Chuyện với thổ dân K'ho

Lần này đến Đà Lạt, tôi hào hứng nhất với chuyện đi 'phượt' quanh chân núi Lang Biang bằng xe máy.

Thường người ta chỉ lên đỉnh núi chụp ảnh, nhưng ít ai mò xuống con suối P’Lah dưới chân núi để bắt cá và nhảy xuống bơi lội. Lại có người xúi, nhớ vào bản Cù Lần, bắt một con cù lần xinh đẹp như con sóc nhỏ. Khi thấy động, con cù lần lấy hai chân trước che mặt, xấu hổ. Cứ thế nhặt lên cho vào túi...

Tượng tình yêu trên đỉnh Lang Biang.

Tượng tình yêu trên đỉnh Lang Biang.

Trái tim Cù Lần

Tôi phải kể ngay những chuyện khi vào bản Cù Lần thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương vì nhiều điều ngộ lắm. Đây là bản của người dân tộc K’ho sinh sống từ xa xưa. Trước khi người Pháp đến Đà Lạt, bộ tộc người K’ho tập trung sinh sống ở khu vực hồ Xuân Hương. Xưa kia, vùng hồ là một thung lũng lớn, có một con suối chảy dài, từ trên dãy núi Đông Trường Sơn dồn về. Sau đó, những dòng suối nhánh bị chặn lại, nước dồn cả về thung lũng Xuân Hương tạo thành hồ lớn. Một khu vực rộng mênh mông trở thành nơi nghỉ dưỡng cho quan chức Pháp. Người dân của bộ tộc K’ho bị dồn về chân núi Lang Biang cách xa hơn 10 cây số. Bản Lát là nơi dừng chân đầu tiên của họ. Vì quá đông, họ chia nhau tản mát thành những bản nhỏ, bám quanh chân núi Lang Biang. Bản Cù Lần là 1 trong 3 bản thuộc xã Lát ngày nay.

Thực ra, hàng trăm năm trước, người K’ho đã ở rải rác dọc con suối P’Lah, chảy dài quanh chân núi Lang Biang. Đến nay, bản Cù Lần vẫn còn tục “cà răng, căng tai” ở những người già. Đầu tiên, bản được đặt tên là Suối Cạn vì con suối P’Lah thường cạn kiệt vào mùa khô. Nhưng chính nơi đây, thổ nhưỡng đặc biệt sản sinh ra rừng cây cù lần - một dạng cây thuốc cầm máu chữa các vết thương nhanh khỏi. Dân trong bản thường chọn những gốc cây già, có nhiều tơ vàng sậm xuống chợ bán, rất đắt hàng. Nhưng điều thú vị hơn, trong khu rừng đầy cây quả tự nhiên đó có loài thú nhỏ xinh xinh, ngộ nghĩnh giống như con gấu trúc nhỏ, lông xù vàng mượt. Đó chính là những con cù lần (còn gọi là cu ly hoặc khỉ gió). Đặc biệt, chúng thu hút mọi người ở đôi mắt tròn xoe như viên bi màu, hiền lành trong khuôn mặt gấu nhỏ thú bông. Cù lần nhát tính, lại hay thẹn thùng, mỗi khi thấy người là khoanh thân mình lại, rồi lấy hai chân trước bưng lấy mắt. Dễ bị bắt ăn thịt như chơi. Đúng là cù lần. Người trong bản thường nhặt nó về chơi chán rồi thả cho về rừng. Có người đem đi chợ bán, thấy tội lại đem về để chúng chơi với con trẻ và nhảy chuyền cành cho vui mắt.

Góc bản Cù Lần.

Nhưng bản được đặt tên Cù Lần thật sự lại ở một câu chuyện lãng mạn của người tộc K’ho. Họ kể, có một chàng trai K’ho tìm đến thung lũng đầy cỏ xanh và suối đẹp dưới chân núi Lang Biang, định xây một lâu đài tặng cho người mình yêu thương. Chàng trai lên núi vác đá về, ngày ngày cặm cụi xây cất ngôi nhà, nhưng lại bị mưa gió, bão tố xô đổ. Không chịu thoái lui, chàng trai lại tiếp tục dựng lâu đài hạnh phúc của mình trên thảo nguyên mênh mông. Năm tháng trôi qua, mãi mãi chỉ là khát vọng, mơ mộng. Thấy vậy, người K’ho coi chàng trai này là anh chàng cù lần, viển vông.

Nhưng rồi những ngôi nhà xinh xinh được mọc lên như giấc mơ trên thảo nguyên bao la. Người người tìm đến. Đông vui, cùng với chàng trai dễ thương và cô gái K’ho xinh đẹp. Bản Cù Lần ra đời từ đó. Họ hát ca và yêu thương trái tim của anh. Trái tim Cù Lần chính là bài hát luôn được ngân vang, chào đón mọi người khi đến đây. Giai điệu chân tình, dễ thương như dân ca K’ho bao đời nay dưới chân núi Lang Biang. Và, hãy nghe chàng trai Cù Lần hát rằng: “Cho anh nói lời yêu như đứa nhà quê thật thà. Xin em hãy nhận đi. Xác thân mẹ nuôi khôn lớn. Xin em hãy nhận đi. Trái tim mộng mơ. Trái tim Cù Lần”.

Làng ca sĩ

Khi quay về bản Lát, không khí khác hẳn cái xứ Cù Lần luôn luôn sôi động không khí âm nhạc. Các chàng trai ở đây có tài đua ngựa không yên. Còn các cô gái thì có thể ca múa suốt đêm bên lửa trại. Đi khắp bản, đâu đâu cũng tập luyện cồng chiêng như chuẩn bị vào hội. Trong một khu vườn cà phê, chúng tôi gặp chị K’Rec, được nghe chuyện về những nghệ sĩ trong bản. Chị kể, ca sĩ Bonneur Trinh là người ở xóm gần đây - một người con của bản Lát. Trước kia, Bonneur Trinh vẫn thường hát bên lửa trại cùng mọi người. Rồi hay tin, già làng Krazan Plin cử Bonneur Trinh đi dự thi cách đây hơn 10 năm. Bonneur Trinh đã đoạt giải Nhất Giọng hát hay truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Bonneur Trinh biểu diễn bài Lang Biang S’ning do chính già làng Plin sáng tác - một bài hát về tình yêu và quê hương của người dân tộc hiền hòa bên chân núi Lang Biang.

Vượt suối Plah.

Nay xã có tới 20 đội văn nghệ là nhờ già làng Krazan Plin. Chị kể, trước kia, Plin là ca sĩ của Đoàn Văn công Lâm Đồng, đã từng đoạt 3 HCV và 5 HCB trong các hội thi. Sau đó, Krazan Plin xin về quê nhà, làm phong trào và trở thành già làng. Ông đã bán trâu để mua nhạc cụ, thành lập đội văn nghệ đầu tiên với cái tên “Những người bạn Lang Bian”. Đội nhạc này đã từng đi biểu diễn ở Hà Nôi, TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Cần Thơ... Không những thế, già làng Plin còn mở lớp đào tạo nhiều giọng ca trong xã, người hát hay như Bonneur Trinh không thiếu. Chị sôi nổi kể một loạt gương mặt đã thành danh trong làng ca hát đều là người của bản. Tiêu biểu là ca sĩ Krazan Sik đã đoạt HCV trong một cuộc thi “Dân ca toàn quốc”. Anh còn là nhạc sĩ sáng tác sau khi được đào tạo trở về.

Hàng chục tiết mục biểu diễn ở xã Lát đều do nhạc sĩ Krazan Sik viết theo phong cách dân ca K’ho. Những giai điệu sôi động, vui tươi trong những ngày hội. Theo chị K’Réc, ở xã Lát hiện có tới 300 nghệ sĩ biểu diễn. Đây là một con số lớn so với tỷ lệ với 5.000 người K’ho rải rác quanh vùng. Nhiều đội văn nghệ dàn dựng chương trình khá chuyên nghiệp. Họ thường đi phục vụ khắp trong thành phố hay những huyện xung quanh khi có hợp đồng biểu diễn. Ban ngày, các nghệ sĩ lên nương rẫy, làm vườn hay tham gia dịch vụ tại khu du lịch trên núi Lang Biang. Tối về, họ lại tập luyện ca múa, chơi cồng chiêng, sẵn sàng phục vụ du khách bên lửa trại.

Đặc biệt, vào mùa xuân, bên cạnh cuộc đua ngựa hàng năm của những chàng trai K’ho, các đội văn nghệ thường có mặt trên các sân khấu được dựng lên trong các bản, thôn. Xã Lát tưng bừng trong âm thanh. Các chàng kỵ mã đua ngựa được tập hợp từ các bản lên cũng đều là thành viên của các đội văn nghệ. Chính vì thế, cuộc đua ngựa thường diễn ra trong nền âm nhạc sôi động. Khi vó ngựa bay trên thảo nguyên cũng là lúc những bài ca K’ho rạo rực ngân vang. Đây là cuộc đua ngựa không yên nổi tiếng trong cả nước. Chỉ có những chàng trai K’ho ở xã Lát mới có đủ dũng cảm như vậy. Khi gặp sự cố, họ ngã như bay xuống đất. Nhưng ngay lập tức, họ đuổi theo nhảy lên lưng ngựa đua tiếp. Các chàng trai K’ho như những con chim đại bàng tung cánh trên đỉnh núi Lang Biang. Đôi khi họ còn đứng bật lên lưng ngựa để đua. Chân trần. Không yên cương. Họ trông cậy vào trái tim lãng mạn - một trái tim “Cù Lần” bừng sôi, bay bổng trên cao nguyên đất đỏ.

Những thiếu nữ K’ho.

Thăm thẳm mắt người

Chợt nhớ, khi vào ngôi nhà Rông ở bản Cù Lần và bản Lát - nơi hằng đêm sáng bừng lửa trại, tôi thường giật mình đứng trước những bức tượng người mẹ bằng gỗ. Đây là những bức tượng do các nghệ nhân K’ho điêu khắc. Họ đã truyền được những nét thần bí của bộ tộc mình. Những vết khắc chạm ghồ ghề, thô mộc nhưng rung động bởi tâm hồn trầm luân, ẩn chứa những phong ba, bão tố. Người K’ho đã phải chống chọi với thiên tai, lũ lụt, thác đổ mưa gào. Đi mỗi bước trong ngôi nhà tượng, tôi đều bắt gặp những đôi mắt K’ho thăm thẳm nỗi niềm.

Đó là đôi mắt chan chứa mộng mơ của cô gái thợ dệt với những sợi thổ cẩm màu tím. Còn kia là đôi mắt mẹ địu con với sự ngời sáng trong điệu ru con K’ho. Nhưng có lẽ bức tượng chàng trai vạm vỡ với ánh mắt cháy bỏng ước mơ xây những ngôi nhà hạnh phúc cho người mình yêu đã gây ấn tượng bất ngờ. Ngôi tượng như đang hát những lời ca ngây ngất: “Anh không có giàu sang, không có nhà cao, cái phố. Xin đem cái rừng hoa, đem cái đồi xanh tặng em. Dâng em mái nhà trang khuất trong màn sương chiều về...”. Tôi đi như mơ trên thảo nguyên mướt xanh. Bất ngờ, đàn cò lửa vụt bay lên như những tia chớp, cháy lấp lánh trên không trung bao la.

Bài và ảnh: Cảnh Linh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-voi-tho-dan-kho-n168395.html