Chuyện xưa soi rọi đến mai sau

Chọn tác phẩm kịch thơ của cố tác giả Hoàng Công Khanh, Nhà hát Chèo Quân đội đã dàn dựng và ra mắt vở chèo 'Bến nước Ngũ Bồ' (hay còn gọi là 'Ngũ Bồ giang').

Qua bàn tay được ví như “phù thủy sân khấu” của đạo diễn, NSND Lê Hùng cùng dàn diễn viên tài năng của Đoàn diễn 1 Nhà hát Chèo Quân đội, vở diễn hứa hẹn mang lại thành công lớn trong cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc, diễn ra vào tháng 9 tới.

Vở kịch thơ “Bến nước Ngũ Bồ” của tác giả Hoàng Công Khanh đã rất nổi tiếng, được dàn dựng, công diễn ở nhiều địa phương trong cả nước cũng như nước ngoài từ năm 1953. Những năm trở lại đây, “Bến nước Ngũ Bồ” được nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp dàn dựng, trên sân khấu của Nhà hát Cải lương Việt Nam, Đoàn Cải lương Nam Định… Lần này, Nhà hát Chèo Quân đội chọn kịch thơ “Bến nước Ngũ Bồ” để chuyển thể chèo, dàn dựng vở diễn và đưa đi “thi đấu” ở cuộc thi chuyên nghiệp toàn quốc của làng chèo mang nhiều ý nghĩa. Theo Đại tá, NSND Quốc Trượng, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, “Bến nước Ngũ Bồ” được nhà hát ấp ủ dàn dựng từ năm 2012. Tuy nhiên, với việc dàn dựng vở diễn mang dấu ấn lịch sử luôn có sự cân nhắc về chủ đề, tư tưởng làm sao cho phù hợp với tính thời sự. Do đó, đến năm nay, nhà hát mới quyết định dàn dựng và mời NSND Lê Hùng đạo diễn. Kịch bản “Bến nước Ngũ Bồ” phù hợp với sân khấu chèo truyền thống, chủ đề tư tưởng tốt, nội dung mang tính hiện đại và hấp dẫn. Mặc dù đề tài dã sử dân gian luôn khó làm, nhất là nhân vật chính trong kịch bản-Lê Liêm rất ít tư liệu lịch sử, nội dung chuyện không nhiều, nhưng qua tài năng sáng tạo của ê kíp nghệ sĩ, vở diễn đã hoàn thành và ra mắt khán giả. Hy vọng, vở diễn đưa tới người xem cái nhìn sâu sắc hơn về một giai đoạn lịch sử của dân tộc với những con người-họ dù chỉ là nông dân, ngư dân nhưng luôn một lòng trung thành, sẵn sàng xả thân bảo vệ giang sơn đất nước.

 Cảnh trong vở chèo “Bến nước Ngũ Bồ”.

Cảnh trong vở chèo “Bến nước Ngũ Bồ”.

Bối cảnh của vở chèo “Bến nước Ngũ Bồ” được đạo diễn Lê Hùng dàn dựng khá gọn, không nhiều nhân vật để nêu bật câu chuyện lịch sử đầu thế kỷ 15, đất nước ta bị giày xéo bởi nạn giặc Minh phương Bắc, Lê Lợi chiêu tập anh hùng hào kiệt ở rừng núi Lam Sơn, Thanh Hóa để chống quân xâm lược. Nhằm tăng thêm binh lực, Lê Lợi đã phái người em họ Lê Liêm-một tráng sĩ yêu nước sang Chiêm Thành để mời những nghĩa sĩ Việt còn ẩn náu bên đó từ khi Hồ Quý Ly thất trận, trở về Tổ quốc, giúp ông đánh giặc cứu nước. Gánh vác trọng trách trên vai, Lê Liêm lên đường ra đi. Để đến được Chiêm quốc, Lê Liêm phải vượt sông Ngũ Bồ-con sông chia đôi biên giới Chiêm-Việt. Ở đây, việc vượt Ngũ Bồ giang, sang Chiêm quốc là nhiệm vụ của Lê Liêm, nhưng lại trở thành hoàn cảnh khách quan tác động vào các nhân vật trong kịch và là căn cứ để các nhân vật trong kịch bộc lộ tâm lý, tình cảm, tính cách, hành động của mình. Thị Trinh (nghệ sĩ Nông Quỳnh Sen), con gái ông lái đò, là một trang quốc sắc thiên hương. Là phận gái, nhưng nàng cũng biết đau nỗi đau của sơn hà xã tắc. Hằng ngày bán rượu bên bến Ngũ Bồ, nhìn tờ cáo thị vẽ hình Lê Liêm, trong lòng nàng nhen lên tình cảm đối với người tráng sĩ. Để rồi khi gặp Lê Liêm (nghệ sĩ Thanh Huấn), sự cảm phục, tình yêu và lòng yêu nước khiến nàng không ngại nguy hiểm, tìm cách giúp Lê Liêm sang Chiêm quốc, hoàn thành trọng trách trên vai. Ông lái đò (nghệ sĩ Đình Óng), với ý chí quật cường, bền lòng vững chí, mang lòng căm thù giặc sâu sắc, đã không tiếc thân mình, chấp nhận hy sinh, để giúp Lê Liêm thoát khỏi vòng vây của kẻ thù. Đặng Ích (nghệ sĩ Xuân Được), viên thám binh người Việt làm tay sai cho giặc Minh, lần theo dấu vết, tìm cách vây bắt Lê Liêm, nhằm ngăn chặn kế hoạch “vượt Ngũ Bồ giang” của chàng… Hành động của các nhân vật trong “Bến nước Ngũ Bồ” được phân hóa theo hai hướng đối lập: Hướng hành động tìm mọi cách để bắt bằng được Lê Liêm (đại diện là Đặng Ích) và hướng hành động tìm mọi cách để giúp Lê Liêm thoát khỏi vòng truy đuổi, sang được Chiêm quốc (đại diện là ông lái đò). Chính sự đối lập giữa hai hướng hành động này đã tạo nên xung đột của vở diễn gắn với quá trình chạy-đuổi của hai tuyến nhân vật. Vì thế, ở vị trí của mình, mỗi nhân vật đã bộc lộ tính cách, tinh thần-cũng chính là “đất” để nghệ sĩ thể hiện tài năng diễn xuất.

Với mục đích ca ngợi, các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Quân đội đã chọn kết quả chiến thắng thuộc về ông lái đò. Để làm được điều này, ông lái đò phải hy sinh trong cuộc chiến không cân sức. Sự hy sinh của ông là sự hy sinh cao cả không phải của một nhân vật anh hùng, mà của một con người bình thường xin mặc áo của Lê Liêm-tấm áo hiển hiện trong cuộc rượt đuổi của thám binh nhà Minh từ đầu đến cuối vở diễn, để rồi hy sinh bởi mũi tên bắn phía sau lưng. Ông lái đò chính là hiện thân của người dân Việt yêu nước, giản dị, chân chất, mộc mạc, nhưng gan góc, quật cường, sẵn sàng xả thân vì sự tồn vong của đất nước.

Cũng theo đạo diễn Lê Hùng, câu chuyện này không có thật trong lịch sử mà được xây dựng nhờ trí tưởng tượng tài tình, sâu sắc của nhà văn Hoàng Công Khanh, lấy chuyện xưa để nói chuyện ngày nay, soi rọi đến mai sau về công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vở diễn “Bến nước Ngũ Bồ” không có nhiều sự kiện kịch tính tạo cảm giác hồi hộp, mà như một bài thơ trữ tình, nhẹ nhàng nhưng vẫn đầy hào khí, tinh thần tự hào dân tộc.

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/chuyen-xua-soi-roi-den-mai-sau-581860