Chuyện xe bus và 'bác sĩ kê đơn'

Kể từ khi Hà Tây sát nhập vào Hà Nội đến nay, thành phố Hà Nội đã đầu tư xây dựng nhiều đường giao thông mới và không ngừng mở rộng dịch vụ xe bus để phục vụ nhân dân các xã ở vùng ngoại thành, đặc biệt là đến với vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, nếu tổ chức điều hành tốt các tuyến xe thì phát huy được hiệu quả kinh tế xã hội, thuận lợi cho người dân đi lại, ngược lại nếu tổ chức không tốt thì sẽ gây lãng phí rất lớn tiền của nhà nước và nỗi bức xúc trong nhân dân.

Từ nhiều năm nay, tôi là hành khách chuyên sử dụng phương tiện giao thông công cộng đó là xe bus, có thể nói là rất tiện lợi cho các đối tượng như học sinh sinh viên, và những người lao động, nhất là những người có thu nhập thấp, người cao tuổi. Những ngày đầu năm chúng tôi được trải nghiệm đi về các xã vùng trên của huyện Mỹ Đức (Hà Nội) với những cánh đồng lúa xanh rì đang mơn mởn thời con gái. Được chứng kiến bà con nông dân vùng quê đang ra đồng đi làm cỏ, bón phân vốn từ bao đời nay đây là vùng kinh tế thuần nông, ngoài hai vụ lúa hàng năm, bà con nông dân chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi theo kiểu nhỏ lẻ, truyền thống. Nghề phụ chưa có gì, ở thôn Vĩnh Xương xã Mỹ Thành bà con làm thêm máy găng tay bảo hộ lao động nhưng thu nhập cả tháng cũng chỉ được hơn 1 triệu đồng/người, lao động bình quân một ngày công được khoảng 40 nghìn đồng chỉ bằng một bát phở. Chính vì thế mà đã nghèo lại cứ nghèo mãi. Để tiến tới về đích xã đạt chuẩn nông thôn mới ở các xa vùng quê này gặp rất nhiều khó khăn, đơn cử như các xã Bột Xuyên, An Mỹ, Tuy Lai, Thượng Lâm, Đồng Tâm, Mỹ Thành...

Gặp cháu Đinh Quang Linh sinh viên năm thứ 2 trường đại học Bưu chính viễn thông cháu kể: bố mẹ cháu làm ruộng, chăn nuôi mấy chục con lợn nhưng hai năm nay đều bị bệnh bán thua lỗ mất hơn 30 triệu đồng, chắt chiu từng đồng cho cháu đóng học, ấy thế mà mỗi lần về quê thứ bảy, chủ nhật cháu phải đi tuyến xe bus từ trường đến bến xe Yên Nghĩa mất 7 nghìn đồng và đi tiếp xe bus 102 đến Ba Thá vé 9 nghìn đồng, sau đó đi xe ôm về nhà mất 20 nghìn đồng nữa, thế là mỗi tuần cháu mất 36 nghìn đồng/lượt và hai lượt là 72 nghìn đồng, và các bạn cháu ở các xã khác cũng đều trong hoàn cảnh như vậy.

Bà Nguyễn Thị Đường ở thôn Vĩnh Xương trung kể: chúng tôi thường xuyên đi ra Hà Đông để về quê Ba Vì, trước đây rất thuận tiện vì có tuyến xe bus số 80 (Mỹ Đình - Kênh Đào) chạy qua, là tuyến xe không trợ giá nên chỉ mất 20-25 nghìn đồng là đến bến xe Mỹ đình. Mỗi ngày cứ 40 phút lại có một chuyến bus chạy qua đường trục của làng. Nhưng từ một năm nay, tuyến xe này bị cắt chúng tôi phải đi xe ôm lên Ba Thá mất 20 nghìn đồng mới đón được xe bus 102 đi Hà Đông vé 9 nghìn đồng và đi tiếp ra bến xe Mỹ Đình vé 9 nghìn đồng nữa. Như vậy mỗi lượt đi mất từ 38-40 nghìn đồng/lượt.

Gặp và tiếp xúc với nhiều người dân ở vùng này, họ đều có những tâm tư nguyện vọng kêu ca nhà nước đã làm xong đường nhựa rồi mà lại cắt tuyến xe bus. Ở vùng quê nghèo này khó lắm, làm ra được đồng tiền đâu phải dễ. Tôi hỏi tại sao họ cắt tuyến xe, bà con đều cho rằng họ làm đường, nhưng con đường này đã làm xong, rộng 30m chạy dài từ Ba Thá xuống thị trấn Tế Tiêu là huyện lỵ của huyện Mỹ Đức đã xong với số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng rất tốn kém nay đã trải nhựa phẳng lỳ chạy dài gần 20 cây số, nhưng xe bus số 80 này chưa được nối lại. Bác Lê Văn Cánh nguyên trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Hà Tây đã hơn 70 tuổi tâm sự: "Tôi thường xuyên đi về quê nhưng đều phải đi xe tư nhân, lẽ ra phải có tuyến xe bus chạy từ Mỹ Đình đi Kênh Đào như cũ mà phải đến tận xã Hồng Sơn và Lê Thanh dọc theo huyện Mỹ Đức mới đúng."

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết do đặc điểm kinh tế tự nhiên của huyện Mỹ Đức là phân ra làm hai vùng rõ rệt, các xã chạy dọc theo ven bờ sông Đáy. Ở vùng cuối huyện có Chùa Hương nên thành phố Hà Nội đầu tư mở tuyến xe bus 103 đi từ Mỹ Đình về Chùa Hương nhưng lại chạy vòng vo qua huyện Thanh Oai, Ứng Hòa đến thị trấn Tế Tiêu và xuống Chùa Hương. Còn 9 xã vùng trên đã có đường rồi nhưng lại chưa có xe bus như các xã Bột Xuyên, Phúc Lâm, Thượng Lâm, Đồng Tâm, Tuy Lai, An Mỹ, Hồng Sơn, Lê Thanh, Mỹ Thành. Bác Đỗ Đăng Khoa cán bộ sở kế hoạch đầu tư thành phố Hà Nội đã về nghỉ hưu năm nay hơn 70 tuổi bác kể: "trước đây thường đi tuyến bus số 80, từ ngày tuyến bus này bị cắt, tôi phải đi tuyến xe bus 102 sang huyện Ứng Hòa rồi đi bộ sang sông về huyện Mỹ Đức mất từ 4-5 cây số, có lần đi xe ôm mất 20-40 nghìn đồng nữa.

Chúng tôi có tìm đến gặp anh Nguyễn Viết Sơn - Bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, theo anh cho biết xã cũng đã làm công văn đề nghị lên UBND huyện và Sở giao thông vận tải Hà Nội để mở lại tuyến xe bus số 80 (Bến xe Mỹ Đình - Kênh Đào) để cho người dân đỡ khổ. Vì dân số ở vùng này rất đông, học sinh sinh viên, người lao động hàng ngày ra thành phố đi làm ăn rất nhiều. Anh Sơn còn cho biết thêm chắc là cầu Hạ Dục ở Chương Mỹ đang làm nên họ tạm cắt xe bus. Được biết cách đây hơn 1 năm về trước, tuyến xe bus số 80 rất thuận lợi cho việc đi lại của người dân, đối tượng chủ yếu là học sinh, sinh viên các trường, người lao động đi làm thuê từ các vùng quê nghèo đi ra thành phố.

Tuy thành phố có mở tuyến xe bus 102 nhưng chỉ phục vụ cho nhân dân ở hai huyện là Chương Mỹ và Ứng Hòa vì xe chạy từ bến xe Yên Nghĩa qua huyện Chương Mỹ và đến Ba Thá là đi huyện Ứng Hòa. Còn những người ở các xã vùng trên huyện Mỹ Đức muốn đi xe bus phải đi xe ôm mất 5-6 cây số mới đón được xe, tập trung ở các xã vùng sâu vùng xa như đã nói trên, và tiền xe ôm họ phải trả từ 20-30 nghìn đồng/lượt, đời sống họ khó khăn lại càng khó khăn hơn, gặp những người dân họ kêu ca phàn nàn rất nhiều. Hơn nữa, mỗi năm nhà nước trợ giá cho xe bus thành phố Hà Nội hơn 100 tỷ đồng, thì người dân vùng sâu vùng xa chẳng lý gì lại không được hưởng lợi từ dịch vụ xe bus và đây cũng là đảm bảo cho sự công bằng trong xã hội.

Theo các phương tiện thông tin truyền thông, năm 2019, Sở giao thông vận tải Hà Nội có kế hoạch mở tuyến bus từ bến xe Yên Nghĩa đi Miếu Môn. Nếu mở tuyến này sẽ đi vào vết xe đổ, không có hiệu quả, gây tốn kém và lãng phí vì xe chỉ chạy qua Ba Thá đi thẳng vào Miếu Môn, và ở đó chỉ có xã Đồng Tâm và xã Trần Phú của huyện Chương Mỹ, còn lại 8 xã khác của huyện Mỹ Đức thì xe bus vẫn chưa được đến được với người dân?

Người viết bài này, mong rằng những người làm công tác điều hành giao thông đô thị nên nghiên cứu kĩ, điều chỉnh lại lộ trình những tuyến xe bus sao cho phù hợp với địa bàn dân cư để thuận tiện cho việc đi lại của người dân, và không để lãng phí tiền của nhà nước đầu tư cho giao thông. Cũng như bác sĩ khám bệnh, kê đơn thuốc cho người bệnh, phải chẩn đoán chính xác mới cứu được người, chừng mực nào đó bắt mạch không đúng bệnh, kê sai đơn thuốc thì căn bệnh đó vẫn dai dẳng không biết đến bao giờ mới chữa khỏi?

Trường Xuân

Theo Sức Khỏe 365

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/xa-hoi/tu-van/chuyen-xe-bus-va-bac-si-ke-don-a274878.html