Chuyện xúc động đằng sau gánh mì đàn ông ở Đà thành

Mỗi sớm, khi đàn bà phụ nữ cả làng Phú Chiêm (xã Ðiện Phương, thị xã Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam) rộn ràng từng đoàn từng tốp với gánh mì Quảng mưu sinh, có một người đàn ông lẻ bóng trên chiếc xe máy cũ mèm lầm lũi hướng ra Ðà Nẵng. Ba năm trước, vợ anh đã chết vì tai nạn trên đường chở mì ra Ðà Nẵng bán, để rồi từ đó anh gánh tiếp công việc của vợ nuôi 3 đứa con dại.

Cơm áo của cả gia đình trông cậy vào hàng mì Quảng của anh Hoài mỗi sớm. Ảnh: Thanh Trần

Cơm áo của cả gia đình trông cậy vào hàng mì Quảng của anh Hoài mỗi sớm. Ảnh: Thanh Trần

Người đàn ông chịu thương chịu khó ấy là anh Nguyễn Hoài (46 tuổi, thôn Triêm Nam). Người đàn ông duy nhất ở ngôi làng dưới chân cầu Câu Lâu nấu mì và đi bán mì xuyên tỉnh.

Xe mì “gà trống”

“Tô đầy đủ!”, tiếng một người vừa bước vào hàng mì kêu lên. Anh Hoài chẳng kịp ngẩng mặt xem ai, chỉ “dạ” thật to rồi thoăn thoắt gắp đũa mì nhúng vô nồi nước sôi trên lò dầu hỏa. Đôi tay thô bè vốc mớ rau sống để vào tô, đổ tiếp phần mì vừa luộc nóng, lại với qua chan nước nhân rồi rắc thêm đậu phụng, bánh tráng. Khách đến dồn dập, anh lật đật nấu nấu chan chan. Tới nỗi chiếc mũ lưỡi trai đã sụp xuống nửa mặt mà anh cũng chẳng dám phần mấy giây kéo lên. Mãi đến gần trưa, khách thưa dần anh mới nghỉ ngơi ăn bữa sáng. “Giờ dọn xong hết chồng tô này gửi lại đây, tui chở hũ, giỏ, bao bì về. Chuẩn bị cho nồi mì ngày mai”, anh nói.

Chặng đường hơn 30 cây số từ Đà Nẵng về lại làng mì giữa trời nắng chang chang, anh Hoài quẹo xe vào chợ gần nhà. Đôi chân vừa chạm đất đã chạy. Sạp thịt, sạp tôm, sạp rau, sạp trứng…chỉ cần thấy anh là tự chuyền hàng ra trước, không cần hỏi giá cũng chẳng cần cân đong. Mình anh là đàn ông lội giữa những lao nhao rộn ràng chốn chợ đò. Thỉnh thoảng, có chị hỏi thăm bán đắt hay ế, cũng có người thương cảm dúi cho thêm cọng hành, quả ớt.

Về đến nhà đã quá trưa, cậu con đầu Nguyễn Long (17 tuổi) nấu sẵn cơm, nhưng anh mệt không nuốt nổi. Giữa chiều, chái bếp nhà anh đỏ lửa, lùa ra mùi thơm như cả trăm nhà khác giữa làng mì Quảng nức tiếng này. Mãi cho tới tận đêm, nồi nước nhân - thứ quan trọng nhất của tô mì đã thấm thía anh mới kết thúc một ngày.

Hai giờ sáng, giờ cả làng Phú Chiêm thức giấc. Bếp nhà ai nhà nấy lại đỏ lửa để chăm chút cho nồi mì hoàn thiện. Trong căn nhà buồn tẻ nằm ngay sát đường bê tông, anh Hoài lặng lẽ nêm nếm, nhặt rau, chất mọi thứ lên xe lao vào đêm bắt đầu một ngày mưu sinh. Ra tới cầu Câu Lâu, phụ nữ trong làng đã đông đen, thi thoảng mới có một bóng đàn ông chở vợ ra đón xe. “Mỗi ngày tui ngủ được có 4, 5 tiếng đồng hồ. Rúi nhùi với xe mì. Ở làng này chỉ mình tui đàn ông mà suốt ngày chui vô bếp, bưng bê buôn bán nhỏ lẻ. Ra chợ cũng vậy, có mình mình tóc ngắn bô ba với mấy bả”, anh thủ thỉ.

Đôi mắt trũng sâu thâm quầng vì thiếu ngủ nhìn xa xăm. Anh trầm tư bảo nghề mình đang làm đàn ông vừa ngán, vừa chê bai. Họ coi đó là “việc đàn bà”, bởi không chỉ vất vả mà còn đòi hỏi khéo léo cả tay lẫn miệng mồm. Có đi phụ hồ nhìn vẫn “sang” hơn. Nhưng mặc kệ, tô mì của anh vẫn có mặt ở Đà Nẵng hàng ngày. Mỗi tháng, anh kiếm gần chục triệu đồng nhờ xe mì xuyên tỉnh này.

Gượng dậy nhờ yêu thương

Chính anh, cũng chẳng thể ngờ một tháng 28 ngày trừ rằm và mồng một mình lại bon chen cơm áo giữa chốn phồn hoa này. Một sáng mùa hè 3 năm trước, cuộc điện thoại từ xa báo về vợ anh đã chết vì tai nạn trên đường chở mì ra Đà Nẵng để bán. Người đàn ông thường xuyên đau ốm đổ gục. Ba đứa con, đứa đầu mới 14 tuổi bỗng chốc mất đi “bầu sữa”. Tổ ấm hóa buồn tênh, lạnh lẽo. “Lo vợ yên nghỉ xong, tui tính đường đi làm nuôi con. Sức khỏe mình có hạn, nếu phụ hồ thì tuần được vài buổi là cùng. Tui nhớ hôm đưa tang vợ, mấy người ở Đà Nẵng tới động viên cứ nấu mì ra bán, ngon dở gì cũng ủng hộ”, anh kể.

Nồi mì của người vợ quá cố lại được bắc lên bếp bởi đôi tay vụng về của người chồng. Mấy bữa đầu, hôm mặn hôm nhạt, hôm thiếu cái này quên cái kia. Song nấu mãi cũng thành thục, điêu luyện. Tô mì của anh đã thơm ngon ngang ngửa với những nồi có tiếng trong làng. Người cùng anh nối nghiệp vợ là Long, cậu con trai đầu. Long kể khi mẹ còn sống, Long chỉ phụ việc vặt. Nay thì đảm nhận luôn khâu sơ chế, tẩm ướp nguyên liệu nấu mì cho ba. Có nghĩa là nồi mì ngon hay dở phụ thuộc rất lớn vào đôi tay của cậu bé 17 tuổi. Hai ngày cuối tuần, Long không đi phụ hồ mà theo ba ra Đà Nẵng bán mì. Cậu tất bật bưng bê, dọn dẹp, khi ba bận thì tới múc mì cho khách. Nấu mì và bán mì đã không còn là khó khăn với hai cha con nữa. Anh Hoài nói: “Cháu mới lớn nhưng làm thành thục, bài bản lắm. Tui thương con và con cũng thương tui nó mới chịu khó như vậy. Tui nghĩ chỉ cần yêu thương nhau là gượng dậy và vượt qua được hết”.

Xót thương hàng mì “gà trống”, người dân Ðà Nẵng vẫn thường phụ giúp anh bưng bê, dọn dẹp. Ảnh: Thanh Trần

Anh còn đón nhận sự yêu thương, đồng cảm ngay giữa phố phường. Đầu tiên là bà chủ nhà cho thuê khoảng sân để buôn bán với giá “như cho” mỗi tháng. Lúc đông khách bà còn ra phụ giúp anh. Bà chia sẻ cứ nhìn cảnh hai cha con anh Hoài đội nón đứng bán mì là đứt ruột. Bà hiểu nỗi đau và thiệt thòi khi thiếu vắng người phụ nữ trong gia đình. Rồi cả những vị khách xót thương cảnh “gà trống nuôi con” đã chấp nhận những tô mì dở tệ ban đầu để động viên anh đừng bỏ cuộc. “Hồi tui mới đi bán thiệt tình tui ăn còn thấy dở, vậy mà người dân ở đây vẫn đến đều đều. Có người tới thấy mì còn quá chừng liền gọi điện kêu bạn bè ăn giúp, người thì mua về. Hiếm khi tui bán ế lắm. Biết bà con ở đây thương mình vậy, nên cứ phải gắng nấu thiệt ngon, buôn bán đàng hoàng để cảm tạ họ”, anh cảm kích.

“Nhiều bữa vừa chạy xe vừa khóc từ trong quê khóc ra tới Ðà Nẵng. Thiệt tình tủi thân lắm chứ. Nhưng cứ nghĩ 3 đứa con ở nhà có cho mình quyền yếu đuối chây lười đâu. Vợ mình cũng vì con mà bươn chải mười mấy năm trời với gánh mì đó thôi. Thương con là tui chịu được hết. Sau này, cháu lớn đủ 18 tuổi tui sẽ cho đi học nghề. Hai cháu sau mong học chữ tốt để đỡ cực. Còn tui sẽ giữ nồi mì của vợ, ai nói nghề đàn ông đàn bà chả quan trọng, miễn là bù đắp cho con”, anh Hoài trải lòng.

Thanh Trần

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chuyen-xuc-dong-dang-sau-ganh-mi-dan-ong-o-da-thanh-1390304.tpo