Chuyến xe cứu thương nghĩa tình

Thương những hoàn cảnh khó khăn vất vả khi đi chữa bệnh ở Hà Nội, bà Phan Thị Bính (62 tuổi, ngụ tại tổ dân phố 2, Khu dân cư 22, Bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã cùng những người bạn góp tiền mua một chiếc xe cấp cứu, tình nguyện vận chuyển miễn phí bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn về các tỉnh, thành phố.

Khó khăn lắm chúng tôi mới hẹn gặp được bà Bính, dù đã cố gắng liên lạc từ sáng sớm. Không phải vì bà bận chuyện chăm sóc các cháu mà bởi ngay từ 3 giờ sáng, bà đã tất bật với các công việc thiện nguyện. Mỗi tuần 4 lần, bà cùng với đoàn thiện nguyện từ tỉnh An Giang tổ chức nấu, phát cơm, cháo cho các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện phóng xạ và u bướu Quân đội. Những suất cơm chay được bà Bính và 6 thành viên trong đoàn tự đi chợ, mua nguyên liệu và tỉ mẩn nấu rồi trao tận tay người bệnh. Buổi sáng sớm khi PV liên lạc, bà Bính vừa trở về từ bệnh viện và lại tất tả cho những công việc tiếp theo trong ngày.

Kể về ngọn nguồn câu chuyện, bBính cho biết, năm 2016 khi nghe câu chuyện về bệnh nhi 9 tháng tuổi, quê ở Quỳ Hợp, Nghệ An chết trên xe cứu thương vì bị bảo vệ bệnh viện xích xe không cho ra; tiếp đó, hình ảnh anh Lò Văn Muôn (quê Sơn La) phải chở thi thể em gái bó chiếu trên chiếc xe máy về nhà đã làm bà không thôi khắc khoải suốt một thời gian. Rồi tình cờ, biết đến mô hình xe cấp cứu miễn phí ở tỉnh An Giang qua một phóng sự truyền hình, bà cùng với người bạn thân đã lặn lội vào tận nơi để tìm hiểu về mô hình, cách hoạt động của xe cấp cứu miễn phí. Đồng thời, bà đi vận động bạn bè, người thân cùng tham gia.

Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình cùng tấm lòng nhân hậu của những người thuộc nhóm thiện nguyện cùng sự đồng ý của chính quyền, chiếc xe cấp cứu miễn phí đầu tiên của Hà Nội đã lăn bánh vào đầu tháng 12/2018 với ưu tiên vận chuyển những người bệnh nghèo (có xác nhận của phòng công tác xã hội bệnh viện) và đưa các trường hợp cấp cứu khẩn cấp đi điều trị.

Nhớ lại những ngày đầu mới đi vào hoạt động, bà Bính cho biết, đó là một hành trình đầy quyết tâm. Ban đầu, nhóm chỉ có vài người tham gia hỗ trợ nhưng không ai biết lái xe nên việc tìm một lái xe có thể bỏ thời gian, công sức chạy miễn phí là điều khiến nhóm đau đầu. Đồng hành với bà những ngày đầu là ông Mai Văn Toàn (55 tuổi,) từ An Giang ra. Tại An Giang, ông Toàn cũng là người lái xe cứu thương miễn phí. Những ngày đầu do ông chưa quen đường ngoài Bắc, mỗi chuyến xe đi, bà Bính phải đi cùng. Có chuyến phải chở người bệnh đi tỉnh vào ban đêm, cả lái xe và người nhà dều không thuộc đường nên vô cùng khó khăn. “Sau lần đó chúng tôi đã đầu tư lắp định vị trên xe, để thuận tiện cho việc đi lại” – Bà Bính cho biết.

Cùng với ông Toàn, đến nay đã có 10 lái xe quen thuộc địa bàn Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, miền Trung tình nguyện thay nhau cùng bà Bính vận hành chiếc xe cứu thương này. Với những cung đường xa, sẽ có 2 tài xế thay nhau lái, đảm bảo an toàn cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Dù không còn trực tiếp tham gia các chuyến xe nhưng bà Bính vẫn liên tục túc trực 24/24 giờ. Chỉ cần có người cần giúp đỡ, bất kể giàu nghèo, bà lại nhanh chóng điều động lái xe lên đường. Tuy nhiên, điều làm bà Bính và các thành viên trong nhóm thiện nguyện này lâu nay vẫn trăn trở đó là: Chuyến xe vẫn thiếu những đôi bàn tay của những tình nguyện viên là các y, bác sĩ - những người có chuyên môn nghiệp vụ trong ngành y tế. “Nhiều trường hợp hoàn cảnh quá khó khăn nhưng bệnh nặng cần bác sĩ, chúng tôi không giúp được nên đành chịu. Những lúc như vậy cảm thấy vô cùng buồn và bất lực”, bà Bính cho hay.

Sau gần 5 tháng đi vào hoạt động, đến nay đã có hàng trăm bệnh nhân được vận chuyển miễn phí từ các bệnh viện trên địa bàn thành phố về các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Lào Cai… Hỏi về con số chính xác, bà Bính cho biết, bà không nhớ và cũng thấy không cần nhớ, bởi đó là những gì mình đã cho đi thì đâu cần ghi lại làm gì.

Tới đây, bà Bính dự định cùng với đoàn thiện nguyện sẽ thành lập một cơ sở vừa khám bệnh phát thuốc nam miễn phí cho người nghèo, vừa mở quán cơm thiện nguyện để giúp được nhiều hơn nữa những hoàn cảnh khó khăn. Bà Bính cho biết, mô hình này hiện đã hoạt động gần 20 năm qua tại tỉnh An Giang và hiện bà đang được các thành viên trong đó hỗ trợ về công tác chuẩn bị. “3 năm trước khi tôi vào đó học hỏi mô hình xe cứu thương miễn phí, tôi đã rất ngạc nhiên trước những hoạt động này. Họ làm rất mạnh mẽ, làm với tư tưởng làm phước để được hưởng phước. Khi ấy tôi rất mong mình có thể làm được như vậy cho những người nghèo, người bệnh ngoài này. Quá trình vận hành xe cứu thương tôi nhận thấy vẫn còn nhiều người bệnh tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, bệnh viện K… cần được hỗ trợ. Được sự động viên và hỗ trợ của những người làm công tác thiện nguyện ở An Giang, tôi đã mạnh dạn triển khai ý tưởng trên” – Bà Bính chia sẻ.

Không mong cầu báo đáp, không vì một tấm bằng khen hay bó hoa cảm ơn, bà Bính và các thành viên trong nhóm chỉ mong việc làm của mình sẽ giúp được ngày càng nhiều người trong cơn hoạn nạn. Những tấm lòng nhân ái ấy luôn tự hứa với nhau, dù còn nhiều khó khăn vẫn luôn nỗ lực hết sức mình…

Hạnh Nguyên

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/chuyen-xe-cuu-thuong-nghia-tinh-d2066940.html