CIPM Cửu Long trước nguy cơ nợ khủng

Từ trước tới nay, nhắc đến nợ khủng là nhắc tới EVN. Thế nhưng gần đây, giới đầu tư vô cùng choáng váng khi phát hiện CIPM Cửu Long, một tổng công ty của Bộ Giao thông Vận tải còn vượt mặt EVN. Tổng công ty này có 1 đồng nhưng nợ tới... 220 đồng.

Kỳ vọng lớn

Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) thuộc Bộ Giao thông Vận tải được thành lập theo Quyết định số 1589/QĐ-BGTVT ngày 20/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - khi ấy là ông Hồ Nghĩa Dũng - trên cơ sở chuyển đổi Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa cầu đường 715 và Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác cầu Cần Thơ, tổ chức và hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con.

CIPM Cửu Long có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng nhưng tới ngày 30/6/2018, vốn góp chủ sở hữu của tổng công ty mới chỉ là 136,4 tỷ đồng, chỉ bằng 9,1% vốn điều lệ.

Khi thành lập CIPM Cửu Long, Bộ Giao thông Vận tải kỳ vọng tổng công ty này sẽ là đầu mối trong việc thu hút vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến cao tốc trọng yếu ở phía Nam.

Thế nhưng, sau 6,5 năm hoạt động, CIPM Cửu Long từ kỳ vọng lớn đã trở thành nỗi thất vọng lớn. Vốn góp vẫn ỳ ạch ở mức 136,4 tỷ đồng. Tổng công ty chưa tham gia đầu tư tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và chưa thực hiện được nhiệm vụ vay lại vốn vay thương mại.

Không chỉ vậy, hoạt động kinh doanh của tổng công ty khá ỳ ạch. Cả doanh thu và lợi nhuận đều ở mức rất thấp, thấp hơn nhiều so với tổng tài sản.

Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng đầu năm 2018 của CIPM Cửu Long chỉ đạt 53,4 tỷ đồng, tăng 10 tỷ đồng, tương đương 23,3% so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ chỉ đạt 991 triệu đồng, khiêm tốn hơn rất nhiều so với tổng tài sản 33.409 tỷ đồng.

Khi ra đời, CIPM Cửu Long được đặt nhiều kỳ vọng.

Có 1 đồng nợ tới… 220 đồng

Doanh thu, lợi nhuận nhỏ giọt, không thấm vào đâu so với tổng tài sản. Nhưng đó không phải vấn đề lớn nhất tại CIPM Cửu Long. Vấn đề lớn nhất tại CIPM Cửu Long khiến nhiều người sửng sốt chính là khối nợ khổng lồ cả về tỷ lệ lẫn con số tuyệt đối.

Tại thời điểm cuối quý 2/2018, tổng tài sản và nguồn vốn của CIPM Cửu Long lên tới 33.409 tỷ đồng, tăng so với 32.239 tỷ đồng hồi cuối năm 2017. Điều đáng nói, vốn tự có của CIPM Cửu Long lại vô cùng nhỏ bé so với nợ.

Nợ phải trả tại CIPM Cửu Long lên tới 33.257 tỷ đồng, chiếm 99,5% tổng nguồn vốn và cao gấp… 220 lần vốn góp chủ sở hữu. Điều đó có nghĩa CIPM Cửu Long có 1 đồng nhưng nợ tới 220 đồng. Có lẽ đây là doanh nghiệp Nhà nước có tỷ lệ nợ/vốn cao nhất.

Khoản nợ phải trả lên tới gần 31.000 tỷ đồng chủ yếu là nguồn vốn Ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác được dùng để giải ngân cho các dự án mà Bộ Giao thông Vận tải giao nhiệm vụ cho đại diện chủ đầu tư là CIPM Cửu Long.

Các khoản nợ khổng lồ này đã lọt vào tầm ngắm của kiểm toán. Chi nhánh Công ty TNHH Kiểm toán & Dịch vụ tin học TP.HCM (AISC) - đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính riêng năm 2017 của Cửu Long CIPM - nêu ý kiến ngoại trừ: “Tổng công ty đã thực hiện công tác đối chiếu các khoản công nợ phải trả người bán, các khoản phải thu khác, trả trước cho người bán và phải trả khác, tuy nhiên đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán này, các khoản công nợ liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng mà tổng công ty này được Bộ Giao thông Vận tải giao nhiệm vụ quản lý, đơn vị vẫn chưa nhận được phản hồi đối chiếu, xác nhận đầy đủ”.

CIPM Cửu Long có thể về với VEC nhưng VEC không khả dĩ hơn bao nhiêu khi cũng kinh doanh ỳ ạch và sở hữu nợ khủng.

Sẽ sáp nhập VEC?

Các con số trên cho thấy CIPM Cửu Long có rất nhiều vấn đề trong hoạt động và không mang lại lợi ích như kỳ vọng. Vì vậy, số phận của tổng công ty này cũng phập phù như hoạt động của chính nó.

Gần đây, Báo Đầu tư Online cho biết Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương tổ chức lại CIPM Cửu Long theo hướng sáp nhập CIPM vào Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đồng thời thành lập Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải trên cơ sở tách một phần của CIPM.

Tuy nhiên, nếu CIPM Cửu Long “về một nhà” với VEC, dư luận vẫn lo ngại cho số phận cả 2 ông lớn này bởi thời gian qua VEC cũng dính không ít lùm xùm.

Trong văn bản gửi Quốc hội báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2017, Chính phủ đưa khá nhiều thông tin về quản lý nợ công. Một trong những hạn chế Chính phủ nhắc đến là tình hình quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập, thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối trả nợ.

VEC được đưa ra là ví dụ điển hình. Theo đó, VEC có 4 dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA theo hình thức cho vay lại, phải chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án. Gồm dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi).

Bảo Linh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/cipm-cuu-long-truoc-nguy-co-no-khung-d70430.html