CIA chờ đón nữ giám đốc đầu tiên trong lịch sử

Với việc Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng thay thế ông Rex Tillerson đã bất ngờ bị Tổng thống Donald Trump cách chức, sự nghiệp tình báo của bà Gina Haspel bắt đầu nở rộ. Nếu được Thượng viện thông qua, bà Gina Haspel sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Mỹ đứng đầu CIA.

Bà Gina Haspel được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm Giám đốc CIA. Ảnh: AFP

Ngày 13-3 (giờ địa phương), cùng với việc quyết định bổ nhiệm Giám đốc CIA Mike Pompeo giữ chức Ngoại trưởng Mỹ thay ông Rex Tillerson - người mới bị cách chức trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc CIA Gina Haspel lên nắm quyền lãnh đạo cơ quan tình báo này.

Nếu được Thượng viện thông qua, bà Gina Haspel sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Mỹ đứng đầu CIA. Tuy nhiên, động thái này đang gây ra nhiều tranh cãi bởi bà Haspel cho đến nay vẫn là một nhân vật hứng chịu nhiều chỉ trích trong chính quyền Mỹ vì vai trò quan trọng trong chương trình tra tấn tàn bạo của CIA thời cựu Tổng thống George. W. Bush.

“Bông hồng” quá nhiều gai

Bà Gina Haspel, 62 tuổi, là điệp viên nổi tiếng cứng rắn. Bà bắt đầu làm việc tại CIA từ năm 1985, trong đó hầu hết đều hoạt động bí mật.

Chỉ hơn 1 năm sau các cuộc tấn công ngày 11-9-2001, CIA đã phái một quan chức bí mật, đó là bà Haspel, đến giám sát một nhà tù bí mật ở Thái Lan, nơi chuyên giam giữ các tội phạm khủng bố của Mỹ. Không lâu sau đó, tại nhà tù này, một trong số các nghi phạm khủng bố bị giam giữ là Abu Zubaydah bị tra tấn điên cuồng tới mức dường như đã thiệt mạng nhiều lần. CIA bị cáo buộc trấn nước Zubaydah 83 lần và còn ném nghi phạm này vào tường. Tuy nhiên, CIA bị cáo buộc xóa các đoạn băng ghi lại cảnh tra tấn các nghi phạm và bà Haspel được cho là có liên quan tới quyết định này.

Vì vậy, trong thời gian bà Haspel nắm quyền ở nhà tù này, có tên gọi bí mật là “Cat's Eye” (Mắt mèo), bà nhận được sự chú ý của giới chức cấp cao CIA trong các hoạt động chống khủng bố và họ nhận thấy bà sẵn sàng tham gia vào chương trình thẩm vấn kinh hoàng, một công việc đã định hình sự nghiệp của bà. Haspel trở thành “ngôi sao đang lên” trong “chương trình đen” của CIA.

Nhưng cũng chính chương trình này đã khiến tên tuổi bà Haspel cho đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Nhiều báo cáo điều tra được công bố sau đó về chương trình thẩm vấn khắc nghiệt này khiến tất cả ngỡ ngàng bởi tính tàn bạo quá sức của các nhân viên CIA cùng những sai lầm của tổ chức tình báo này, trong đó có các hình thức như tra tấn nước và các hành vi tra tấn tâm lý như dùng tiếng ồn, hành quyết giả, không cho ngủ…

“ Vận mệnh” thay đổi dưới thời ông Trump

Nhưng dưới thời Tổng thống Trump, vận mệnh của bà đã thay đổi. Ông Trump đề cử bà Haspel làm phó Giám đốc CIA từ tháng 2-2017 và nay là Giám đốc CIA.

Sự trở lại của bà Haspel trong vai trò quyền lực này gây nhiều tranh cãi. Nhiều người lo ngại, bà có thể khôi phục chương trình thẩm vấn tàn bạo trong quá khứ. Vấn đề đặt ra là, mặc dù các nghị sĩ, các nhà hoạt động nhân quyền và nhiều người khác lên án những phương pháp tra tấn thời cựu Tổng thống Bush, vẫn có nhiều người ủng hộ chương trình này, trong đó có Tổng thống Trump. Ông chủ Nhà Trắng từng tuyên bố ủng hộ việc áp dụng trở lại các biện pháp tra khảo đối với các nghi phạm khủng bố.

Nhưng cửa ải mà bà Haspel cần phải vượt qua chính là Thượng viện. Vì vậy, theo CNN, trong phiên chất vấn sắp tới tại Thượng viện trước khi được bổ nhiệm chính thức, bà Haspel có thể sẽ phải điều trần về vai trò của bà trong hồ sơ tra tấn này. Nếu không giải thích thỏa đáng vấn đề này, bà Haspel có thể để mất đi sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng Cộng hòa, hiện đang nắm giữ 51-49 ghế tại Thượng viện. Và nguy cơ để vuột mất chiếc ghế giám đốc CIA đang hiện hữu.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_174807_cia-cho-do-n-nu-gia-m-do-c-da-u-tien-trong-li-ch.aspx