CLB Nam Định trụ hạng thế nào khi không còn Đỗ Merlo?

Không thể giữ đội trưởng và tiền đạo tốt nhất Đỗ Merlo, CLB Nam Định sẽ gặp khó trong cuộc đua trụ hạng tại V.League 2021.

CLB Nam Định phải chờ đến những giây cuối mới chắc chắn ở lại V.League 2020. Khi CLB Quảng Nam ghi bàn thắng thứ ba vào lưới CLB Hải Phòng ở trận cùng giờ để cân bằng điểm số và áp sát hiệu số, nhiều cổ động viên Nam Định đã lo về viễn cảnh tệ hại nhất.

Tuy nhiên, giống với 2 mùa giải trước, đội bóng của HLV Phạm Hồng Phú lại thoát hiểm ngoạn mục. Tuy nhiên, CLB Nam Định không thể tồn tại theo kiểu sống mòn. Đội bóng này phải thay đổi, nếu không muốn chạy đua với “tử thần” một lần nữa.

 Nam Định vất vả trụ hạng, chỉ hơn đội cuối bảng Quảng Nam ở hiệu số bàn thắng bại. Ảnh: Minh Chiến.

Nam Định vất vả trụ hạng, chỉ hơn đội cuối bảng Quảng Nam ở hiệu số bàn thắng bại. Ảnh: Minh Chiến.

CLB Nam Định vất vả trụ hạng

CLB Nam Định là đội hiếm hoi ở V.League chỉ chắc suất trụ hạng trong 2-3 vòng đấu cuối suốt ba năm qua. Mùa 2018, đội bóng thành Nam từng rơi xuống vị trí đá play-off, chỉ hơn đội xuống hạng trực tiếp Cần Thơ điểm số của một trận thắng. Phải đến khi đánh bại Hà Tĩnh, thầy trò ông Nguyễn Văn Sỹ mới chắc chắn ở lại V.League.

Sau mùa 2019 trầy trật, Nam Định lại khó khăn ở mùa 2020. Thi đấu không tệ ở lượt đi, nhưng Nam Định có cú trượt dài khi bước vào giai đoạn hai với chỉ 5 điểm trong 5 trận (ít nhất trong 6 đội nhóm B). Nếu lượt cuối, SLNA không đá đội hình phụ và CLB Quảng Nam sớm ghi bàn thứ tư vào lưới Hải Phòng ở trận cùng giờ, chưa biết điều gì đã xảy ra.

Ba mùa V.League, Nam Định tiến bộ rất ít về điểm số và thứ hạng. Mùa 2018, đội bóng thành Nam giành 24 điểm sau 26 trận, trung bình 0,92 điểm mỗi trận, đứng thứ 13. Mùa 2019, Lê Sỹ Minh cùng đồng đội đứng hạng 11 với 31 điểm, trung bình 1,19 điểm mỗi trận. Điểm trung bình của Nam Định ở mùa 2020 tụt về 1, đứng hạng năm ở giai đoạn hai.

Đội bóng thành Nam chịu phán quyết tranh cãi của “vua áo đen” ở ít nhất 3 trận gặp CLB Hải Phòng, CLB Sài Gòn và CLB Quảng Nam. Tuy nhiên, không phải trọng tài “dìm” Nam Định xuống chỗ đua trụ hạng. Một vài trận khó khăn là nhất thời, nhưng ba mùa giải với 70 trận, Nam Định vẫn loay hoay. Đó là lỗi của họ.

Cầu thủ trẻ Nam Định chưa chín chắn nên những “ông lão” như Đinh Xuân Việt, Phùng Văn Nhiên vẫn có chỗ đứng ở CLB. Ảnh: Minh Chiến.

Theo GĐKT Nguyễn Văn Sỹ, nguyên nhân chính khiến Nam Định vất vả nằm ở biến động lực lượng. Đội chủ sân Thiên Trường thường xuyên thay cả nội binh lẫn ngoại binh ở mùa chuyển nhượng, phải trông cậy vào những lão tướng, trụ cột ra đi còn cầu thủ trẻ chưa thế vai được đàn anh.

“Yếu tố trọng tài chỉ xuất hiện ở vài vòng gần đây. Tổng thể ba mùa của Nam Định ở V.League, chúng tôi không có sự ổn định, đá mùa nào thì biết mùa đấy thôi. Nếu giữ chân, gia hạn được hợp đồng với cầu thủ nội, Nam Định mới có sự ổn định, thi đấu tốt hơn ở mùa thứ hai, thứ ba”.

“Cứ hết mùa giải, chúng tôi lại không đàm phán được với các cầu thủ đã hết hợp đồng đào tạo, chuyển sang hợp đồng lao động, do đó phải đôn cầu thủ trẻ lên để thay thế”, ông Sỹ nhấn mạnh.

Mùa 2020, Nam Định có 5 nội binh dưới 24 tuổi thi đấu 10 trận trở lên ở V.League, nổi bật có Mai Xuân Quyết (18 trận), Nguyễn Đình Mạnh (14 trận) hay Đoàn Thanh Trường (16 trận). Đóng góp của cầu thủ trẻ nói riêng hay nội binh nói chung của Nam Định rất hạn chế.

Trong 19 bàn đội bóng thành Nam ghi được, có 15 bàn thuộc về ngoại binh hoặc cầu thủ nhập tịch (Rafaelson, Đỗ Merlo, Tony Agbaji). Cả ba đều đã chia tay Nam Định trước thềm mùa giải 2021.

Cặp tiền đạo Rafaelson và Đỗ Merlo của Nam Định đã chuyển sang khoác áo đội bóng mới. Mùa trước, bộ đôi này ghi tổng cộng 12 bàn cho Nam Định. Ảnh: Minh Chiến.

Khó có đổi thay

Một tháng sau khi V.League hạ màn, CLB Nam Định đã mất những cầu thủ tốt nhất. Rafaelson chuyển sang đội Đà Nẵng, Đỗ Merlo tới CLB Sài Gòn, Sỹ Minh đến CLB TP.HCM. Đội bóng thành Nam mới có Felipe Martins và Rodrigo da Silva theo chiều ngược lại. Một ngoại binh bị chê là “chân gỗ” ở SLNA lẫn HAGL, và một tiền đạo đến từ đội bóng vừa xuống hạng.

Tài chính là lý do khiến Nam Định không giữ chân được cầu thủ giỏi. Thông thường, các đội V.League ký với ngoại binh theo hợp đồng từng năm, sẽ đàm phán lại sau mỗi mùa giải. Rafaelson chơi tốt ở V.League 2020, lập tức đòi mức lương cao gấp rưỡi (từ 8.000 lên 12.000 USD/tháng), khiến Nam Định không đáp ứng nổi.

Theo GĐKT Nguyễn Văn Sỹ, chuyện ngoại binh đòi lương và lót tay cao, CLB không trả được là bình thường ở V.League. CLB Sài Gòn cũng chia tay bộ đôi tiền đạo Geovane Magno - Pedro Paulo với lý do này.

Với đội bóng mà nội binh còn non, phải phụ thuộc vào ngoại binh như Nam Định, “chảy máu lực lượng” càng là vấn đề lớn. Nam Định ít có khả năng lấy cầu thủ giỏi từ các đội khác, trong khi cầu thủ trẻ Nam Định lại không xuất chúng.

“Mùa tới còn khó khăn hơn các mùa trước. Chúng tôi không giữ được ai cả, không đàm phán được với cầu thủ ngoại. Với những cầu thủ hết hợp đồng, để ký tiếp, nếu họ nhận được đề nghị 10 phần ở đội mới, mà Nam Định đáp ứng được 7-8 phần thì cầu thủ có thể ở lại, nhưng đề nghị thấp quá thì để cầu thủ lựa chọn con đường ra đi”.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ đôn thêm cầu thủ trẻ để có người tập luyện, đồng thời tiếp thêm động lực cho các em. Bóng đá Nam Định chỉ còn động lực từ trung tâm đào tạo trẻ, mùa nào cũng đôn các em lên để tạo cơ hội”, ông Sỹ nhấn mạnh với Zing.

Sức cạnh tranh mùa 2021 sẽ rất khắc nghiệt khi các đội nhóm trung bình có sự đồng đều về trình độ. CLB Bình Định của HLV Nguyễn Đức Thắng hứa hẹn được đầu tư, còn SLNA, Hà Tĩnh, Thanh Hóa hay Hải Phòng đều nhỉnh hơn Nam Định về lực lượng.

Số đội hạng Nhất tăng lên 14, nên nhiều V.League mùa tới sẽ có 1,5 suất xuống hạng. Nếu không cải thiện tình hình, CLB Nam Định có thể rơi vào vòng xoáy trụ hạng một lần nữa, với những khó khăn chủ quan và khách quan nhiều hơn gấp bội.

Highlights Nam Định 3-0 SLNA: Đỗ Merlo ghi 2 bàn trong 3 phút Emmanuel Agbaji và Đỗ Merlo (cú đúp) giúp chủ nhà Nam Định thắng Sông Lam Nghệ An với tỷ số 3-0 trong trận đấu ở vòng 7 V.League chiều 30/6.

Thủy Tiên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/clb-nam-dinh-tru-hang-the-nao-khi-khong-con-do-merlo-post1156072.html