Chuyện vượt qua cửa tử, trả giá bằng thất bại của PGS. Lê Hoàng Sơn

Lọt vào danh sách nhà khoa học hàng đầu trên thế giới có ảnh hưởng lớn nhất, ít ai biết rằng PGS. TS. Lê Hoàng Sơn từng đối mặt với thần chết và thất bại nhiều lần.

Vượt qua cửa tử

Ngày 08/11/2020, Tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ công bố danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu trên thế giới có ảnh hưởng lớn nhất năm 2020. Trong công bố này, đã có 22 nhà khoa học người Việt. PGS. TS. Lê Hoàng Sơn, Viện Công nghệ Thông tin (ĐHQGHN) là một trong 3 người Việt đứng đầu trong danh sách đó.

PGS. TS. Lê Hoàng Sơn

PGS. TS. Lê Hoàng Sơn

Không chỉ là nhà khoa hàng đầu trên thế giới có ảnh hưởng lớn nhất, PGS.TS Lê Hoàng Sơn còn là nhà khoa học trẻ tài năng có những công trình nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao, được các công ty công nghệ trong và ngoài nước đón nhận.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng PGS.TS. Lê Hoàng Sơn từng đối mặt với thần chết.

Nhà khoa học trẻ nhớ lại, hồi đó anh bị tai biến, bệnh nặng đến mức đưa vào nhà A9 của Bệnh viện Bạch Mai. “Vào nhà A9 là bị nặng lắm. Ngay đằng sau đó là nhà xác của bệnh viện. Cũng may, phòng có 10 người thì 9 người đi cửa sau, còn mình ra cửa trước…”.

Vượt qua cửa tử, những ngày sau đó của PGS.TS. Lê Hoàng Sơn cũng khó khăn không kém. Anh phải nghỉ học một năm ở nhà chữa trị và tập luyện. Anh được gia đình đưa sang Singapore phẫu thuật. Họ dùng tia Gamma chiếu trực tiếp vào đầu anh chứ không dùng dao mổ. Sau đó là một quá trình hồi phục khá thần kỳ của anh.

Quay trở lại trường lớp, sức khỏe yếu, hầu như ngày nào cũng phải có người đưa anh đi học, thậm chí phải có người thân ngồi học cùng bàn. Vượt qua những khó khăn, anh thi đỗ vào trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, anh được giữ lại trường và làm việc tại Trung tâm Tính toán hiệu năng cao (ĐH Khoa học Tự nhiên).

Nhớ lại ngày đó, PGS.TS. Lê Hoàng Sơn cho biết "đúng là bắt đầu từ con số không”.

Khoa học là đam mê lớn nhất

PGS.TS. Lê Hoàng Sơn kể, thời sinh viên anh từng “nổi loạn” với ước muốn làm game cho riêng mình và đã làm game snake (bắt rắn) đơn giản bằng ngôn ngữ lập trình Pascal; một số phần mềm tạo Screen Saver bằng Visual Basic 6 cho bạn bè để tỏ tình.

Tốt nghiệp đại học, anh nhận ra đam mê lớn nhất là nghiên cứu khoa học. Anh kể, cầm tấm bằng trên tay, anh có nhiều cơ hội làm cho các công ty nước ngoài với mức lương hấp dẫn, tuy nhiên anh luôn tự hỏi đam mê lớn nhất của mình là gì. Và anh nhận ra rằng đó chính là nghiên cứu khoa học, tạo ra các sản phẩm mới có ích cho xã hội. Thời gian đã chứng minh quyết định của anh là hoàn toàn đúng đắn.

Đối với PGS.TS. Lê Hoàng Sơn, nghiên cứu khoa học là đam mê lớn nhất.

Sau hơn 10 năm làm nghiên cứu, PGS.TS. Lê Hoàng Sơn đã có cả một gia tài với hơn 100 công bố khoa học, trong đó có nhiều bài báo trên các tạp chí uy tín thế giới trong hệ thống SCI/SCIE...

Anh cũng thực hiện nhiều nghiên cứu ứng dụng thực tế ở cả Việt Nam và quốc tế như hệ thống 3D GIS trong thiết kế hạ tầng mạng viễn thông, xây dựng ứng dụng hiến máu trên Android, ứng dụng quản lí địa chính trên Iphone…

Đặc biệt, có đến hơn nửa công trình nghiên cứu của anh được ứng dụng ngoài lãnh thổ Việt Nam, trong đó có những nước đi đầu về khoa học công nghệ như Mỹ, Italia, Đức...

PGS.TS. Lê Hoàng Sơn nhớ lại, anh nhận được đơn “đặt hàng” nghiên cứu về các hệ thống tối ưu mạng viễn thông trên địa hình ba chiều, ứng dụng tại tỉnh Bolzano - Bozen của Italy.

PGS.TS. Lê Hoàng Sơn kể, đây là một bài toán thú vị liên quan nhiều đến lý thuyết tối ưu toán học, mạng viễn thông, hệ thông tin địa lý (GIS), hệ động. Anh và nhóm nghiên cứu đã triển khai một số thuật toán thông minh trong 3D GIS và cài đặt thử nghiệm tại tỉnh Bolzano. Đến nay, họ đã nâng cấp trên nền tảng này và tiếp tục sử dụng.

Thời gian sau đó, anh tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp Italia, Đức và Mỹ trong một số đề tài tương tự. Anh được bệnh viện ở New York (Mỹ) đặt hàng xây dựng ứng dụng hiến máu trên Android...

Ở trong nước, PGS.TS. Lê Hoàng Sơn cùng các cộng sự hợp tác với các viện, các trường làm đề tài liên quan đến công nghệ tin học và công cụ hỗ trợ. Ví dụ, anh với Bệnh viện ĐH Y Hà Nội thiết kế các thiết bị hỗ trợ chẩn đoán...

Cứ đi rồi sẽ thành công

PGS.TS Lê Hoàng Sơn chia sẻ, để đi đến thành công người ta phải trả giá bằng những thất bại và anh không phải là ngoại lệ. Có những nghiên cứu do làm khảo sát chưa tốt nên đánh giá và ước lượng sai kế hoạch. Khi đó người sử dụng sản phẩm có ý kiến phản hồi, thậm chí có khả năng đổ vỡ sản phẩm. Từ đó anh rút ra các bài học để hoàn thiện sản phẩm tốt hơn.

PGS. TS. Lê Hoàng Sơn tâm niệm, làm bất kỳ nghề nào cũng cần sự say mê. Nếu không đam mê sẽ không đi đến đích. Tuy nhiên, đặc thù của nghề nghiên cứu là phải thử thách và dấn thân với những bài toán khó, chưa có lời giải. Để tìm ra chân lý có thể phải làm đi làm lại thí nghiệm nhiều lần, mỗi lần dù thất bại ta cũng sẽ học ra một điều gì đó. Bởi vậy, phẩm chất tiếp theo của nhà nghiên cứu là sự kiên nhẫn.

“Cứ đi rồi sẽ thành đường” đấy là tâm niệm của anh và nhờ đó, anh vượt qua được mọi vất vả, thất bại để gặt hái được thành công.

Mời độc giả xem video:Doanh nhân Bỉ xây dựng sự nghiệp nhờ nước dừa Bến Tre. Nguồn: VTV24.

Sơn Hà (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/tri-thuc-viet-toan-cau/chuyen-vuot-qua-cua-tu-tra-gia-bang-that-bai-cua-pgs-le-hoang-son-1560201.html