Chuyện 'voi' và 'lừa' trên chính trường Mỹ

Trong tuần này, khi hàng triệu cử tri Mỹ đổ tới các điểm bỏ phiếu để tham gia cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, thì trên gần như mọi tuyến phố, hình ảnh vận động của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ cùng những câu biểu ngữ luôn hiện hữu.

Hình ảnh voi và lừa vẫn là biểu tượng chính thức của 2 đảng lớn của Mỹ. Nguồn: AP.

Sự trỗi dậy của Thomas Nast

Trong những hình ảnh vận động chính trị đó, không thể thiếu đi những quan điểm chính trị, khẩu hiệu vận động và đáng chú ý nhất trong số đó chính là hình ảnh của con lừa và con voi. Hai con vật này - con lừa đại diện cho đảng Dân chủ và con voi đại diện cho đảng Cộng hòa - từ lâu đã ăn sâu vào nền văn hóa của nước Mỹ, và trở thành một biểu tượng nổi tiếng bậc nhất không khác gì ông già Noel Santa Clause hay Chú Sam.

Thế nhưng, phần lớn người dân Mỹ chắc chắn sẽ bị bất ngờ khi biết rằng cả 2 biểu tượng chính trị đó (cũng như hình ảnh ông già Noel hay Chú Sam) đều được thiết kế hình dạng hiện đại như ngày nay chỉ bởi một nghệ sỹ biếm họa duy nhất.

Tên của nghệ sỹ đó là Thomas Nast, và trong khoảng thời gian làm việc cho tờ tạp chí Harper’s Weekly, từ năm 1862 đến năm 1886, ông đã trở thành nghệ sỹ biếm họa chính trị đầu tiên của nước Mỹ - và là một trong những nhà châm biếm có quan điểm mạnh mẽ, rõ ràng nhất thời bấy giờ.

Trong những bản khắc gỗ cực kỳ chi tiết và nổi tiếng của Thomas Nast, nghệ sỹ này từng khắc họa lại Nội chiến Mỹ, sự hỗn loạn của thời kỳ tái thiết, làn sóng người nhập cư - và nổi tiếng nhất là hình ảnh về cỗ máy chính trị Tammany Hall. Đến nay, có nhiều người cho rằng từ “nasty” trong tiếng Anh - có nghĩa là tinh nghịch - bắt nguồn từ chính họ của ông là Nast. Và dù cho phần lớn các nhà sử học phản bác điều này, một số khác nghĩ rằng nó có thể đúng nếu nhìn vào phong cách vẽ tranh biếm họa của nghệ sỹ này.

Giới sử gia cho rằng Thomas Nast, người sinh trưởng ở thành phố New York trong khoảng những năm 1840-1850, từng là một đứa trẻ bị bắt nạt ghê gớm. Trên thực tế, các tác phẩm xuyên suốt sự nghiệp của Nast cũng thường có xu hướng nhạo báng mọi hình thức bắt nạt, và thể hiện sự đồng cảm của ông đối với các nạn nhân của nạn bắt nạt.

Khi làm việc cho tạp chí Harper’s Weekly, Thomas Nast cũng chuyên tâm sáng tác các tác phẩm xoay quanh 2 cột trụ chính này - sự bắt nạt và nạn nhân của nó.

Trong bức tranh biếm họa nổi tiếng có tên “Worse Than Slavery” (1874) - Tồi tệ hơn cả tình trạng nô lệ - Nast mô tả một gia đình người da đen không có sức phản kháng đang ngồi co rúm người trước một người thuộc đảng KKK. Trong một tác phẩm khác có dòng chú thích “Chúng đang nuốt lẫn nhau”, ông mô tả lại khối liên minh giữa bộ máy chính trị ở New York và đảng KKK; trong đó không có nạn nhân mà chỉ có 2 người đàn ông to béo với đôi mắt lồi.

Ngày nay, những hình ảnh biếm họa được chỉnh sửa thường là những hình ảnh đơn giản giúp người đọc có thể hiểu chỉ sau vài giây đọc lướt qua. Nhưng ngược lại, những bức biếm họa của Thomas Nast lại dày đặc chi tiết, ông coi đó không chỉ là những bức tranh có chủ đề mà chứa đựng cả thông tin, ý kiến phản bác trong nó. Mỗi bức họa của ông đều có thể được đem ra phân tích tỉ mỉ, từng chi tiết một...

Bức biếm họa được Thomas Nast sáng tác năm 1879 lần đầu tiên dùng hình tượng voi và lừa để mô tả 2 đảng tại Mỹ. Nguồn: CNN.

Câu chuyện voi và lừa

Ví dụ điển hình nhất cho ý kiến trên chính là bức biếm họa có tên “Third Term Panic” - Hoang mang nhiệm kỳ ba - được Nast sáng tác vào năm 1874 và được xem là đã giúp hình ảnh con voi trở thành biểu tượng của đảng Cộng hòa sau này.

Lúc bấy giờ, trong những tháng trước kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ, tờ New Yok Herald, thời điểm đó đang ủng hộ một số ứng viên đảng Dân chủ, đã phát tán tin đồn rằng Tổng thống Ulysses Grant, thuộc đảng Cộng hòa, đang có kế hoạch tranh cử nhiệm kỳ thứ ba vào năm 1876 - điều bị coi là vi hiến do chưa có Tu chính án 22. Thomas Nast, một người ủng hộ đảng của Lincoln, đã mô tả tờ Herald nhu một con lừa ẩn náu trong lớp da của một con sư tử, đe dọa nhiều loài động vật khác. Và một trong những con vật bị con lừa đe dọa chính là một chú voi với dòng chữ “Lá phiếu của đảng Cộng hòa” bên trên thân, và dường như con voi này đang chuẩn bị lao xuống bờ vực.

Đương nhiên, Thomas Nast không phải nghệ sỹ biếm họa đầu tiên sử dụng loài vật để minh họa về con người. Thực tế, trong lịch sử, câu chuyện về con lừa ẩn mình trong lớp da của sư tử từng được mô tả bởi nhà văn Hy Lạp Aesop. Nast cũng không phải nghệ sỹ đầu tiên so sánh đảng Cộng hòa với lớp động vật da dày: Trước đó một thập kỷ, nhiều đoạn quảng cáo đã tung hô đảng Cộng hòa bằng khẩu hiệu “Hãy nhìn chú voi”, một dòng khẩu hiệu từng được sử dụng trong Nội chiến Mỹ và có ý nghĩa rằng “Hãy chiến đấu một cách dũng cảm”.

Và trong khi Nast mô tả đảng Dân chủ như một con lừa rất nhiều lần trong khoảng thời gian mà ông gọi là “Hoang mang nhiệm kỳ ba” - và có đôi lần còn sử dụng hình ảnh con cáo - thì đảng Dân chủ và hình ảnh con lừa thực tế đã có liên hệ với nhau kể từ thời chính quyền Jackson cách đó nửa thế kỷ.

Nhưng chính trí tưởng tượng của Thomas Nast đã giúp cho hình ảnh con lừa và con voi trở nên phổ biến hơn. Bằng việc mô tả 2 chính đảng lớn như hai loài động vật, Nast dường như muốn so sánh cuộc đối đầu chính trị ở nước Mỹ với các trò diễn trong một rạp xiếc - giống như gánh xiếc Barnum&Bailey ở New York mà ông từng được xem. Giống như nhiều nghệ sỹ biếm họa nổi tiếng khác, Nast luôn châm biếm cả đảng mà ông ủng hộ lẫn đảng mà ông không ủng hộ theo cách công bằng nhất. Trong nhiều tác phẩm của mình, ông mô tả đảng Cộng hòa như một con vật yếu đuối, dễ hoảng sợ, dễ mất phương hướng; nhưng kích thước to lớn của nó lại tạo cảm giác đáng tin.

Trong khi đó, hình ảnh con lừa của Nast cũng không khá khẩm hơn. Bức biếm họa nổi tiếng mà ông sáng tác năm 1879 cho thấy một con lừa bướng bỉnh đang bị một người đàn ông nắm đằng đuôi, chuẩn bị lao vào một vực sâu được chú thích là “Hỗn loạn tài chính”.

Trên thực tế, những tác phẩm biếm họa của Thomas Nast thời bấy giờ thường xuyên mô tả cả con voi lẫn con lừa đều đang chuẩn bị lao xuống bờ vực hỗn loạn - một đánh giá được coi là chính xác và công bằng về 2 chính đảng của nước Mỹ trong thời kỳ Đại kim tiền.

Qua thời hoàng kim

Vào khoảng những năm 1880, Thomas Nast trở thành một trong những nghệ sỹ biếm họa được người ta nể sợ nhất ở nước Mỹ. Những kẻ lừa đảo, bịp bợm trong nội bộ cả 2 chính đảng đều xem ông như một kẻ thù đáng sợ.

Nhưng ngay sau đó, Thomas Nast phải đối diện với một số phận nghiệt ngã khi để mất hết tài sản của mình vì cái gọi là mô hình Ponzi. Đây là trò vay tiền của người này để trả nợ người khác. Kẻ đi vay đưa ra cam kết trả lợi tức cao cho người cho vay và quảng cáo với họ về những tấm gương đã từng nhận được lợi tức cao trước đây để hấp dẫn người cho vay. Người cho vay bị hấp dẫn bởi lợi tức cao lại thậm chí giới thiệu những người cho vay mới hơn. Bằng hình thức này, kẻ đi vay càng ngày càng vay được những khoản tiền lớn hơn từ nhiều người cho vay mới hơn.

Trớ trêu thay, Ponzi chính là mô hình mà Thomas Nast giành ra gần như toàn bộ sự nghiệp của mình để cảnh báo với người dân. Vào năm 1890, ông đã cố gắng tích tụ lại tài sản của mình bằng cách xuất bản một cuốn sách tranh với chủ đề Giáng sinh. Đáng tiếc là vào năm đó, Nast thực sự đã cạn ý tưởng và không còn động lực để sáng tạo như thời còn làm cho tạp chí Harper’s Weekly.

Thomas Nast kết cục phải giành những năm còn lại của phần đời mình trong nghèo khổ, sức khỏe suy giảm, và đau đớn nhất là phải rời khỏi sự nghiệp biếm họa huy hoàng.

Tuy nhiên, hình ảnh con voi và con lừa vẫn phổ biến cho tới tận ngày nay, chính nhờ bàn tay của Thomas Nast. Đến nay, con voi vãn là biểu tượng chính thức của đảng Cộng hòa, trong khi phía đảng Dân chủ không thừa nhận, nhưng thực tế họ vẫn luôn gắn liền với hình ảnh con lừa và sử dụng nó trong các chiến dịch vận động tranh cử.

Điều kỳ lạ là cả 2 chính đảng lớn của nước Mỹ vẫn luôn yêu quý hình ảnh tượng trưng của họ, dù biết được rằng 2 con vật lừa và voi từng được mô tả cực kỳ xấu xí, ngốc nghếch, dễ lạc hướng...dưới bàn tay của Thomas Nast. Theo giới chuyên gia, có thể họ không thèm xem lại lịch sử về hình ảnh 2 loài động vật này, cũng có thể họ biết thừa sự châm biếm của Nast nhưng vẫn tham gia vào để tự chế nhạo mình.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/chuyen-voi-va-lua-tren-chinh-truong-my-tintuc422377