí có những dip giáp Tết”, ông Lãm nói.

“Thời gian tới, bước vào thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam và doanh nghiệp trong nước làm ăn với doanh nghiệp nước ngoài nhiều hơn, do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng trở thành cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp”, ông Lãm nói.

Ông Lãm chia sẻ, nhiệm kỳ vừa qua, những doanh nghiệp nước ngoài có vướng mắc về pháp luật cũng đã tìm đến CLB và CLB cũng đã hỗ trợ rất nhiệt tình. “Doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam họ cũng sợ thủ tục hành chính, nhiều khi chỉ có một cái giấy nhưng cấp rất chậm cho doanh nghiệp”, ông Lãm nêu.

“Chúng tôi có hợp tác với đội ngũ chuyên gia hùng hậu, uy tín, vừa giảng dạy, tư vấn, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp”, ông Lãm nêu.

Cũng theo ông Lãm, qua quá trình tiếp xúc, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp thì ông nhận thấy, những vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp là thủ tục hành chính, thuế, cùng với đó là đất đai, mặt bằng sản xuất… Do đó, cơ quan nhà nước cần cải cách mạnh hơn nữa những lĩnh vực này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

CLB có 322 hội viên

Được biết, CLB Pháp chế doanh nghiệp thành lập ngày 22.7.1999, quyết định do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký dưới sự đồng ý của Thủ tướng.

CLB là địa chỉ tin cậy cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tìm đến để được giới thiệu kịp thời, thường xuyên, có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế, xã hội; đồng thời là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, là diễn đàn để các doanh nghệp phản ánh về các khiếm khuyết và đưa ra kiến nghị góp phần hoàn thiện pháp luật.

Đại hội nhiệm kỳ 3 đã bầu Ban Chủ nhiệm gồm 41 ủy viên. Ban Chủ nhiệm tổ chức hội nghị lần thứ nhất bầu Chủ nhiệm, 2 Phó chủ nhiệm, 6 ủy viên; Ban Kiểm tra gồm 5 thành viên. Hiện nay, CLB có 322 hội viên, trong đó có 214 hội viên tổ chức, 108 hội viên cá nhân.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/phap-luat-c-70/clb-phap-che-doanh-nghiep-to-chuc-dai-hoi-lan-4-113747.html