Chuyện xúc động cuối năm : Để lại cho đời

Trong rất nhiều thông tin thời sự đáng quan tâm, những dòng tin không vui vẻ hàng ngày, tôi đã dừng lại rất lâu trước dòng tin 'Người mẹ nông dân hiến tạng con trai'.

Người mẹ đã có quyết định mà không phải ai cũng có thể làm được

Đó là quyết định cực kỳ khó khăn, tôi nghĩ vậy. Nếu không có tình thương lớn, suy nghĩ sâu xa thì không thể làm được. Đặc biệt, với phong tục truyền thống của người Việt, để có thể chấp nhận việc hiến mô tạng sau khi chết không phải là chuyện dễ thông suốt. Vì trong suy nghĩ của người dân, nhất là ở quê, ai cũng muốn người thân của mình sau khi chết được vẹn toàn thân thể, mồ yên mả đẹp.

Vượt qua quan niệm đó là một sự chiến thắng định kiến thuộc về văn hóa truyền thống, bởi vì “Con mình phải để lại thứ gì đó cho đời” - lý lẽ sâu sắc của người mẹ trẻ!

Để lại thứ gì đó cho đời là nguyện ước mà hẳn ai sinh ra làm người với mong muốn sống tử tế cũng đều làm như thế, nếu có điều kiện. Trong đời, có rất nhiều người không thể thực hiện được ý nghĩa của câu nói giản đơn của người mẹ nông dân ấy, có thể do không nhận ra giá trị của mình và cũng có thể do ích kỷ, không vượt qua được những định kiến…

Tôi nhớ, trong một lần đi hiến máu đã đọc được câu: “Khi ta nằm xuống, những gì ta xài đã mất; những gì ta để lại, người khác xài; ta chỉ đem theo được những gì ta đã cho”. Đó là câu nói mà tôi chưa được biết tác giả nhưng có ấn tượng mạnh về thông điệp rõ ràng từ nội dung.

Nguyễn Tiến Mạnh, chàng trai tuổi 19, tuổi đẹp nhất đời người ở Lương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang ra đi - đau xót, vì đó là tai nạn giao thông - một vấn nạn của nước ta. Nhưng việc quyết định của chị Nguyễn Thị Hương (mẹ em) đã làm cho Mạnh được nối dài sự sống bằng chính sự sống của những người may mắn nhận được “món quà” vô giá của em.

Được biết, Mạnh là con trai đầu trong gia đình có 3 con trai của vợ chồng chị Hương. Mạnh học hết lớp 9 thì nghỉ học đi làm thợ mộc, vì mẹ yếu không lao động được, bố làm thợ xây. Ngày định mệnh ấy, Mạnh chở em trai 9 tuổi và gặp tai nạn giao thông. Cả hai anh em đều chấn thương sọ não nhưng em trai Mạnh may mắn hơn, đã được phẫu thuật và hồi tỉnh, còn Mạnh chết não.

“Hổ chết để da, người ta chết để tiếng”, đúc kết của người xưa là bài học sâu sắc về việc mình sống như thế nào sẽ là gia tài để lại cho cuộc đời chứ không phải chỉ là địa vị, tài sản. Tiếng của một người nào đó cũng chính là sự sống của họ trong lòng người ở lại, trong câu chuyện của cộng đồng mỗi khi nhắc nhớ. Mạnh tuy đã đi xa nhưng em vẫn hiện diện nơi cuộc đời lòng biết ơn, sự kính nể dành cho người sinh ra em.

Cũng có những người để lại tiếng, nhưng đó là tiếng xấu, là những bình luận đầy oán thán chỉ vì lòng tham, ích kỷ, tư lợi, vinh thân phì gia. Cùng một dòng chảy thời sự trong những ngày cuối năm, tôi nhận ra giữa giá rét của lòng tham và sự trả giá, thì vẫn có hơi ấm của tình người và trái tim nhân hậu, đáng để mình cảm ơn và tự nhủ: cuộc đời vẫn còn bao cái đẹp để ta tin yêu!

Bình Minh

Con số biểu hiện tình người

Trên 13.000 người đăng ký hiến tạng cứu người sau khi qua đời. Thông tin này được Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) công bố cuối năm 2019.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - bác sĩ Nguyễn Tri Thức chia sẻ, đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của bệnh viện ra đời ngày 17-6-2014, phát hành thẻ hiến tạng đầu tiên ngày 28-10-2014. Từ đó đến nay, sau mỗi năm, số người đăng ký hiến tạng ngày một tăng. Đến ngày 9-12-2019 đã có 13.025 người đăng ký hiến tạng. Trong năm 2019, đơn vị đã tiếp nhận được sự tình nguyện hiến tặng tạng từ 20 gia đình có người thân chết não, tim.

Qua sàng lọc, đơn vị đã kịp thời nhận được từ 4 trường hợp với 6 quả thận, 2 lá gan, 1 quả tim, 8 giác mạc, điều phối ghép mang lại sự sống, ánh sáng cho 17 bệnh nhân. Hiện sức khỏe của họ đều ổn định. Theo bác sĩ Thức, tính từ năm 2008 đến nay đã có 52 quả thận, 8 lá gan, 6 quả tim, 1 khối tim - phổi và 34 giác mạc được ghép cho những bệnh nhân cần để nối dài sự sống. (H.Lộc)

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//phatgiaotuoitre/2020/01/21/364291/