CIA sử dụng gián điệp bồ câu trong chiến tranh lạnh

Các tài liệu của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) được giải mật gần đây cho thấy, tổ chức này từng sử dụng chim bồ câu làm gián điệp trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Bồ câu được sử dụng làm gián điệp

Trợ thủ đắc lực trong hai cuộc Thế chiến

Thực ra, đây là một ý tưởng không mới. Việc sử dụng loài chim trong hoạt động tình báo bắt nguồn từ bồ câu đưa thư, loài chim tỏ ra rất đắc dụng trong thông tin liên lạc vào thời chiến. Trong Thế chiến thứ Nhất, người ta ghi nhận những sinh vật nhanh nhạy, can trường này đã thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ phức tạp.

Trong Thế chiến thứ Hai, bồ câu từng phục vụ cho quân đội Anh trong việc dò la động tĩnh của phát xít Đức. Vào năm 2007, tờ Telegraph đăng bài tiết lộ hàng trăm con chim bồ câu được một bộ phận quản lý bí mật huấn luyện rồi đưa lên các máy bay ném bom để thực thi nhiệm vụ. Chúng được đặt trong những chiếc hộp nhỏ, thả dù xuống sau phòng tuyến của kẻ địch vào ban đêm.

Bay là là trên mặt đất, những con chim này thường được nông dân phát hiện vào sáng sớm. Họ tỏ vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy những vị khách bất ngờ này, bởi vì những con chim thường mang bên mình bộ thiết bị gián điệp thu nhỏ, trong đó có ống nhựa để đặt thông điệp, những tờ giấy cực mỏng, một cây bút chì đặc biệt, các hướng dẫn chi tiết bằng tiếng Pháp, tiếng Flemish hoặc tiếng Hà Lan để ghi vào báo cáo.

Hơn 1.000 con chim bồ câu đã trở về với các thông điệp, bao gồm thông tin chi tiết về các địa điểm phóng tên lửa V1 và các trạm radar của Đức. Sau chiến tranh, người Anh đã hủy bỏ các hoạt động do thám có liên quan đến chim bồ câu, nhưng CIA lại tìm thấy ở loài chim này những khả năng có thể khai thác để phục vụ cho hoạt động tình báo trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Dự án Tacana

Với dự án Tacana vào những năm 1970, CIA đã đưa hoạt động gián điệp của bồ câu lên một tầm cao mới. Những con chim này được gắn camera trị giá 2.000 USD/chiếc, nặng 35g qua một băng dán chỉ 5g. Các buổi kiểm tra chi tiết được tiến hành trên các địa điểm trọng yếu, được xem là mục tiêu tấn công của đối phương khi xảy ra chiến sự. Sau những thử nghiệm có kết quả tốt, CIA lên kế hoạch tìm hiểu về sự phát triển tàu ngầm bí mật hàng đầu của Liên Xô, qua việc sử dụng những con chim này.

Tại sao lại là chim bồ câu? Hãng tin BBC nhận định rằng, do loài chim này sở hữu một khả năng đáng kinh ngạc, gần như là siêu năng lực. Dù được thả xuống ở một nơi nào đó chưa từng biết trước đây nhưng chúng vẫn tìm được đường về nhà cách đó hàng trăm dặm.

Cũng theo BBC, các hồ sơ cho biết “những con chim được bí mật chuyển bằng đường biển đến Moscow”. Để làm được điều này, CIA phải tính toán rất kỹ qua các thử nghiệm với nhiều hình thức khác nhau. Họ tính đến tình huống chim bồ câu xuất hiện từ dưới một chiếc áo khoác dày hoặc từ một lỗ trên sàn xe hơi khi đậu đỗ. Thậm chí, chim bồ câu có thể được tung qua cửa khi xe đang chạy với tốc độ lên đến 80 km/giờ.

Trong tài liệu được giải mật mật này, không có thông tin nào cho biết những con chim bồ câu có thực sự hoàn thành nhiệm vụ của chúng hay không. Tuy nhiên, theo BBC, một con chim bồ câu mô hình với camera đã được trưng bày trong một bảo tàng tại Tổng hành dinh của CIA ở Langley, Virginia, trước khi những tài liệu trên được tiết lộ. Mặc dù mọi thứ được giữ kín, nhưng rõ ràng, cơ quan tình báo của Mỹ ít nhất cũng thừa nhận hoạt động này trong quá khứ của họ.

 Chim bồ câu trang bị máy ảnh để làm nhiệm vụ

Chim bồ câu trang bị máy ảnh để làm nhiệm vụ

Những loài thú gián điệp khác

Ngoài bồ câu, quạ cũng từng được sử dụng để thả những thiết bị ghi âm trên gờ cửa sổ của kẻ tình nghi. Ánh sáng đóng một vai trò chủ yếu trong việc định hướng quạ. Người ta chiếu tia laser đỏ ở mục tiêu muốn nó bay đến và dẫn dụ nó trở về căn cứ bằng một ngọn đèn. Chim ưng và cả vẹt mào cũng được đánh giá cao về khả năng hoạt động bí mật.

Cá heo thường được huấn luyện để thực hiện các hoạt động dưới nước. Cũng có những thử nghiệm để xem liệu loài cá này có thể mang cảm biến để thu thập âm thanh của tàu ngầm hạt nhân hay tìm kiếm dấu vết vũ khí sinh học từ các cơ sở gần đó hay không. Họ cũng xem xét huấn luyện cá heo để chúng lấy hoặc đặt các gói hàng lên tàu khi tàu di chuyển.

Chó và mèo được coi là những con vật tiềm năng trong hoạt động bí mật. Các thử nghiệm được thực hiện liên quan đến việc điều khiển từ xa đối với loài chó bằng cách dùng điện kích thích bộ não của chúng. Trong khi đó, mèo là một phần của kế hoạch gọi là “Acoustic Kitty”, theo đó, người ta sẽ cho chúng nuốt các thiết bị nghe trộm vào bụng!

Kết quả các nhiệm vụ bí mật do những con thú thực hiện thường không được công bố rộng rãi. Số phận những con chim bồ câu trong dự án Tacana không được biết, nhưng những phát hiện của CIA chắc chắn mang lại lợi ích cho họ. Theo BBC, “các chuyên gia nhận thấy chất lượng của những bức ảnh tốt hơn những gì vệ tinh do thám cung cấp ở cùng thời điểm”.

Tuy nhiên, dùng thú vật trong hoạt động gián điệp không rẻ chút nào. CIA tường trình đã “tốn hơn 600.000 USD trong 3 chương trình – Oxygas cho cá heo, Axiolite cho loài chim và Kechel liên quan đến chó, mèo”.

Ngày nay, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của máy móc và công nghệ, các chuyên gia cho rằng việc sử dụng gián điệp động vật đã trở nên lạc hậu. Các con vật như chó, mèo, chim, cá… hầu như đã được để yên, không còn bị con người lợi dụng trong các cuộc xung đột nữa.

Theo Thiên Lý -Thevintagenews

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/cia-su-dung-gian-diep-bo-cau-trong-chien-tranh-lanh-4047859-b.html